01.
2019: Năm El Nino quay trở lại
Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết, hiện tượng El Nino đã quay trở lại trong năm 2019.
NOAA sẽ theo dõi xem El Nino 2019 này phát triển như thế nào trong những tháng tới. Hiện tại, nhiệt độ ở Thái Bình Dương ấm hơn một chút so với trung bình (khoảng 0,5 độ C), nhưng chưa đủ để báo hiệu những thay đổi lớn.
Tờ The Guardian (Anh) cho biết, hiện tượng El Nino xảy ra vào năm 2016, cộng hưởng với hiện tượng ấm lên toàn cầu từ khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính do con người gây ra từ các hoạt động sản xuất-giao thông-sinh hoạt, đã khiến năm 2016 trở thành năm nóng kỷ lục.
Mặc dù, theo ông Maxx Dilley, Giám đốc chi nhánh dự báo và thích ứng khí hậu thuộc Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), El Nino 2019 dự báo sẽ không mạnh như El Nino năm 2015-2016, tuy nhiên, với mức gia tăng nhiệt từ hiện tượng ấm lên toàn cầu và biến đổi khí hậu nhân tạo (do các hoạt động sản xuất-giao thông-sinh hoạt của con người gây ra chủ yếu), thì năm 2019 vẫn được cảnh báo là năm nóng nhất trong lịch sử, theo thông tin National Geographic dẫn lời cảnh báo từ các nhà khoa học.
The Guardian đưa ra thực trạng, hàng tỷ tấn khí thải CO2 vẫn đang tiếp tục thải ra bầu khí quyển. Trong khi đó, khí nhà kính (gồm CH4, N2O, O3, các khí CFC...) đang ở nồng độ kỷ lục. Điều này đồng nghĩa với việc ấm lên toàn cầu ngày càng mạnh hơn bao giờ hết.
Đại dương đang gào thét. Hình minh họa
Trước đó, theo nghiên cứu của các nhà khoa học tại Viện Vật lý Khí quyển (IAP) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, năm 2018, nhiệt độ đại dương giữ kỷ lục nóng nhất trong lịch sử 70 năm trở lại đây.
Các nhà khí tượng học cho biết, bão (xoáy thuận nhiệt đới) phần lớn hình thành trên đại dương và những vùng biển có nhiệt độ nước khá ấm. Các xoáy thuận nhiệt đới lấy năng lượng từ việc nước biển/đại dương bốc hơi.
Việc đại dương nóng lên sẽ trực tiếp sản sinh ra nhiều bão và siêu bão, có khả năng tấn công đất liền. Sự tàn phá về người và của từ các siêu bão mạnh là nỗi ám ảnh của rất nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc đảo, quốc gia ven biển. (Đọc chi tiết).
02.
Đợt nắng nóng ở nước ta kéo dài đến khi nào?
Trả lời phỏng vấn trên VnExpress, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết: Do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây kết hợp đới gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên ngày 23/4, nắng nóng tiếp tục xảy ra ở Tây Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 34-37 độ. Tây Bắc Bắc Bộ, vùng núi phía Bắc và Trung Trung Bộ có nơi trên 38 độ.
Riêng, thủ đô Hà Nội nhiệt độ cao nhất ngày 20/4 xấp xỉ 39 độ. Miền Trung phổ biến từ 37 đến 40 độ.
Một số nơi trên 41 độ như: Mường La, Phù Yên (Sơn La) 42 độ; Hòa Bình 41 độ (cao hơn mức lịch sử năm 2016 là 40,5 độ); Con Cuông, Tương Dương (Nghệ An) 42 độ; Hương Khê (Hà Tĩnh) 43 độ (cao hơn mức lịch sử năm 2007 là 42 độ), Tuyên Hóa (Quảng Bình) 43 độ (cao hơn mức lịch sử là 41,4 độ năm 2007).
Cũng theo ông Nguyễn Văn Hưởng nói trên VnExpress, tình hình nắng nóng diện rộng ở Nam Bộ, Bắc Bộ và Trung Bộ, nhất là nắng nóng gay gắt ở Tây Bắc Bắc Bộ và vùng núi Trung Bộ còn kéo dài trong 4-5 ngày tới (từ ngày 23 đến 27/4).
Mùa nắng nóng đã đến, bạn và người thân bên cạnh việc thường xuyên xem dự báo thời tiết, hãy chú ý bổ sung nước, đồ ăn mát và tránh ra ngoài đường vào thời điểm giữa trưa (nếu không có việc gì quá cần thiết) nhằm hạn chế tác động từ việc sốc nhiệt, nắng nóng, mất nước.
Chúc bạn và gia đình luôn khỏe mạnh!
Bài viết tham khảo các nguồn: The Guardian, VnExpress, Mashable
Theo ttvn.vn