Có hay không trường hợp "ngoại lệ"?
Như thông tin báo chí đã đăng tải, trong chuỗi lây nhiễm Covid-19 tại TP.HCM mới xảy ra, có trường hợp 5 người tại một công ty phục vụ mặt đất ở sân bay Tân Sơn Nhất mắc bệnh, 6 nhân viên khác tiếp xúc gần (F1) có xét nghiệm âm tính nhưng người nhà của họ (F2) lại có người dương tính.
CDC TP Hồ Chí Minh nhận định, đây là ổ lây nhiễm đã có từ trước của các công nhân ở công ty này.
Vậy vì sao lại có trường hợp F1 âm tính, F2 (người sống chung nhà với F1) dương tính với SARS-CoV-2, có hay không trường hợp ngoại lệ mắc bệnh?
Trao đổi với PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) về thông tin trên, vị chuyên gia hàng đầu về dịch tế cho hay, đây không phải là trường hợp "ngoại lệ" của virus. Có phương án lây nhiễm xảy ra đối với tình huống trên.
Xét nghiệm có thể xảy ra âm tính giả, ảnh minh hoạ.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga đưa ra 3 tình huống cụ thể như sau:
- Tình huống thứ nhất: F1 mắc bệnh từ F0, tuy nhiên không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ. Theo thống kê các ca bệnh tại Việt Nam trong đợt dịch lần này 80% không có biểu hiện triệu chứng. Rất có thể F1 đã mắc bệnh và khỏi trong khi đó F2 bị lây nhiễm nhưng chưa khỏi. Vì vậy, vào thời điểm xét nghiệm đó F1 sẽ âm tính còn F2 sẽ dương tính. Trong tình huống này để xác định F1 có phải nguồn lây hay không thì phải làm xét nghiệm kháng thể.
- Tình huống thứ 2: Không phải lúc nào xét nghiệm cũng có thể xác định được bệnh nhân dương tính ngay. Có những trường hợp phải xét nghiệm tới lần 3 mới xác định được nhiễm SARS-CoV-2. Đây cũng là lý do vì sao cần phải cách ly F1 để theo dõi.
- Tình huống thứ 3: Hiện nay, dịch bệnh đã có ở trong cộng đồng cho nên bất kỳ ai cũng có thể là nguồn lây nhiễm bệnh. Có khả năng F2 có thể lây ở đâu chứ không phải lây từ F1. Trừ trường hợp F2 trẻ nhỏ, người già, người nội trợ… không đi đâu và tiếp xúc với ai nhưng mắc bệnh thì mới có thể khả năng cao lây từ F1.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga khuyến cáo: "Tình hình dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh đang có những diễn biến phức tạp. Vì vậy, mỗi cá nhân nên có ý thức tự bảo vệ mình thực hiện đầy đủ nguyên tắc 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Dịch bệnh đã có ở cộng đồng cho nên tất cả người tiếp xúc gần đều có thể là nguồn lây nhiễm. Vì vậy, khi tiếp xúc với bất kỳ ai chúng ta cũng phải đặt câu hỏi hồ nghi, lưu ý giữ đúng khoảng cách 2m".
TP.HCM: Nâng cao mức độ cảnh báo dịch
CDC TP.HCM cho biết, mặc dù chưa phát hiện lây nhiễm ở các nhân viên trong sân bay phục vụ có tiếp xúc với hành khách nhưng đây được xem là diễn biến ổ dịch khá phức tạp vì chưa xác định được nguồn lây nhiễm cũng như thời điểm khởi đầu. Do đó, có thể còn lây nhiễm ra cộng đồng trong thời gian tới.
Sở Y tế HCM chuẩn bị kịch bản ứng phó với tình huống dịch bệnh ở mức độ khẩn cấp. Hiện thành phố kích hoạt toàn bộ hệ thống dự phòng và điều trị cũng như phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Y tế đóng trên địa bàn Thành phố.
- Thực hiện phòng chống dịch với phương châm: thần tốc, quyết liệt, đồng bộ, chủ động.
- Nâng cao mức độ cảnh báo trong phòng, chống dịch. Thực hiện nhanh chóng, thần tốc truy vết các ca F1, F2, khoanh vùng dịch tễ, lấy mẫu diện rộng và có kết quả trong 24 giờ. Tất cả F1 cách ly tập trung, F2 cách nghiêm ngặt tại nơi cư trú.
- Hoàn thành xét nghiệm lại lần 2 của toàn bộ 1.600 nhân viên làm việc tại công ty bốc xếp vào tối 08/02.
- Khoanh vùng, phong tỏa tạm thời tất cả các ổ lây nhiễm trong cộng đồng ở 06 quận/huyện.
- Tiến hành lấy mẫu đơn tất cả các ca tiếp xúc gần F1, mẫu gộp đối với hộ gia đình ở trong khu vực lây nhiễm. Xét nghiệm toàn bộ nhân viên, cán bộ công nhân viên của BV 175.
Để đảm bảo an toàn mức độ cao cho toàn bộ hành khách đi và đến sân bay Tân Sơn Nhất, tiến hành xét nghiệm lần 2 các nhân viên làm việc trong nhà ga có tiếp xúc với hành khách, thực hiện trước 1 ngày trước khi vào ca làm việc.
Thành phố sẽ cân nhắc và ra thông báo chính thức về vấn đề giãn cách xã hội tùy theo diễn biến của dịch bệnh.
Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/chuyen-gia-giai-ma-ca-covid-19-ky-la-tai-tphcm-f1-am-tinh-f2-duong-tinh-161210902090848501.htm
Theo ttvn.vn