Chuyên gia hô hấp người Việt tại Châu Âu "tiết lộ" giải pháp vắc xin tốt nhất trước độ lây lan cao của biến thể Delta

Với mức độ lây lan rất cao của chủng Delta mới, vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất", GS. TS. BS Đinh Xuân Anh Tuấn chia sẻ.

Hiểu đúng về vắc xin

Hiện nay, cả nước đang bước vào "chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19" lớn nhất lịch sử. Mới đây, Bộ Y tế có hướng dẫn về việc tiêm trộn 2 loại vắc xin với nhau để hướng tới mục tiêu trên 70% dân số được tiêm phòng.

Cụ thể, trong trường hợp nguồn vắc xin hạn chế, có thể phối hợp bằng cách tiêm mũi 2 vắc xin do Pfizer sản xuất cho người đã tiêm mũi 1 bằng vắc xin do AstraZeneca sản xuất (nếu người được tiêm chủng đồng ý), khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 8-12 tuần. Điều này khiến nhiều người lo ngại về hiệu quả và tính khả thi khi tiêm trộn 2 vắc xin.

Trao đổi về vấn đề này, GS. TS. BS Đinh Xuân Anh Tuấn (Chuyên gia đầu ngành lĩnh vực Hô hấp tại Pháp và Châu Âu, Trưởng khoa Thăm dò chức năng Hô hấp tại Bệnh viện Cochin Paris, Pháp, Thành viên Uỷ Ban Phòng chống dịch - Hội chứng Covid mãn tính của Hội Hô hấp Châu Âu) cho biết, hiện nay, trong trường hợp nguồn vắc xin COVID-19 hạn chế, một sự lựa chọn khả thi khác chính là tiêm phối hợp 2 loại vắc xin.

GS Anh Tuấn phân tích, hệ miễn dịch trong cơ thể chúng ta được tạo ra để chống lại vi khuẩn (vi trùng) và virus. Trong hệ miễn dịch, chúng ta có những tế bào miễn dịch vô cùng phức tạp. Nhưng nổi bật nhất, chúng ta có thể nhớ đến những tế bào như lympho.

Chúng ta có 2 loại tế bào lympho: lympho T và lympho B. Đó là tế bào có những khả năng như những người chiến sĩ chống lại vi khuẩn, virus.

Cùng lúc đó, chúng ta cũng có những tế bào như lympho B. Sau khi được kích hoạt, chúng sẽ có khả năng tổng hợp ra những kháng thể rất công hiệu để trừ được những loại vi khuẩn, virus độc hại.

Kháng thể là những phân tử rất bé và có khả năng nhận diện, cô lập được những kháng nguyên do virus, vi khuẩn mang vào trong cơ thể của chúng ta.

GS. TS. BS Đinh Xuân Anh Tuấn.

"Vắc xin tăng cường hiệu quả hệ miễn dịch bằng cách giúp hệ miễn dịch có khả năng phát hiện một cách rất tinh vi, chính xác ai là những vi khuẩn, virus xâm nhập từ ngoài vào, và ai là những tế bào tốt của chúng ta.

Cụ thể hơn, vắc xin chỉ đưa vào cơ thể của chúng ta một phần của con virus đó, hoặc con virus đó đã bị vô hiệu hoá hoàn toàn. Vì vậy, virus trong vắc xin đã bị giảm đi rất nhiều phần công hiệu, nếu chúng ta không muốn nói rằng vắc xin đã giảm đi hoàn toàn sức mạnh tàn phá của nó", GS Tuấn cho hay.

Vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất

GS Tuấn cho biết, theo nghiên cứu của các chuyên gia, những người tiêm trộn vắc xin có hệ miễn dịch tế bào được kích hoạt hiệu quả hơn so với những người tiêm chuẩn.

Về phần miễn dịch thể dịch để tổng hợp ra những kháng thể trung hòa ở biểu đồ bên phải dưới đây, chúng đã được kích hoạt gần như là tương đương giữa biện pháp tiêm trộn (cột ở giữa) và biện pháp tiêm 2 liều của Pfizer hoặc Moderna (cột bên phải). Khi so sánh nhóm tiêm trộn (cột ở giữa) và nhóm tiêm 2 liều Astrazeneca (cột bên trái), chúng ta có thể thấy biện pháp tiêm trộn có khả năng kích hoạt kháng thể trung hoà cao hơn một chút so với biện pháp tiêm 2 liều Astrazeneca.

Thử nghiệm so sánh tiêm vắc xin cùng loại và khác loại.

Từ 2 biểu đồ chúng ta có thể kết luận tạm rằng Tiêm trộn AstraZeneca và Pfizer hoặc AstraZeneca và Moderna công hiệu bằng tiêm hai liều với cùng một loại thuốc.

Tiêm trộn AstraZeneca và Pfizer.

Từ 2 biểu đồ chúng ta có thể kết luận tạm rằng Tiêm trộn AstraZeneca và Pfizer hoặc AstraZeneca và Moderna công hiệu bằng tiêm hai liều với cùng một loại thuốc.

Khi nghe kết luận tạm rằng tiêm phối hợp mang lại hiệu quả bằng hoặc hơn so với việc tiêm thường, nhiều người muốn đợi thêm kết quả nghiên cứu để đảm bảo mình có được loại vắc xin tốt nhất.

Tuy nhiên, những kết quả nghiên cứu hiện nay mới chỉ dựa trên sự thống kê. Các bác sĩ làm việc lâm sàng có thể quả quyết rằng, một khi ai đã được tiêm 2 mũi vắc xin, cho dù đó không phải loại vắc xin được coi là hữu hiệu nhất như Pfizer hoặc Moderna, cơ nguy trở bệnh nặng và nhập viện của họ sẽ rất thấp.

Vì vậy, hiện tại vẫn chưa có bằng chứng dịch tễ để quả quyết rằng giải pháp tiêm trộn sẽ thay thế giải pháp tiêm hai mũi với cùng một loại vắc xin. Chúng ta vẫn cần có thêm những nghiên cứu và kết quả mới để hiểu sâu hơn về công hiệu của cả 2 biện pháp tiêm phối hợp và tiêm thường.

"Hiện tại, Bộ Y tế Việt Nam đã cho phép tiêm phối hợp AstraZeneca cho mũi 1 và Pfizer cho mũi 2. Trong khi chờ đợi thêm các báo cáo khoa học so sánh giữa việc tiêm thường và tiêm phối hợp, dù có tiêm phối hợp hay không, chúng ta vẫn nên ưu tiên tiêm đủ 2 mũi vắc xin dựa trên cung cấp của Bộ Y tế để đảm bảo sức khoẻ và sự an toàn. Với mức độ lây lan rất cao của chủng Delta mới, vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất", GS Tuấn nói.

 

Theo soha.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU