Vợ giết chồng vốn không phải là loại án mạng kỳ lạ hiếm có từ trước đến nay, đã từng có nhiều vụ án tương tự xảy ra và cái kết là kẻ nằm ở đất lạnh, kẻ vào vòng lao lý, bao khổ đau thì người ở lại phải gánh chịu. Thế nhưng vì đâu nên nỗi? Nguyên nhân gì khiến sự tức giận bên trong người phụ nữ lên đến không thể kiểm soát?
Cảm xúc tiêu cực bị dồn nén trong thời gian dài
Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Duy, phụ nữ sống thiên về cảm xúc. Nếu họ bị dồn nén, tích tụ cảm xúc tiêu cực nhiều ngày, có thể dẫn đến những hành vi khó tưởng tượng.
Thạc sĩ Duy nhận định: "Mình cứ nghĩ phụ nữ là phái yếu. Nhưng thực ra nếu phụ nữ chịu nhiều áp lực, tâm lý ức chế, dồn nén, tích tụ trong quá trình thì sẽ dẫn đến chuyện giọt nước tràn ly. Tôi không biết sự việc ra sao nhưng nếu người chồng đi nhậu về sừng sộ, trong khi người vợ bị ức chế lâu ngày thì khó tưởng tượng chuyện gì xảy ra. Những dồn nén trong vô thức sẽ vỡ òa dẫn đến hành vi khó tưởng tượng".
Cơ quan công an tìm kiếm thi thể nạn nhân tại các khu vực phi tang
Nói về vụ án vợ giết chồng rồi phân xác ở Bình Dương, thạc sĩ Duy phân tích: Việc người vợ phân xác chồng ra nhiều mảnh rồi bỏ vào các thùng rác rất gần nhà trọ cho thấy đây là hành vi bộc phát khi bị dồn nén, chứ không phải là sự chuẩn bị giết người, phi tang một cách bài bản.
TS tâm lý Đinh Đoàn cho rằng, nhiều phụ nữ bị khủng hoảng tâm lý trầm trọng khi cuộc sống bí bách về kinh tế, con cái bệnh tật liên miên, bị chồng bạo hành, chồng có bồ, chồng đòi ly hôn… Phụ nữ thường có hai cách để đối diện với việc này. Một là, chấp nhận cuộc sống bế tắc như vậy vì danh dự, vì con cái. Hai là, làm theo cách riêng của mình nhưng nghiêng về cách tiêu cực là phổ biến.
Là nạn nhân của bạo lực, sức ép
Theo chuyên gia tâm lý tội phạm Đoàn Văn Báu: “Quy luật tâm lý tội phạm là nữ giới có đặc điểm tâm sinh lý giới khác nam nên thường có quá trình đấu tranh động cơ trong một thời gian dài mới đi đến quyết định thực hiện hành vi phạm tội. Tức là họ cân nhắc rất kỹ trước khi thực hiện hành vi phạm tội, thường không bộc phát như nam giới".
“Tuy nhiên, cũng có trường hợp người phụ nữ bị áp lực nào đó mà thực hiện hành vi phạm tội, như họ chính là nạn nhân của hành vi bạo lực, bị sức ép từ người khác... Sau khi thực hiện xong hành vi phạm tội, tuy thời gian đầu họ hoảng loạn nhưng sau đó sẽ bình tĩnh hơn cả nam giới để đối phó với cơ quan chức năng", vị Phó trưởng khoa Tâm lý cho biết thêm.
Theo tiến sĩ Báu, hành vi phân xác chồng để phi tang xuất phát từ tâm lý muốn che giấu hành vi phạm tội, gây khó khăn cho cơ quan điều tra chứ không hẳn là sự mưu toan từ trước của đối tượng.
Để đi đến quyết định sát hại chồng của nghi can, ông cho rằng với vị trí, định kiến đối với phụ nữ trong xã hội Việt Nam còn nặng nề thì chắc chắn người vợ phải chịu một sức ép nào đó cực lớn
"Áp lực này có thể do chính nạn nhân hoặc người thứ ba. Hoặc do bột phát vô ý dẫn đến cái chết của chồng nhưng vì sợ bị trừng phạt nên có thể dẫn đến hành vi phân xác để phi tang", tiến sĩ phân tích.
TS tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý, Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam cũng cho rằng, nguyên nhân cụ thể thì phải chờ cơ quan điều tra xác nhận. Tuy nhiên, qua lời khai của nghi phạm đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin thì hành vi giết chồng của D là hành vi phòng vệ khi bị chồng tấn công bằng cách cầm dao dọa giết. Còn hành vi chặt xác chồng để phi tang diễn ra sau khi nạn nhân đã chết là do sợ hãi khi sợ bị phát hiện.
Phạm tội do vướng vào “tâm độc”
Nhìn nhận ở góc độ đạo Phật, Thượng tọa Thích Nhật Từ, Trụ trì chùa Giác Ngộ cho rằng, một người bình thường dù là hiền lành thì khi vướng vào 3 tâm độc: “Tham, sân, si” vẫn có thể dẫn tới hành vi tàn độc là giết người.
Quá trình người vợ ở Bình Dương giết chồng được chia ra làm 2 giai đoạn: Một là, hành vi cầm dao chém chồng. Hành động chém chết chồng là bị thúc đẩy bởi tâm sân và một phần tâm si. Tức giận vì chồng dọa chém mình và tâm si mê vì sợ bị giết chết. Một phần vì tức chồng, một phần là do tự vệ vì người chồng cầm dao dọa chém mình. Bản chất của hành động này là do tâm lý phòng vệ. Hai là, hành vi chặt xác chồng để mang đi phi tang được thúc đẩy bởi tâm si mê. Si mê vì do sợ bị phát hiện.
Hiện trường vụ án mạng nghiêm trọng ở Bình Dương
Trong bài giảng “Nên sợ điều gì”, Sư cô Thích Nữ Tâm Tâm, giảng viên Phật học giảng về Vi diệu Pháp cũng cho rằng, “tham, sân, si” là 3 loại tâm độc có thể khiến con người làm những việc không thể tưởng tượng nổi.
Dù đặt quan điểm ở góc độ nào thì hành vi giết người vẫn là một hành vi phạm tội, nguyên nhân dẫn đến sự bế tắc trong hành động dù là sự chèn ép, ức chế hay mất kiểm soát đều đưa đến những cái kết đau lòng.
Vì vậy, những người thân trong gia đình, đặc biệt là cha mẹ ruột, các anh chị em ruột của nạn nhân phải thường xuyên gần gũi nắm bắt được diễn biến tâm lý của họ như: Không ngủ, phiền muộn kéo dài, ủ rũ… để có biện pháp trấn an tâm lý kịp thời, đồng thời cũng phải có những biện pháp phòng ngừa, giám sắt chặt chẽ mọi hành vi của nạn nhân để tránh những hậu quả đáng tiếc.
Vào 12h30 ngày 16/12, anh Nguyễn Văn Tiến (32 tuổi) đến thu gom rác thải tại đường Thuận Giao 9, phường Thuận Giao (thị xã Thuận An, Bình Dương) thì phát hiện ba lô còn mới ở thùng chứa rác. Người này tò mò mở ra xem thì phát hiện bên trong chứa đầu người. Nhân được tin báo, công an tỉnh Bình Dương nhanh chóng vào cuộc và xác định nạn nhân là nam giới, độ tuổi từ 30-35, bị sát hại nửa ngày trước khi phát hiện. Đêm 17/12, công an xác định nạn nhân là Trần Thanh Tú (37 tuổi, quê Sóc Trăng). Nghi can sau đó được xác định là vợ nạn nhân, tên Hàng Thị Hồng Diễm (32 tuổi, quê Hậu Giang). Hiện trường vụ án là phòng trọ của vợ chồng Diễm tại khu phố Bình Thuận 1, phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, Bình Dương. Ngày 18/12, Công an tỉnh Bình Dương tạm giữ nghi can Diễm để điều tra về việc chị này có hành vi liên quan đến cái chết của chồng. Tại cơ quan công an, nữ nghi can thừa nhận đã ra tay sát hại chồng rồi phân xác thành nhiều mảnh để phi tang. |
Tổng hợp