Chuyên gia nêu những việc Hà Nội cần làm khi F0 tăng nhanh

Nhận định thời gian tới Hà Nội có thể ghi nhận mỗi ngày lên đến 1.000 ca mắc mới, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng thành phố nên điều trị F0 nhẹ, không triệu chứng tại nhà, nâng cao ý thức người dân, để hạn chế nguy cơ dịch bệnh lan rộng dẫn đến quá tải hệ thống y tế.

Ngày 28/11 Hà Nội ghi nhận 301 ca dương tính, trong đó có 141 ca tại cộng đồng, 133 ca tại khu cách ly và 27 ca tại khu phong tỏa. Như vậy, đây là lần đầu tiên Hà Nội ghi nhận hơn 300 ca dương tính trong một ngày kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam. Trước đó, liên tiếp trong 11 ngày qua, Hà Nội ghi nhận hơn 200 ca/ngày.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện khẩn cấp công cộng (Bộ Y tế), hiện nay theo Nghị quyết 128, các địa phương đã nới lỏng các hoạt động cũng như nới lỏng việc đi lại và chấp nhận không thể "Zero COVID". Hiện nay, cùng với nhiều địa phương trên cả nước, TP Hà Nội cũng xuất hiện nhiều ổ dịch mới với các ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, diễn biến phức tạp, khó lường. Hà Nội cần cảnh giác cao độ trong đó cần xét nghiệm các đối tượng nguy cơ, vùng nguy cơ; đặc biệt xét nghiệm hằng ngày tất cả các trường hợp sốt, ho, khó thở… để phát hiện ổ dịch, khoanh vùng dập dịch kịp thời, đồng thời đánh giá nguy cơ đúng để có đáp ứng phù hợp.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu: "Hà Nội số ca mắc nằm trong dự đoán. Khi nới lỏng các hoạt động tạo điều kiện cho người dân đi lại thì chắc chắn số ca sẽ tăng lên. Vấn đề cần chú ý các ca nặng nhiều hay không, đặc biệt luôn luôn kiềm chế số ca mắc để không bị quá tải hệ thống y tế và y tế cơ sở tiếp cận được với F0 càng sớm càng tốt. Có làm như vậy bệnh nhân mới không chuyển bệnh nặng cũng như không dẫn tới quá tải hệ thống y tế và tử vong".

Chuyên gia này cho rằng, Hà Nội nên phải đánh giá tỉ lệ người mắc/100.000 dân biến đổi thế nào, thứ 2 phải xem tỉ lệ mắc, tỉ lệ nặng, tỉ lệ nhập viện, tử vong thế nào giữa nhóm đã tiêm và chưa tiêm vắc xin để đưa ra những đáp ứng kịp thời. "Điều này rất quan trọng vì nếu không đáp ứng được sẽ bùng lên không kiểm soát được", ông Phu nhấn mạnh.

Theo TS Phu, Bộ Y tế đã hướng dẫn quy trình điều trị F0 tại nhà, cơ chế quản lí, giám sát sẽ phân cấp triệt để cho địa phương, tổ COVID-19 cộng đồng, trạm y tế lưu động. Quan trọng nhất vẫn là sự tự giác, ý thức của người dân. Ông đồng thời khuyến cáo Hà Nội nên cho F0 nhẹ điều trị tại nhà vì sắp tới sẽ có nhiều F0 và cũng để tập duyệt cho tránh bất ngờ khi số F0 tăng cao.

Cùng quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng Hà Nội nên cho phép những trường hợp F0 thể nhẹ, không có triệu chứng cách li tại nhà.

Ngoài ra PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh, Hà Nội cần đẩy nhanh phủ vắc xin 2 mũi cho toàn bộ dân số, gồm trẻ em dưới 18 tuổi và người già. Khi độ phủ được đảm bảo, cần tính tiếp đến mũi 3 vắc xin cho đối tượng nguy cơ cao, nhiều bệnh nền để giảm thiểu tử vong.

Thống kê của Sở Y tế Hà Nội cho thấy trong số ca nhiễm mới của thành phố, có khoảng 20% là người chưa tiêm vắc xin, chủ yếu là học sinh và người không đủ điều kiện. Các ca mắc COVID-19 mới ở Hà Nội hiện nay chủ yếu là người đã tiêm 1-2 mũi.

Hiện Hà Nội đã lên kế hoạch, chuẩn bị điều trị với kịch bản 10.000, 40.000 và 100.000 ca nhiễm. Đây là một tín hiệu tốt trong việc chuẩn bị nhân, vật lực để phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, khi số ca nhiễm không triệu chứng và nhẹ chiếm tỉ lệ chủ yếu, y tế cơ sở sẽ phát huy vai trò chủ lực thay vì các bệnh viện tuyến Trung ương và thành phố.

 

Link gốc: http://tienphong.vn/chuyen-gia-neu-nhung-viec-ha-noi-can-lam-khi-f0-tang-nhanh-post1396698.tpo

Theo ttvn.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU