Hôm qua (5/1), hãng thông tấn Fars dẫn lời Tư lệnh Hải quân Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC), Đô đốc Alireza Tangsiri, tuyên bố lực lượng Hải quân Vệ binh Cách mạng Iran đã sẵn sàng để trả thù Mỹ sau vụ ám sát Tư lệnh Lực lượng Quads - Tướng Qassem Soleimani.
Theo hãng tin BBC, hiện hải quân IRGC có quân số 20.000 người. Lực lượng này đang vận hành các tàu tuần tra vũ trang tại eo biển Hormuz, nơi từng diễn ra một số cuộc đụng độ giữa IRGC với các tàu chở dầu của nước ngoài trong năm 2019.
Thống kê của tạp chí National Interest cho biết, hải quân IRGC có hơn 1.500 tàu cao tốc, được thiết kế để tiến hành các cuộc tấn công bầy đàn chớp nhoáng tại những vùng nước nông ở vịnh Ba Tư.
Ngoài các vụ bắt giữ tàu dầu gây tranh cãi gần đây, hải quân IRGC còn có liên quan tới một số vụ việc ngoại giao mang tính khiêu khích cao, như bắt giữ tàu tấn công nhanh của Hải quân Mỹ trong tháng 1 năm 2016.
Với lực lượng như trên, liệu hải quân IRGC có đủ khả năng đánh bại Mỹ để trả thù cho cái chết của Tướng Soleimani hay không?
Để trả lời câu hỏi này, Trí Thức Trẻ đã có cuộc trao đổi với Giáo sư - Tiến sĩ James R. Holmes, chuyên gia về chiến lược tại Đại học Chiến tranh Hàng hải Mỹ (USNW).
Xử lý ảnh: Đỗ Linh
GS Holmes nhận định, với tiềm lực như hiện nay, Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran không thể gây thiệt hại cho lực lượng hải quân của Mỹ và đồng minh ở mức độ lớn hơn mặt trận trên bộ.
Điều họ có thể làm là tìm cách tiến hành các cuộc tấn công gây chú ý nhằm truyền tải hình ảnh của một Iran mạnh mẽ và hùng dũng.
Địa điểm tối ưu để thực hiện điều đó là nơi các con tàu phải cua gấp tại điểm hẹp nhất của eo biển Hormuz để đi vào hoặc rời khỏi vịnh Ba Tư.
Địa hình dưới nước làm cho các tàu mặt nước cỡ lớn không thể tự do cơ động tại điểm đó, khiến chúng trở thành các mục tiêu tương đối cố định.
Tất cả các hoạt động tấn công của Iran tại đây sẽ diễn ra trong sự phối hợp của lực lượng tàu ngầm, tên lửa và máy bay cất cánh từ các căn cứ trên bờ của nước này.
"Đây là phiên bản "chống tiếp cận/chống xâm nhập" của Iran, mô phỏng lại chiến lược của Trung Quốc tại châu Á-Thái Bình Dương. Mục đích của Tehran sẽ không phải là giành chiến thắng tuyệt đối, mà gây tổn hại và thu hút sự chú ý để thể hiện rằng Iran là một thế lực mạnh" - GS Holmes nêu quan điểm.
Trước đó, khi trả lời phỏng vấn của Trí Thức Trẻ, ông Joshua Landis - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông - Khoa Nghiên cứu Khu vực và Quốc tế, Đại học Oklahoma (Mỹ) nhận định rằng, Iran khó có khả năng phát động chiến tranh vũ trang để trả đũa Mỹ lúc này vì với nền kinh tế đang bị bóp nghẹt bởi các lệnh trừng phạt, Iran không thể trang trải cho chiến tranh và họ sẽ thảm bại.
link gốc:
Theo ttvn.vn