Chuyên gia sức khoẻ tâm thần: Những nguyên nhân khiến nhiều trẻ em gặp rối loạn trầm cảm

Liên tục những vụ tự sát liên quan tới nhóm tuổi học sinh là hồi chuông cảnh báo chúng ta cần phải quan tâm tới sức khoẻ tinh thần của trẻ hơn.

Trẻ tự làm đau bản thân

BS CKII Lâm Hiếu Minh, Phòng khám Tâm lý, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, trong quá trình khám và tư vấn cho học sinh gặp phải vấn đề rối loạn tinh thần, không ít bệnh nhân chia sẻ với bác sĩ đã nghĩ tới chuyện tự sát. Có những trường hợp thì bệnh nhân lại chọn cách làm đau bản thân như lấy những vật sắc nhọn, mảnh vỡ trong nhà để làm rách tay hoặc chân.

Theo thống kê của Phòng khám Tâm lý, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, sau khi dịch Covid-19 bùng phát, số bệnh nhân đến khám về các vấn đề tâm lý nhiều hơn, trong đó phần lớn là trẻ em từ 15-20 tuổi đến khám chủ yếu với biểu hiện rối loạn trầm cảm. Ở tuổi thanh thiếu niên, trầm cảm có những triệu chứng như: mệt mỏi, không có năng lượng, dễ nóng nảy, bứt rứt, mất ngủ.

Tổ chức Y tế Thế giới cũng cho biết, thanh thiếu niên bị trầm cảm dễ gây ra hành vi xung động, chống đối. Điều này khác với trầm cảm ở người lớn. Nếu người lớn gặp bệnh lý trầm cảm, họ thường thu lại, ít giao tiếp và suy nghĩ theo chiều hướng tiêu cực.

BS CKII Lâm Hiếu Minh cho biết, khi bệnh nhân trầm cảm có ý định tự sát tức là bản thân đã có vấn đề sức khoẻ tâm thần kéo dài từ lâu và rất nghiêm trọng. Khi có một sự kiện xảy ra như một giọt nước tràn ly làm cho xung động tự sát xuất hiện. Một yếu tố nữa gây mất cân bằng cho bệnh nhân là họ thiếu sự nâng đỡ từ gia đình, nhà trường, bạn bè.

Tuổi vị thành niên rất cần sự quan tâm bao dung của người thân, bạn bè, thầy cô... (Ảnh minh hoạ)

Để ngăn ngừa vấn đề sức khoẻ tinh thần thì phải có nhịp sinh học ổn định, quản lý stress, cân bằng cảm xúc... Đây phải coi là những kỹ năng trẻ cần phải được học tập và rèn luyện.

Chuyên gia cảnh báo, gia đình có con trong độ tuổi vị thành niên cần dành nhiều thời gian chăm sóc, trò chuyện với trẻ. Khi phát hiện trẻ có những triệu chứng bất thường về tâm lý, phụ huynh cần đưa con đến các bệnh viện có chuyên khoa tâm lý để can thiệp kịp thời, tránh để lâu sẽ ảnh hưởng đến nhận thức, khả năng tiếp thu trong học tập của trẻ.

Vì sao trẻ dễ nghĩ tới tự sát?

Theo GS Cao Tiến Đức, Nguyên Chủ nhiệm bộ môn Tâm thần và Tâm lý Y học, khoa Tâm thần, Bệnh viện 103, đại dịch Covid-19, tỷ lệ trẻ em bị trầm cảm tăng lên do nhiều yếu tố: bị cách ly, học online, hạn chế giao tiếp với người thân và bạn bè, căng thẳng tâm lý trong gia đình như bố mẹ bất hòa, thiếu thốn về kinh tế, áp lực học tập. Nhiều trẻ chơi game hoặc sử dụng điện thoại, máy tính nhiều, sử dụng chất như bóng cười, rượu, ma túy, cỏ… Bản thân việc nhiễm Covid -19 cũng làm tăng trầm cảm lo âu, rối loạn stress. Và vì vậy tỷ lệ tự sát cũng tăng lên.

Tự sát là vấn đề rất thường gặp tuy nhiên ít người để ý tới. Hiện nay, tự sát là thách thức lớn cho ngành y tế và toàn xã hội trên toàn thế giới.

Đối với nhóm trẻ thanh thiếu niên nguyên nhân tự sát rất đa dạng: mắc các bệnh lý tâm thần như: trầm cảm, lo âu, tâm thần phân liệt và rối loạn nhân cách, nhân cách yếu, nghiện game…

Tuy nhiên, đôi khi trẻ tự sát chỉ vì những lý do rất tầm thường. Ví dụ trẻ mất một chiếc dép, cây bút sợ bố mẹ đánh cũng đã tìm đến cái chết. Hay như hiện nay không ít bạn trẻ chỉ vì bố mẹ ngăn cấm không được yêu đương sớm do sợ ảnh hưởng tới học tập cũng doạ tự sát.

GS Cao Tiến Đức lưu ý, thông thường thì tự sát là kết thúc một quá trình có vấn đề, có ý tưởng và có chuẩn bị (kế hoạch, phương tiện, thời gian, địa điểm…).

Ở lứa tuổi vị thành niên, nhân cách chưa hoàn thiện, dễ phát sinh những ý nghĩ tiêu cực, do vậy rất cần sự thấu hiểu, bao dung của bố mẹ. Đứng trước một vấn đề bố mẹ nên cân nhắc và tìm những từ ngữ phù hợp để dạy bảo cho con đúng sai.

Phụ huynh cần phải lưu ý, trẻ từ 10 tuổi trở đi bố mẹ, người chăm sóc cần phải để ý những dấu hiệu bất thường để có thể phát hiện ra ý định tự sát sớm.

Về phía phụ huynh không nên quá kỳ vọng gây ra những áp lực tâm lý không đáng có cho con. Bố mẹ cần phải biết khả năng của con đến đâu và con có thể làm được những gì.

Theo GS Đức để phát hiện hành vi tự sát của trẻ không hề khó. Nếu phụ huynh đủ yêu thương gần gũi, dành đủ thời gian cho con sẽ sớm phát hiện con có bất thường để can thiệp.

https://soha.vn/chuyen-gia-suc-khoe-tam-than-nhung-nguyen-nhan-khien-nhieu-tre-em-gap-roi-loan-tram-cam-20220404171853252.htm

 

Theo kenh14.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU