Chuyên gia y tế: Vaccine Covid-19 của Nga và Trung Quốc có chung nhược điểm

Một số chuyên gia y tế cho rằng các loại vaccine phòng ngừa Covid-19 do Nga và Trung Quốc phát triển có những hạn chế nhất định.

Một số chuyên gia cho biết, vaccine phòng ngừa Covid-19 nổi tiếng được phát triển ở Nga và Trung Quốc có chung một nhược điểm: Chúng dựa trên một loại virus cảm cúm thông thường mà nhiều người hay mắc phải và điều này có khả năng hạn chế hiệu quả của chúng.

Có thể kém hiệu quả ở những người có miễn dịch với Ad5

Vaccine của Công ty dược phẩm Trung Quốc CanSino Biologics, đã được phê chuẩn để sử dụng trong quân đội nước này, là một dạng biến thể của virus adeno loại 5 (Ad5). Hiện công ty đang đàm phán để vaccine mới sớm nhận được sự phê duyệt tại một số quốc gia trước khi hoàn thành các thử nghiệm quy mô lớn, Wall Street Journal tuần trước cho biết.

Một loại vaccine khác do Viện Gamaleya của Nga phát triển, được phê chuẩn ở Nga hồi đầu tháng 8/2020 dù việc thử nghiệm còn hạn chế, cũng dựa trên virus Ad5 và một loại virus adeno loại 2 ít phổ biến hơn.

Anna Durbin, một nhà nghiên cứu vaccine tại Đại học Johns Hopkins cho biết: “Ad5 khiến tôi lo ngại vì rất nhiều người có khả năng miễn dịch. Tôi không biết chiến lược của họ là gì, nhưng có lẽ hiệu quả sẽ không được tới 70%. Nó có thể đạt được hiệu quả 40%, nhưng nhìn chung có vẫn hơn không, cho đến khi có loại vaccine mới”.

Việc chế tạo vaccine rất cần thiết trong nỗ lực chấm dứt đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 845.000 người trên toàn thế giới. Viện Gamaleya cho biết, phương pháp tiếp cận hai loại virus của họ sẽ giải quyết các vấn đề về miễn dịch Ad5.

Cả hai nhà phát triển vaccine nói trên đều có nhiều năm kinh nghiệm và đã từng điều chế vaccine chống Ebola dựa trên Ad5.

 

Trong nhiều thập kỷ, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm những loại vaccine được phát triển từ Ad5 để chống lại nhiều bệnh nhiễm trùng, nhưng không có loại nào được sử dụng rộng rãi.

Họ đã sử dụng virus vô hại làm “vật trung gian” (vector) để chuyển gen của virus cần tiêu diệt, trong trường hợp này là virus SARS-CoV-2, vào tế bào của con người, nhằm thúc đẩy phản ứng miễn dịch chống lại virus thực sự. Tuy nhiên, do nhiều người đã có sẵn kháng thể chống lại Ad5, nên hệ thống miễn dịch của họ có thể tấn công virus trung gian thay vì phản ứng với virus SARS-CoV-2. Điều đó khiến các loại vaccine này kém hiệu quả hơn.

Một số nhà nghiên cứu đã lựa chọn virus adeno khác hoặc các cơ chế khác để điều chế vaccine. Đại học Oxford phối hợp với công ty AstraZeneca chế tạo vaccine Covid-19 dựa trên loại virus adeno có trên loài tinh tinh để tránh vấn đề liên quan đến Ad5. Còn Johnson & Johnson sử dụng Ad26 – một chủng virus tương đối hiếm.

Chuyên gia Zhou Xing, thuộc Đại học McMaster của Canada, từng làm việc với CanSino để phát triển vaccine phòng chống bệnh lao, dựa trên Ad5 vào năm 2011. Hiện, nhóm của ông đang phát triển vaccine Covid-19 dạng hít từ Ad5 và cho rằng vaccine này có thể giải quyết được vấn đề miễn dịch có sẵn ở nhiều người.

Ông Zhou Xing nói: “Vaccine của Đại học Oxford có lợi thế hơn hẳn so với loại vaccine tiêm của CanSino”. Chuyên gia này cũng lo ngại, liều lượng cao của virus trung gian trong vaccine CanSino có thể khiến người dùng bị sốt, làm dấy lên hoài nghi về hiệu quả của vaccine này.

Tiến sĩ Hildegund Ertl, giám đốc Trung tâm vaccine Viện Wistar ở Philadelphia đánh giá: “Tôi nghĩ rằng vaccine của Trung Quốc sẽ tạo được khả năng miễn dịch tốt ở những người không có kháng thể với Ad5, nhưng rất nhiều người đã phát triển kháng thể này”.

Ở Trung Quốc và Mỹ, số người có lượng kháng thể cao do từng tiếp xúc với Ad5 chiếm khoảng 40%, còn ở châu Phi, con số này có thể lên tới 80%, các chuyên gia cho biết.

Gia tăng nguy cơ lây nhiễm HIV

Một số nhà khoa học lo ngại vaccine Covid-19 dựa trên Ad5 có thể làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm HIV. Trong một cuộc thử nghiệm vaccine phòng chống HIV, dựa trên Ad5, do công ty dược phẩm Merck & Co (MRK.N) thực hiện, những người có khả năng miễn dịch từ trước, trở nên nhạy cảm hơn với HIV gây bệnh AIDS.

Trong một bài báo năm 2015, các nhà nghiên cứu, trong đó có cả Tiến sỹ Anthony Fauci - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ cho biết, tác dụng phụ dường như chỉ xảy ra với vaccine HIV. Nhưng họ lưu ý rằng tỷ lệ nhiễm HIV nên được theo dõi trong suốt và sau quá trình thử nghiệm vaccine được phát triển dựa trên Ad5 ở những nhóm dân số có nguy cơ.

Ông Larry Corey, nhà nghiên cứu dẫn đầu thử nghiệm của Merck & Co cho biết: “Tôi lo lắng về việc sử dụng vaccine Covid-19 được phát triển dựa trên Ad5 tại bất kỳ quốc gia nào hoặc bất cứ nhóm dân số nào có nguy cơ lây nhiễm HIV”.

Vaccine của Viện Gamaleya sẽ được tiêm chủng làm 2 liều: Liều thứ nhất dựa trên Ad26, tương tự như của Johnson & Johnson và liều thứ hai dựa trên Ad5. Tiến sĩ Hildegund Ertl cho biết, vaccine này có thể phát huy hiệu quả ở những người đã phơi nhiễm một trong hai loại virus adeno.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia bày tỏ hoài nghi về vaccine của Nga sau khi chính phủ công bố ý định cung cấp vaccine này cho các nhóm nguy cơ cao vào tháng 10 tới mà không có dữ liệu từ các cuộc thử nghiệm quy mô lớn.

Ông Dan Barouch, nhà nghiên cứu vaccine của Trường Đại học Harvard, tham gia hỗ trợ phát triển vaccine Covid-19 của Johnson & Johnson nhấn mạnh:“Chứng minh tính an toàn và hiệu quả của vaccine là điều rất quan trọng”./.

Link gốc: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/chuyen-gia-y-te-vaccine-covid19-cua-nga-va-trung-quoc-co-chung-nhuoc-diem-1090275.vov

Theo ttvn.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU