Xiao Hongbing, 50 tuổi, quê quán ở thành phố Thiên Môn thuộc tỉnh Hồ Bắc. Từ ngày 6/1, anh bắt đầu lên đường giao hàng, dự định đến cuối tháng thì trở về đoàn tụ với gia đình. Thế nhưng dịch Covid-19 đã bùng phát dữ dội, khiến Hồ Bắc bị phong tỏa và nỗi sợ bao trùm khắp Trung Quốc. Còn Xiao, anh phát hiện mình đã mắc kẹt giữa muôn trùng xa lộ của đất nước tỷ dân, phải chạy mải miết vì không nơi nào cho phép dừng đỗ. Tất cả là vì chiếc xe của anh trót mang biển số Hồ Bắc.
"Một chuyến xe trôi giữa nhân gian. Nhà của tôi chính là những miền đất hoang" - Xiao chia sẻ về trải nghiệm khó tin của mình trong một bài thơ, chia sẻ lên mạng xã hội xứ Trung.
(Ảnh minh họa)
Thật ra, Xiao không hề tự do hay phóng túng như anh viết thơ trên mạng. Sự tuyệt vọng của anh ngày càng chất chứa khi đi đến đâu cũng bị xua đuổi. Nỗi sợ trong thời điểm cao trào của bệnh Covid-19 đã lấn át sự cảm thông và lý trí, để người ta có thể chấp nhận một chuyến xe đi từ tâm dịch.
Ngày 29/1, Xiao quyết định dừng xe ở thành phố Hán Trung, tỉnh Thiểm Tây để ghi lại video "từ biệt" gia đình và bạn bè. Anh sợ rằng mình sẽ lái xe đến kiệt sức, gục ngã trên vô lăng và qua đời vô danh tính trên đường.
Điều bất ngờ là video của Xiao lại được truyền thông xứ Trung để ý, họ phát lại và thu hút hàng triệu lượt xem. Trong video, Xiao vừa khóc vừa nói, anh phải lái xe liên tục mà không được ngủ, thậm chí phải tát vào mặt mình cho tỉnh.
"Tôi mệt vô cùng" - Xiao cho biết. "Niềm hi vọng lớn lao nhất là tôi có thể tìm một nơi để dừng lại, ăn chút gì đó và ngủ một giấc tử tế. Tôi thật sự không biết mình có thể chịu đựng tới lúc nào nữa".
Hành trình không lối thoát của chiếc xe mang biển Hồ Bắc
Sau khi dịch Covid-19 bùng phát, chính quyền đã áp lệnh phong tỏa tỉnh Hồ Bắc từ ngày 23/1. Lúc đó, anh Xiao vẫn đang giao hàng nên không nắm bắt tình hình. Đến hôm 30 Tết (26/1), anh mới nhận ra mình không thể rời khỏi đường cao tốc.
Xiao biết tin tức chấn động khi đang dỡ hàng ở thành phố Bình Xương, tỉnh Tứ Xuyên. Các viên cảnh sát đeo khẩu trang và đồ bảo hộ, nói với anh rằng dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng và biển số xe Hồ Bắc "đặc biệt nhạy cảm".
(Ảnh minh họa)
Tiếp đó, trên đường ra khỏi Bình Xương, Xiao đã dừng lại ăn chút đồ lót dạ. Lập tức, có 3 người đàn ông địa phương đến chụp hình, đe dọa sẽ đập xe và báo cảnh sát nếu Xiao không chịu rời đi.
"Tôi lái qua toàn những thành phố không có dịch cơ mà. Tôi cũng khỏe mạnh như mấy anh. Tôi không gây hại gì đâu" - Xiao đáp. Dù vậy, anh vẫn chấp nhận lái xe đi khỏi.
Từ đó, mỗi lần người tài xế muốn dừng một chút để ăn hay chợp mắt, anh lại bị đánh thức bởi các viên chức và nhiều người dân địa phương. Có lần, Xiao nhìn thấy đoạn đường đầy vách núi hiểm trở ở trước mặt, quyết định tìm một chỗ bằng phẳng để ngủ lấy sức. Chỉ chưa tới 1 giờ sau, cảnh sát đã xuất hiện và vẫy anh ra khỏi xe. "Tôi đã mất hết hi vọng. Tôi nghĩ mình sắp chết trên đường" - Xiao nói.
Cũng có lúc anh nghĩ tới chuyện trở về nhà - nơi tâm dịch, tuy nhiên chàng shipper này vẫn chưa giao hàng xong. Giữa thời điểm khủng hoảng, mọi dịch vụ vận tải đều biến động và Xiao vẫn còn nhiều đơn hàng chưa hoàn thành. Điều đó khiến anh cảm thấy chưa làm tốt nhiệm vụ của mình.
Khúc ngoặt bất ngờ ở nơi cách quê nhà hơn 800 cây số
Lái xe liên tục từ ngày 6 đến 29/1, Xiao nghĩ mình đã không thể chịu đựng thêm nữa. Anh bỏ cuộc. Anh gọi về cho gia đình và được xác nhận quê nhà đã bị phong tỏa hoàn toàn. Đó cũng là lúc Xiao lấy điện thoại ra để quay lại tình cảnh thảm thương, không chốn dung thân của mình.
Tiếp đó, anh lái xe đến Hán Trung, tỉnh Thiểm Tây, cách Hồ Bắc hơn 800 km. Lần này, may mắn đã bất ngờ mỉm cười với Xiao khi được 2 cảnh sát cho ngủ lại đồn. Họ còn mang cho anh một ít sữa và bánh trái các loại. "Lúc đó tôi vô cùng cảm động nên đã khóc nức nở" - Xiao kể. "Trên đường, nhiều lúc tôi còn muốn lao xuống vực cho rồi...".
Xiao Hongbin (phải) chụp selfie với 2 cảnh sát ở Hán Trung đã giúp đỡ mình.
Cảnh sát ở Hán Trung đăng tải câu chuyện của Xiao lên mạng xã hội, rồi được phóng viên tìm thấy và đưa tin. Sau khi phát sóng, video của Xiao thu về hơn 19 triệu lượt xem. Thế là từ một tài xế lang thang với chuyến xe bị hắt hủi, Xiao lại trở nên một hình ảnh bất khuất, bền bỉ giữa mùa dịch. Anh được cộng đồng mạng ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần.
Từ ngày 29/1 đến nay, Xiao nhận được trung bình 800 lời mời kết bạn trên WeChat mỗi ngày. "Tôi trò chuyện với họ hàng giờ, ai cũng tỏ ra lo lắng cho tôi... Nhưng cũng từ dạo đó, điện thoại cứ hết pin liên tục".
Ngoài ra, Xiao được ủng hộ 10.000 tệ (hơn 33 triệu đồng) từ một tài khoản khuyết danh. Tuy nhiên, khi số tiền quyên góp tăng dần đều, anh cảm thấy áy náy và quyết định chuyển trả.
Cảm động trước câu chuyện của Xiao, chính quyền thành phố Hán Trung cung cấp cho anh nơi ăn chốn ở. Thiên Môn - quê nhà của anh - cũng khuyên rằng đừng quay về khi thành phố chưa mở cửa. "Bởi vì tỉnh Hồ Bắc là tâm dịch nên chắc sẽ dỡ bỏ lệnh cách ly chậm nhất cả nước" - Xiao chia sẻ.
Tỉnh Hồ Bắc vẫn im lìm từ ngày 23/1 đến nay, nhưng việc bãi bỏ phong tỏa là có thể hi vọng khi dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát.
Câu chuyện của Xiao dù gây ngạc nhiên nhưng không phải là duy nhất. Nhiều người Hồ Bắc đã mắc kẹt trên khắp mọi miền Trung Quốc, không thể trở về quê nhà vì dịch bệnh vẫn còn hoành hành. Ở nơi đất khách quê người, họ phải chịu đựng đủ mọi sự ghẻ lạnh và kì thị dù không làm gì nên tội. Trước hiện trạng đó, tờ Nhân dân Nhật báo đã phải đăng ngay bài viết kêu gọi đừng xa lánh người Hồ Bắc. "Hãy giúp đỡ họ tận tình. Điều đó không chỉ thể hiện tinh thần nhân đạo mà còn cần thiết để chống lại virus!".
Xiao nói khi đất nước vượt qua dịch bệnh, anh vẫn muốn tiếp tục làm người lái xe giao hàng như cũ. Còn hiện giờ khi bị cầm chân ở Hán Trung, anh dành thời gian để sáng tác thơ và chia sẻ với người dùng mạng. "Ngày ngày đều mong nhớ quê nhà, tôi sẽ trở về vào tháng 3, khi chim én đã cất vang tiếng hót" - trích một ý thơ của Xiao.
(Theo Wall Street Journal)
Link báo gốc: http://baodansinh.vn/chuyen-nguoi-tai-xe-gan-1-thang-mac-ket-giua-muon-trung-xa-lo-trung-quoc-thoi-dich-covid-19-bat-khoc-vi-thieu-ngu-va-so-chet-vo-danh-tinh-tren-duong-2202015323361868.htm
Theo Trí Thức Trẻ