Không dạy lý thuyết sáo rỗng, hãy cho trẻ thực hành
Việc dạy con các quy tắc ứng xử luôn là vấn đề đau đầu của rất nhiều bậc cha mẹ. Bởi trẻ nhỏ là đối tượng vô cùng nghịch ngợm và rất lém lỉnh, nhưng cũng không thể phủ nhận rằng chúng thông minh và đôi khi có những sáng kiến mà cha mẹ không thể bỏ qua.
Để cụ thể hóa các chương trình giáo dục cách ứng xử cho trẻ, các chuyên gia đã tập hợp nhóm trẻ trong độ tuổi học cấp 1 và cùng thực hiện 1 video khá thú vị. Tuy nhiên điểm khác biệt ở đây đó là thay vì đưa ra các bài giảng như thường lệ thì các bé trở thành trung tâm thực hành và được đưa ra quan điểm của bản thân. Câu hỏi đặt ra là: “Sau này khi lớn lên và làm cha làm mẹ, con sẽ dạy các con của mình cách ứng xử như thế nào?”.
Mở đầu đoạn video là cảnh các bé tranh giành đồ ăn.
Trong đoạn video, các bé được tự mình nêu lên quan điểm về cách dạy con và đề xuất các phương án mà bé nghĩ là sẽ có hiệu quả tốt nhất xung quanh việc giao tiếp, ứng xử.
Cùng xem những đứa trẻ sẽ "vào vai" làm cha mẹ dạy con cách ứng xử như thế nào nhé!
Cô bé Katerina Hoysa, 8 tuổi cho rằng cô bé sẽ đưa con của mình đến một nhà hàng thật đẹp để con có thể quan sát cách ứng xử của những khách hàng trong đó: "Con của cháu sẽ được trực tiếp nhìn thấy mọi người ứng xử, giao tiếp như thế nào và chúng sẽ bắt chước những cử chỉ đó”.
Còn cậu bé Felipe Ramirez-Abrahamsson, 10 tuổi thì sẽ dạy con mình bằng cách cho con ngồi vào bàn rồi dạy con cách quàng khăn lên cổ để tránh rơi thức ăn vào người, cách nhai thức ăn sao cho miệng vẫn khép lại. Cậu bé thậm chí còn đề xuất nếu con không thực hiện đúng thì sẽ thuê gia sư riêng để dạy con về cách ứng xử văn minh.
Nhưng sau khi cùng chia sẻ quan điểm của bản thân về văn hóa ứng xử đẹp, các bé trở nên thân thiện hơn.
Còn khi được hỏi về nguyên nhân vì sao nên nói “Cảm ơn” và “Xin vui lòng” thay vì nói “Mẹ, đưa cho con cái này, cái kia...” thì bé Ava Lambert, 7 tuổi thẳng thắn nói: “Điều đó là bất lịch sự” và không được chấp nhận.
Đoạn video trên thực sự đã phần nào làm “thức tỉnh” một bộ phận không nhỏ các bậc cha mẹ trong cách dạy con bởi hiện nay, không ít ông bố bà mẹ đã tham gia quá sâu vào cuộc sống của con với tính chất điều khiển thay vì định hướng cho con.
Dạy con cách ứng xử để định hướng sớm nhân cách thay vì chỉ dạy sau khi con mắc lỗi
Trên thế giới và tại Việt Nam đã từng có rất nhiều chương trình, cuốn sách hướng dẫn cha mẹ cách dạy con ứng xử. Tại Anh, một tổ chức có tên Socialsklz - How to Give Children the Skills They Need to Thrive in the Modern World (Tạm dịch: Socialsklz - Chương trình trang bị cho trẻ những kĩ năng cần thiết giúp con phát triển trong cuộc sống hiện đại) được ra đời chuyên về các chương trình đào tạo kĩ năng sống cho trẻ. Điểm đặc biệt là chương trình đưa ra các bài học khá mới mẻ và cách đặt các bé làm trung tâm thực hành thay vì chỉ đưa ra lý thuyết sáo rỗng.
Bà Muyshondt - người sáng lập tổ chức này cho biết, trẻ em cần được trau dồi và học hỏi nhiều hơn nữa, đặc biệt là các quy tắc ứng xử để bé trở thành cá nhân không chỉ xuất sắc về mặt trí tuệ mà còn là những công dân tốt và có ứng xử văn minh: “Rất nhiều cha mẹ bỏ qua việc dạy con cách ứng xử hoặc đã dạy con nhưng lại sai thời điểm. Vấn đề lớn nhất đó là cha mẹ luôn dạy con cách cư xử để sửa lỗi con đã mắc trước đó thay vì dạy con với định hướng về nhân cách.”
Bà Muyshondt - Người sáng lập tổ chức Socialsklz, bắt tay chào hỏi các bé trong 1 buổi học giao tiếp.
Khi con mắc lỗi về giao tiếp, cha mẹ sẽ la mắng con như tại sao con không nhìn vào mắt người đối diện khi bắt tay, hay con không nói “Xin vui lòng”, “Cảm ơn”, những cách này không hề mang lại hiệu quả. Ngược lại, điều cha mẹ cần làm đó là hướng dẫn con cách ứng xử lịch sự, đúng đắn, giúp con hiện thực hóa văn hóa ứng xử đó trong cuộc sống của chính con. Ví dụ, cha mẹ có thể dạy con khi chào hỏi cần thể hiện thái độ và phong cách như thế nào, làm sao để con phối hợp mắt, miệng và ngôn ngữ cơ thể 1 cách hài hòa nhất. Sau cùng chính là thực hành – biến lí thuyết thành thực tiễn chứ không đợi con mắc lỗi mới đem ra giảng dạy.
Văn hóa ứng xử, giao tiếp cần được rèn luyện trong thực tiễn thay vì đợi con mắc lỗi rồi mới dạy.
Ngoài ra, cha mẹ cũng nên giải thích cho bé hiểu thái độ, ứng xử tốt sẽ mang lại kết quả gì thay vì chỉ nhắc trẻ con nên làm thế này, thế kia hay con nên nói cảm ơn. Hiểu được lí do của hành động, bé sẽ vui vẻ và tự nguyện thực hành.
Người sáng lập tổ chức Socialsklz, bà Muyshondt chia sẻ ví dụ bà từng thử nghiệm khi chào hỏi với các bé. Lần đầu, bà cúi đầu, không cười, cơ thể không phối hợp tạo cử chỉ chào hỏi. Kết quả là các bé cho rằng hành động này có vẻ như bà đang tức giận, không vui vẻ khi chào. Lần sau, bà thay đổi bằng cách dùng ánh mặt thân thiện, môi mỉm cười và dùng cử chỉ để chào hỏi. Các bé sau đó nhận xét bà là 1 người dễ gần và thân thiện. Đó quả thực là 1 trải nghiệm khá thú vị bởi chỉ bằng những hành động nhỏ và thay đổi thái độ, bà đã gây được ấn tượng tốt với bọn trẻ. Điều này càng thể hiện tầm quan trọng của thái độ giao tiếp, quy cách ứng xử trong cuộc sống cũng như học tập, giúp hình thành nhân cách của trẻ.
Nguồn: CNN