Kiểu bất hiếu mới thứ nhất: Mang danh phụng dưỡng cha mẹ để bắt người già chăm cháu
Việc để cha mẹ về sống với mình dường như là một biểu hiện hiếu thảo của con cái. Tuy nhiên, nếu ép cha mẹ chăm sóc con cháu như bảo mẫu thì đó là điều không nên. Đã vất vả nuôi con cả đời rồi nhưng về già vẫn phải tiếp tục chăm sóc cháu chắt, điều này sao có thể gọi là hiếu thảo được?
Con cái nên tôn trọng sở thích của cha mẹ, để họ lựa chọn con đường mà mình muốn. Chăm sóc trẻ nhỏ đòi hỏi nhiều sức lực, thời gian, không dễ dàng với bất kỳ ai. Người trẻ chăm con vất vả một thì cha mẹ già vất vả mười. Trừ khi cha mẹ thực sự muốn, còn không đừng trói buộc cuộc sống của họ.
Lòng hiếu thảo chân chính không chỉ giới hạn ở hình thức mà còn là khiến cha mẹ cảm thấy cuộc sống của mình thật thú vị và ý nghĩa. Quan trọng hơn vật chất chính là cái tâm, sự thấu hiểu của con cái khi đối xử với cha mẹ, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào.
Để ông bà chăm cháu cũng là chuyện cực chẳng đã. Điều rõ thấy nhất là chất lượng cuộc sống của ông bà cũng giảm sút khi phải chăm cháu. Chưa kể đến những bất đồng từ cách chăm cháu giữa các thế hệ cũng dẫn đến mâu thuẫn trong gia đình.
Đúng là không có ông bà hỗ trợ, phụ nữ ngại sinh con hơn. Nhưng không thể vì thế mà cứ trông chờ mãi vào sự hỗ trợ của ông bà trong việc sinh con và nuôi dạy con cái trong thời đại này, chưa kể trong tương lai khi xã hội càng ngày càng phát triển.
Đối với người trẻ, đó là sự "hỗ trợ" nhưng đối với bố mẹ chúng ta, đó là sự "hy sinh" toàn bộ thời gian, tâm sức trong những năm tháng rệu rã của cuộc đời. Vậy nên, trừ khi ông bà thực sự mong muốn, nếu không nhất định đừng vin vào cớ muốn ở cùng cha mẹ để "lợi dụng" sức lực và thời gian của họ.
Kiểu bất hiếu mới thứ hai: Sự oán trách vô tận đối với cha mẹ
Là cha mẹ, việc ban cho con cái sự sống và dốc toàn lực nuôi dưỡng chúng trưởng thành hạnh phúc là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là, có một số đứa trẻ lại coi đó là điều tất yếu và khi cha mẹ không thể đáp ứng nhu cầu, chúng sẽ hết sức oán trách và chỉ trích.
Ví dụ như một luận điểm đang rất phổ biến trên mạng xã hội Trung Quốc hiện nay: "Bố mẹ không thể đáp ứng nổi yêu cầu này của con, vậy sao lại sinh con ra?". Câu nói này có sức tấn công mạnh mẽ, khiến nhiều bậc phụ huynh không biết làm sao đối phó, thậm chí rơi vào sự tự trách và đau khổ lớn.
Nhưng thực tế, câu nói này giống như một lá bùa hộ mệnh cho một số đứa trẻ, giúp chúng đổ lỗi cho cha mẹ mỗi khi cuộc sống không như ý muốn.
Như một video từng lan truyền: Có một cô gái đang học đại học muốn mua một chiếc điện thoại mới nhất, nhưng mẹ cô không đồng ý. Vì vậy, cô gái không chỉ đánh đập mẹ mà còn hét lên: "Nếu mẹ không thể cho con những gì con muốn, thì sao lại sinh con ra?".
Thực ra, không phải là người mẹ không muốn mua, mà vì gần đây đã mua cho con một món đồ đắt tiền nên từ chối yêu cầu lần này. Nhưng trong hoàn cảnh như vậy, người mẹ chỉ biết cắn răng chịu đựng.
Hiện nay, nhiều đứa trẻ cảm thấy rằng vì cha mẹ đã sinh ra mình, nên họ phải hết lòng đáp ứng tất cả yêu cầu. Thực tế, việc ban sự sống đã là ân huệ lớn, nếu cha mẹ đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình mà con cái đòi hỏi không có giới hạn, coi mình như một "đứa trẻ khổng lồ" thì đó thực sự là sự bất hiếu.
Trong môi trường xã hội hiện nay, từ "cha mẹ" dường như đã được gán cho nhiều ý nghĩa khác nhau. Và đằng sau những ý nghĩa đó là sự hy sinh toàn bộ thời gian công sức của họ để gánh vác trách nhiệm cho con cái.
Tuy nhiên, bất kỳ điều gì quá mức đều không tốt, nếu đáp ứng mọi thứ cho con có thể sẽ bị phản tác dụng. Vì vậy, để tránh tình trạng con cái thực sự gặp phải những vấn đề "bất hiếu mới" như trên, khi làm cha mẹ, cần phải nhớ rằng việc hy sinh cho con cái cần phải có chừng mực. Không nên vì sự nuông chiều của mình mà làm cho con cái trở nên kiêu ngạo và ngỗ ngược.
Đôi khi biết khi nào nên tiến và khi nào nên lùi, không chỉ là bảo vệ chính mình mà còn là trách nhiệm đối với con cái.