Đêm qua, tôi xem video một bạn trẻ 17 tuổi ở đất nước nọ, sau khi cãi nhau với mẹ trên xe, em đã lao ra thành cầu, dứt khoát nhảy xuống trong sự bàng hoàng của người mẹ.
Vậy là một sinh mạng đã tắt. Vậy là (lại) một đứa trẻ nữa chọn lựa cái chết trước những ấm ức đến nghẹt thở.
Tôi thực sự bị ám ảnh bởi đoạn video ngắn ấy. Điều ám ảnh tôi không phải là cái chết, không phải là sự đau đớn của người mẹ. Tôi thấy ám ảnh cho chính những năm tháng trưởng thành chẳng mấy dễ dàng mình đã đi qua.
Tôi biết, có rất nhiều người trẻ như mình, đã hơn một cần cảm thấy muốn chết đi trong chính ngôi nhà đã nuôi ta khôn lớn.
Có lẽ khi đi qua năm tháng đó rồi, hay may mắn lớn lên trong sự thấu hiểu gần như tuyệt đối của gia đình. Ta dường như nhìn nhận lựa chọn cái chết của một người trẻ như thể một loại tội ác. Chúng ta trách các em không biết thương cha mẹ. Chúng ta trách các em nông cạn và thiếu suy nghĩ.
Hình như là... ta đã quên mất, chính mình cũng đã từng có những ngày u ám như thế. Những ngày mà cái chết trở thành một lựa chọn dễ dàng đến trong suy nghĩ. Những ngày mà tất cả những gì ta phải hứng chịu sau một ngày kiệt sức ở trường học: là đòn roi, là đay nghiến, là áp lực khủng khiếp đến từ gia đình - nơi mà ta từng buộc mình phải tin đó là mái ấm.
Khi cô bạn giới thiệu cho tôi cuốn sách "Nhật kí Anne Frank". Bất giác, tôi cười khẩy. Mười bốn tuổi thì có gì để mà viết chứ, chưa trải nghiệm, chưa khổ đau... Nhưng rồi tôi lại giật thót khi nhận ra, ở những năm tháng mà người ta thường nghĩ chẳng có gì đặc sắc ấy, tôi cũng đã từng tuyệt vọng, đã từng rơi vào cái hố của khủng hoảng. Thậm chí, cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa thấy giai đoạn nào trong cuộc sống lại đen tối như thời điểm ấy. Chỉ là chúng ta đã quên đi, chỉ là chúng ta đã và đang nhìn và đánh giá bằng đôi mắt của người lớn - đôi mắt của người phần nào đã tự quyết định được cuộc sống của chính mình.
Một mùa thi đại học nữa lại đến. Có bao nhiêu đứa trẻ đang vùi mình trong sách vở, trong lắng lo, trong áp lực nặng nề đến từ gia đình và trường học. Cứ mỗi khi thời điểm này đến, tôi lại hụt hẫng khi nghe tin đâu đó có đứa trẻ 17,18 lựa chọn tự tử khi nhận được kết quả thi không như ý. Tôi hụt hẫng biết mấy khi nhận ra tôi cũng đã từng như các em, chỉ là ở giây phút nào đó, tôi đã chọn sống.
Có lẽ, ở cái cuộc đời đối với một số người là ngột ngạt đến mức phải mỗi ngày chọn lựa giữa lằn ranh sinh tử này. Tôi vẫn tự nhủ bản thân thật may mắn. Vì cuối cùng tôi cũng được lựa chọn cho cuộc sống của chính mình. Cuối cùng, gia đình cũng trở về vị trí đúng nghĩa của nó. Khi cha mẹ đã chịu hiểu cho những gì tôi đang trải qua và tin tưởng ở con gái của họ.
Tôi không mong rằng thế giới này sẽ tốt lên, cũng chẳng quá kì vọng rằng trường học sẽ trở nên công bằng và bớt áp lực đi.
Tôi chỉ tha thiết mong rằng: "Gia đình hãy trở về vị trí đúng nghĩa của nó - nơi của yêu thương, tin tưởng và tương trợ mỗi khi ai đó yếu lòng."
Bởi vì ở những năm 16,17 tuổi. Gia đình có thể là cả bầu trời của một đứa trẻ. Đừng biến nó thành địa ngục bằng những câu chuyện cay đắng mang danh nghĩa "yêu thương"!
Theo ttvn.vn