Bệnh do virus gây ra nên hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị, mà chỉ dùng thuốc làm giảm triệu chứng hoặc thuốc điều trị biến chứng. Tuy nhiên, việc dùng thuốc bôi để giảm triệu chứng không phải lúc nào cũng là cần thiết.
Nếu bệnh diễn biến thuận lợi, không mắc biến chứng thì mất khoảng 1 tuần để trẻ hồi phục. Trẻ sẽ hết sốt dần, các nốt phỏng khô dần và thường trẻ sẽ ăn trở lại khi đỡ đau miệng ở khoảng ngày thứ 6,7. Điều mà người chăm sóc trẻ cần làm là theo dõi trẻ chặt chẽ, cố gắng cho trẻ uống đủ nước. Mặc dù hầu hết các loại thức ăn đều không phải kiêng, nhưng do các nốt phồng ở trông miệng gây đau, nên trẻ sẽ sợ ăn đồ ăn cứng, nóng... vì thế nên cho trẻ ăn thức ăn mềm, mát. Trẻ cũng không cần phải kiêng tắm, nhưng nên giữ trẻ tránh gió mạnh, tránh mồ hôi...
Có nên dùng thuốc bôi?
Nhiều phụ huynh có con bị bệnh thường hốt hoảng và hỏi về các loại thuốc bôi ngoài da để giúp con giảm các triệu chứng như đau, ngứa, sát khuẩn... Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng cần phải dùng thuốc.
Đối với thuốc bôi để sát khuẩn ngoài da, do các nốt tổn thương của bệnh tay chân miệng thường ít khi vỡ, mà dần sẽ thu nhỏ lại, khô dần rồi mất đi, không để lại sẹo. Nên thông thường không cần bôi thuốc với mục đích sát khuẩn. Tuy nhiên nếu các nốt to bị vỡ, các nốt ở vùng kín dễ bị nhiễm trùng có thể bôi với mục đích đề phòng nhiễm khuẩn.
Không nhất thiết dùng thuốc bôi tại chỗ để giảm đau, bởi tổn thương do nốt tay chân miệng ngoài da thường không đau nên bôi thuốc với mục đích giảm đau là không cần thiết. Hiện tại, các thuốc bôi có tác dụng gây tê tại chỗ, giảm đau cũng không được khuyến cáo cho bệnh tay chân miệng. Còn với tổn thương trong miệng có thể gây đau và trẻ bỏ ăn, thì các thuốc bôi miệng tại chỗ cũng không được khuyến cáo, đặc biệt với trẻ nhỏ dưới 3 tuổi. Nếu trẻ đau quá, bỏ ăn thì bác sĩ có thể kê paracetamol hoặc ibuprofen cho trẻ uống.
Không dùng thuốc bôi để giảm ngứa, bởi hiện nay không có khuyến cáo bôi thuốc để giảm ngứa trong bệnh lý này. Nếu trẻ ngứa nhiều, luôn tay muốn gãi sẽ gây trầy xước và tổn thương da, thì bác sĩ sẽ cân nhắc thuốc chống dị ứng, như aerius dùng đường uống.
Không dùng thuốc bôi để diệt virus giúp nhanh khỏi bệnh. Bởi thuốc thường được dùng như acyclovir hoàn toàn không có tác dụng với virus trong bệnh tay chân miệng.
Ngoài ra một số thuốc có chứa corticoid, chống nấm... cũng không được dùng trong bệnh này. Bởi các thuốc chứa corticoid có thể gây suy giảm miễn dịch tại chỗ khiến cho các nốt dễ nhiễm trùng hơn. Các thuốc có thành phần chống nấm cũng không có tác dụng đối với bệnh này.
Đối với thuốc tăng cường miễn dịch để giúp trẻ tăng sức đề kháng thì cũng không nên dùng thường xuyên mà chỉ nên cho trẻ uống khi có tư vấn của bác sĩ.
Đối với một số loại nước lá hay một số dung dịch pha tắm không có tác dụng giúp mau khỏi bệnh. Bởi virus tồn tại trong cơ thể, trong miệng, trong các nốt mụn nước trên da, nên tắm bên ngoài không diệt được virus. Tuy nhiên vẫn có thể sử dụng để giúp da bé sạch sẽ, khô thoáng. Tuy nhiên đối với các loại nước lá cần thận trọng về sự an toàn cho da của trẻ.
Lưu ý đặc biệt với bệnh tay chân miệng
Trẻ có thể mắc bệnh tay chân miệng nhiều lần, bởi do nhiều chủng virus gây ra, do đó nếu trẻ đã mắc một lần rồi không có nghĩa là trẻ không thể mắc bệnh nữa mà chỉ miễn dịch với chủng virus đã mắc bệnh mà thôi.
Khi trẻ mắc phải bệnh chứng này, mà ngủ li bì, mê mệt, phải nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được theo dõi và điều trị ngay, bởi có thể là bệnh đã biến chứng sang viêm màng não. Đây là lúc bệnh đã trở nặng và có khả năng gây nguy hiểm cao.
Không nên bôi, xức các loại thuốc lên các mụn nước hay vết lở của trẻ. Bởi khi các vết lở hay mụn nước ngoài da khô đi nhờ thuốc bôi, các bác sĩ sẽ khó chẩn đoán chính xác bệnh trạng của các em bé hơn. Các thuốc bôi không phải an toàn tuyệt đối, bôi không đúng chỉ định còn gây ra hiện tượng “lợi bất cập hại”.
Link gốc: https://suckhoedoisong.vn/co-can-dung-thuoc-boi-trong-benh-tay-chan-mieng-n181818.html
Theo ttvn.vn