''Cô dâu tám tuổi'' ngoài đời thực: Khi thực tế không hề lung linh như trên màn ảnh 

Những hôn lễ của các bé gái vừa tròn 10 tuổi với một chú rể đã tới tuổi thất thập cổ lai hy là một điều hết sức bình thường tại các vùng quê Ấn Độ.

Có lẽ bạn không còn xa lạ gì bộ phim chờ mãi không thấy hồi kết “Cô dâu 8 tuổi”, nhưng liệu bạn có biết bộ phim này đã phần nào tô hồng và giảm nhẹ mức độ nghiệt ngã số phận của những cô dâu trẻ tuổi Ấn Độ?


Phim Cô dâu 8 tuổi 

Thực trạng tảo hôn tại Ấn Độ

Mỗi năm trên khắp thế giới có đến 15 triệu cô gái bị ép kết hôn trước ngưỡng tuổi 18, thậm chí một vài trong số đó chỉ mới 6-8 tuổi. Bangladesh, Ấn Độ, Nepal và châu Phi là những vùng lãnh thổ và quốc gia có nạn tảo hôn xảy ra nghiêm trọng nhất. Theo một khảo sát năm 2012 của Liên Hợp Quốc, tại Ấn Độ có đến 39.000 trẻ em kết hôn mỗi ngày. Song cuộc sống của những cặp đôi người Ấn này lại không hề lung linh quần là áo lượt như những gì ta thấy trên truyền hình. 

Nạn tảo hôn xảy ra vô cùng phổ biến ở nông thôn hoặc những khu vực có tỉ lệ mù chữ cao. Độ tuổi tảo hôn rất đa dạng, thường là từ 6-8 tuổi, thậm chí có cả những em bé nhỏ xíu, mới chỉ khoảng 5 tuổi cũng đã buộc phải lập gia đình. Quan trọng hơn cả là sự chênh lệch độ tuổi của cô dâu chú rể đôi khi lớn đến mức khiến ta hoảng hốt. Không may mắn như nhân vật chính Anandi trong “Cô dâu 8 tuổi”, những cô dâu ngoài đời thực là những bé gái bị ép bỏ học và kết hôn với những người đàn ông đáng tuổi cha chú, hoặc thậm chí là ông của mình. Những hôn lễ của các bé gái vừa tròn 10 tuổi với một chú rể đã tới tuổi thất thập cổ lai hy là một điều hết sức bình thường tại các vùng quê Ấn Độ.

Lễ cưới tảo hôn thường diễn ra vào những ngày gần dịp lễ Akshaya Tritiya - một dịp lễ của đạo Hindu diễn ra vào khoảng cuối tháng 4 - đầu tháng 5 bởi người ta tin rằng đây là dịp tốt lành nhất về mặt tín ngưỡng cho các hôn lễ tảo hôn.Những hôn lễ này thường được tổ chức vô cùng đơn giản bởi hầu hết các gia đình cho con lấy chồng sớm đều là những gia đình nghèo. Cô dâu và chú rể chỉ cần đi quanh một đống lửa trong khi thầy cúng đọc kinh cầu chúc là cả hai đã chính thức thành bạn đời của nhau.

 Nguyên nhân và những hệ lụy khôn lường của nạn tảo hôn

Nguyên nhân chính dẫn tới những cuộc hôn nhân tảo hôn không gì khác chính là sự đói nghèo và thói suy nghĩ lạc hậu của một bộ phận người dân Ấn Độ. Những gia đình gả con đi sớm thường là những nhà làm lụng đầu tắt mặt tối không đủ bữa ăn, và kết hôn là con đường duy nhất để các bé gái có thể sống sót và làm giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình. 

Theo Số liệu từ Cục Thống kê tội phạm quốc gia, phụ nữ Ấn Độ có tỷ lệ tự tử cao gấp 2,5 lần so với phụ nữ ở các quốc gia khác, cụ thể hơn, mỗi năm có hơn 20.000 bà nội trợ Ấn Độ tự sát. Tảo hôn chính là một trong những nguyên nhân gia tăng tỷ lệ này. Sau đây là những hậu quả khủng khiếp nhất mà các cô dâu trẻ phải đối mặt sau khi thành hôn:

Nghèo đói:

Nghèo đói là nguyên nhân, và cũng chính là hệ lụy trực tiếp của nạn kết hôn sớm. Các bé gái không được học hành tử tế mà phải đi lấy chồng sớm, vậy nên cơ hội để thoát nghèo nhờ hiểu biết của các em hầu như là 0%. Nghèo đói với các cô dâu 8 tuổi ngoài đời thực hệt như một cánh cửa xoay ác nghiệt không lối ra, bởi các em lớn lên trong đói nghèo và sau khi lấy chồng các em càng không có khả năng tự nuôi sống bản thân. Nghèo đói còn dẫn tới các hậu quả nghiêm trọng như tình trạng suy dinh dưỡng, bệnh tật mà không có tiền cứu chữa…

Tâm lý sợ hãi tình dục

Liệu có bao nhiêu cô bé được mẹ mình trang bị kiến thức về sức khỏe giới tính trước khi lên xe hoa về nhà chồng? Câu trả lời là hầu như không. Vậy nên hầu hết lần đầu tiên quan hệ tình dục của các em vô cùng đau đớn và đầy sợ hãi, đôi khi còn gây nên những chấn thương nghiêm trọng về mặt tinh thần. Có em thậm chí còn bị chính chồng của mình cưỡng bức và phải sống trong ám ảnh sợ hãi cả đời. 

Các biến chứng trong và sau mang thai

Ngoài ra vì không được giáo dục về mang thai và an toàn sinh nở nên rất nhiều cô dâu trẻ mất mạng trong quá trình sinh nở hoặc phải trải qua những biến chứng nặng nề sau sinh như nhiễm khuẩn huyết, băng huyết... Những đứa trẻ được sinh ra thường là sinh non và có tỉ lệ chết trong năm đầu tiên rất cao. Nếu sống sót thì chúng cũng vô cùng còi cọc, thiếu chất dinh dưỡng và chậm phát triển.

 Bạo hành gia đình

Những cô gái kết hôn khi còn quá trẻ có khả năng bị bạo hành, đe dọa hay lạm dụng tình dục bởi chồng của họ cao gấp đôi những người phụ nữ khác. Đặc biệt các em còn có thể phải chịu sự ngược đãi từ gia đình chồng: nếu của hồi môn quá ít khiến gia đình chồng không hài lòng, các cô dâu trẻ này có thể bị đánh đập hoặc thậm chí thiêu sống ngay trong chính nhà chồng của mình.

Những can thiệp yếu ớt từ chính quyền

Nếu nhận được tin tức về một đám cưới tảo hôn, nhà chức trách địa phương sẽ ngay lập tức cử người đến can thiệp, hủy bỏ buổi lễ và buộc những ai tổ chức hôn lễ phải chịu sự xử lý của pháp luật. Đã có nhiều em gái được cảnh sát giải cứu khỏi hôn lễ của chính mình, nhưng mọi việc không hề đơn giản như vậy… Liệu ai đảm bảo rằng các em sẽ không bị gả đi lần thứ hai hay thứ ba?

Giờ đây, các lễ cưới tảo hôn thường diễn ra vào buổi tối, thậm chí là vào ban đêm, tại những khu thưa thớt xa xôi để tránh sự can thiệp của cảnh sát địa phương. Vậy nên cần lắm những nhà hành pháp có tâm và những cảnh sát thực sự tâm huyết với nghề tại Ấn Độ, cùng với sự tuyên truyền mạnh mẽ tới các vùng quê nghèo khó để hủ tục này vĩnh viễn chìm sâu vào quên lãng nhằm giúp các bé gái Ấn Độ thực sự có thể tự mình lựa chọn con đường cho số phận chính mình.

Nguồn: TH

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU