Ngày đi làm, đêm tỉa thú hoa quả
Chị Hoàng Yến đến với niềm say mê làm thú hoa quả rất tình cờ. Hôm đó trời mưa mưa, ngồi buồn chị Yến vào youtube, thấy clip dạy làm thú bằng hoa quả thú vị quá liền mò mẫm làm thử. Với một người yêu thích ẩm thực như chị, cắt tỉa, tạo hình hoa quả không phải là việc làm quá khó.
Sau cả buổi chiều, chị làm được một mâm những chú cún hoa quả rất đẹp mắt và đăng lên Facebook cá nhân “Có ai yêu cún thì đón em về”. Ngay lập tức, một người bạn làm truyền hình đã đặt chị làm một mâm thú hoa quả để làm chương trình.
Một em cún hoa do chị Yến tự tay làm.
Không ngờ sau vụ đó, bạn bè đặt chị làm thú tới tấp. Có nhiều lớp còn đặt chị làm để đi thi và lớp nào cũng đạt giải nhất.
Mùa trung thu năm ngoái, nhiều người hỏi nên chị Yến đã quyết định nhận làm thú hoa quả và toàn bộ lợi nhuận từ công việc đặc biệt này sẽ được dùng để làm từ thiện.
Chú thỏ con làm bằng quả bưởi.
“Chị chọn thú hoa quả làm quà cho các trẻ em nghèo vì chị mong muốn trẻ em thích thú với những món đồ làm từ đôi bàn tay, chứ không phải là những thứ đồ chơi đắt tiền mà vô hồn. Thường mọi người đặt theo mâm hoặc mua lẻ. Chó bưởi có giá khoảng 300.000 đồng, vẹt hoa giá 100.000 đồng. Một mâm thú khoảng 1 – 1.5 triệu đồng, tùy theo yêu cầu của khách. Làm thú lâu hay nhanh tùy độ khó. Con ếch, con rùa làm không mất nhiều thời gian. Nhưng làm gấu hoa là mất khoảng 3 – 4 tiếng”, chị Yến cho biết.
Suốt một tuần lễ trung thu, chị Yến đã thức đêm để làm thú. “Nếu không vì mục đích dành gây quỹ từ thiện thì có lẽ khó trụ được với công việc thời vụ này. Đi làm từ 8h sáng đến 5 chiều, về là phi ngay vào phòng làm thú. Rất mệt và mất thời gian, nhưng thường phải làm tranh thủ vào buổi tối, làm xong khách lấy luôn. Còn riêng tuần trung thu cao điểm thì làm xuyên đêm cho kịp giao, chợp mắt một chút rồi lại đi làm. Không hiểu tại sao tuần lễ đó lại có sức làm việc “khủng” như vậy”, chị Yến hỏm hỉnh chia sẻ.
Dịp Tết thiếu nhi 1.6 năm nay, chị Yến sẽ tiếp tục với công việc làm thú hoa quả này, tiền bán hàng sẽ được dùng để làm từ thiện cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Niềm vui đến từ lòng tốt
Chị Yến cho biết công việc này hoàn toàn xuất phát từ tấm lòng. Chính vì thế, chị không yêu cầu khách đặt cọc bao giờ. Ai đặt thì chị mua nguyên liệu về làm bằng xong mới chịu đi ngủ.
Ấy vậy mà “tai nạn” cũng đến từ chính điều này. Có lần chị bị khách “bỏ bom”, đặt làm năm mâm thú nhưng sau đó họ không lấy nữa vì bên đối tác yêu cầu không lấy mâm cỗ mà chia ra gần 200 suất quà và một mâm tượng trưng. Vậy là “đi tong” 1 triệu đồng tiền nguyên liệu, chị đành cho khách toàn bộ hoa quả vì có giữ lại cũng chẳng biết để làm gì.
Những lúc sắp xếp được công việc, chị lại lên đường làm thiện nguyện. Địa điểm chị chọn thường là vùng cao nghèo khó. Chuyến đi để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong tâm trí chị là chuyến đi đúng đợt lũ lụt kinh hoàng ở Mù Căng Chải cách đây khoảng một năm.
Chị Yến trong chuyến đi thiện nguyện ở Mù Căng Chải năm ngoái. Hình ảnh cậu bé ngồi xây căn nhà mơ ước đã để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm trí chị Yến.
Hình ảnh cậu bé ngồi xây ngôi nhà mơ ước bằng gạch và bìa carton khiến chị ám ảnh khôn nguôi. “Ai cũng có cái niềm vui và nỗi khổ riêng. Thế nhưng trẻ em vùng cao không có bố mẹ, không còn nhà cửa là thiệt thòi. Dù có tiền cũng không thể bù đắp được những thiệt thòi ấy nên tôi luôn muốn chọn vùng cao là nơi làm từ thiện”, chị Yến tâm sự.
Nhiều năm qua, chị Yến vẫn làm công việc thiện nguyện một cách lặng thầm như thế. Từ việc tự bỏ tiền giải cứu khoai tây, dưa hấu, bí ngô… cho đến làm trèo đèo lội suối thiện nguyện vùng cao.
“Món quà xét về vật chất không lớn nhưng để các em nhỏ không may mắn thấy được cộng đồng vẫn luôn ở bên các em. Từ đó, các em sẽ được tiếp thêm động lực, niềm tin để sống và xây dựng cuộc đời của chính mình”, chị Yến bộc bạch.
Theo emdep.vn