Gần đây, Suk-won Kang đã dành một tuần sống trong không gian năm mét vuông chỉ một mình. Ông từ bỏ điện thoại, đổi quần áo của mình để mặc đồng phục áo sơ mi màu xanh đậm cùng quần đùi và ngủ trên sàn của phòng giam số 207.
Ông nuôi dài bộ ria mép và cằm, ăn cơm cháo được luồn qua khe cửa và sử dụng nhà vệ sinh với bồn rửa trong góc phòng.
Nhưng nơi này nào có phải một nhà tù. Ở một đất nước nghiện làm việc như Hàn Quốc, thì đây chính là kỳ nghỉ của ông.
Hàn Quốc là đất nước có tỷ lệ làm việc quá sức cao nhất Châu Á. Nơi này có số giờ làm việc đứng thứ hai trong số 35 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), sau Mexico. Hàn Quốc làm việc 2069 tiếng trên một năm, trong khi đó mức trung bình của các quốc gia trong OECD là 1764.
Mười bốn tiếng một ngày không phải là một con số bất thường ở nơi đây, sáu ngày làm việc trong tuần cũng vậy. Điều này làm ta không khỏi thắc mắc liệu những giáo sư như Kang sẽ làm thế nào để giúp mình thoát khỏi sự kiệt sức.
Người kỹ sư 57 tuổi này đã ấp mình gần 70 tiếng đồng hồ một tuần tại một nhà máy xe KIA và HYUNDAI ở Seoul. Tháng này, ông là một trong 14 khách đã trả 500.000 won (tương đương với hơn 10 triệu VND) để có được bảy ngày ở trong Prison Inside Me, một trung tâm thiền ở Hongcheon trong một ngọn núi tuyết phía tây Pyeongchang.
Ở đây, ta có thể thoát ra khỏi sự kìm kẹp của cuộc sống thất thường ở Hàn Quốc bằng cách loại bỏ đi những tác nhân bên ngoài để hoàn toàn tập trung vào bên trong.
”Tôi đã làm việc quá sức. Đó là lý do vì sao tôi đến đây.” Ông bộc bạch những điều này với tông giọng chỉ vừa cao hơn tiếng huýt sáo một chút trong những ngày cuối cùng của chương trình thiền chuyên sâu mang tên The Gateless Gate.
Hôm nay, tôi thấy mình sảng khoái hơn. Tâm trí tôi hoàn toàn được khai sáng.
Cảm giác của “tự do”
Đây đã là lần thứ ba ông Kang quay trở lại Prison Inside Me (khai trương vào năm 2008). Qua nhiều năm, hàng trăm người từ khắp cả nước đã ghé thăm, bao gồm nhân viên văn phòng, các bà mẹ nội trợ và cả học sinh cấp ba. Thậm chí có một chương trình từng tiếp đón một cậu bé chỉ mới 13 tuổi.
28 phòng giống hệt nhau có cửa sổ và sàn gỗ được sưởi ấm, ngoài ra nơi này còn trang bị một chiếc bàn nhỏ với nhật ký, một bộ ấm pha trà, một thảm tập yoga và thêm một nút báo động. Mặc dù cánh cửa được khóa từ bên ngoài, người tham gia vẫn được hướng dẫn cách chốt cửa từ bên trong.
Những “tù nhân” liên tục lặp lại rằng dù nơi này có thiếu tiện nghi, cơ sở vật chất thì được tạo nên để chữa bệnh tâm lý, nhưng không khí giam hãm lại khiến cho người ta cảm thấy nhớ khi trở về lại thành phố của mình.
”Tự do.” ông Kang bồi hồi.
”Thái độ đã phản ánh sự trớ trêu của phương pháp trị liệu theo chủ đề nhà tù”, Ji-hyang Noh, người đồng sáng lập tạo nên cơ sở, chia sẻ.
“Giữ họ trong biệt giam ở đây không phải là nhà tù, nhà tù thực sự là thế giới ngoài kia cơ,” cô trầm ngâm.
Khu Liên hợp này chính là đứa con tinh thần của chồng cô, Yong-Seok Kwon. Là một công tố viên ở nông thôn, Kwon làm việc khoảng 100 giờ một tuần. Điều này khiến anh tổn hại khá nhiều về thể xác và tinh thần.
Anh Kwon chia sẻ:
Tôi nghĩ rằng mình sẽ ổn hơn nếu ở trong phòng biệt giam. Ít nhất nơi đó không có người, không có bất kỳ một cuộc điện thoại nào túc trực, không khói thuốc, không nhậu nhẹt. Tôi sẽ được ở một mình. Và có lẽ tôi sẽ tự chữa được chính mình trong xà lim.
Thế nên anh đã tự xây nên một nơi cho chính mình. Cơ sở giảm stress từ đó đã hoạt động như một tổ chức phi lợi nhuận do một tổ chức có tên là Happiness Factory điều hành. Tiêu tốn đến ba tỷ won Hàn Quốc (hơn 62 tỷ đồng) để xây dựng, và phần lớn trong số đó là tự tài trợ. Phần còn lại đến từ các khoản quyên góp.
“Tôi cũng đã bật khóc”
Khi được cho thời gian để giải tỏa nỗi lo âu luôn thường trực, các vị khách đôi khi kết thúc bằng những giọt nước mắt âm thầm trong buồng giam của họ.
“Tôi cũng đã bật khóc” - Noh, chủ điều hành rạp hát, người dạo gần đây đã dành hai mươi bốn tiếng đồng hồ trong một phòng giam bậc ba vắng vẻ, cho biết.
Những công việc đòi hỏi cạnh tranh cao cùng với yêu cầu khắc nghiệt về giáo dục ở Hàn Quốc đã tạo ra những mối lo lắng về nền kinh tế cũng như tiềm ẩn những thói quen vô cùng nguy hiểm. Năm trước, nhiều vụ tai nạn giao thông kinh hoàng đã xảy ra do những người tài xế vì quá mệt mỏi nên đã ngủ gục ngay trên vô lăng như một lời nhắc nhở, tái kiểm tra cho nền văn hóa lao động quá sức ở nơi đây.
Bongsoo Jung, một luật sư có tiếng về lao động ở Seoul, cho hay:
Tuổi tác và cấp bậc có ảnh hưởng đến sự tăng dần những nhân viên làm việc quá thời gian.
Ở đây có văn hóa tôn trọng những người lớn tuổi, các bậc tiền bối. Cấp dưới muốn thể hiện sự trung thành thì việc tuân theo những gì cấp trên ra lệnh cho họ là thiết yếu.
Nhiều thập kỉ trước đây, sự tăng trưởng kinh tế được xem là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tính chất công việc đã trở thành một nguy hiểm nghề nghiệp, nên nó đồng thời cũng là nguyên nhân gây nên những bệnh xã hội như tỷ lệ sinh giảm và tỷ lệ tự tử ở mức đáng báo động.
Chiến dịch Xứng đáng được nghỉ ngơi được tổng thống Moon Jae-in phát động năm ngoái nhằm giảm số giờ làm việc một tuần từ tối đa 68 giờ xuống một con số dễ thở hơn: 52 giờ. Các chính trị gia đã tranh luận liệu cụm từ tuần làm việc có được tính luôn cuối tuần, cũng như sự ảnh hưởng của việc tăng ca.
Lối sống không xao nhãng
Công nghệ cũng góp phần gây nên sự kỳ vọng quá mức vào công việc. Một số công ty đã hạn chế sử dụng phần mềm KakaoTalk, một phần mềm nhắn tin rất được ưa chuộng ở Hàn Quốc. Đối với một vài người dùng, phần mềm giao tiếp nhanh chóng này lại trở thành gánh nặng vì nó giúp cho cấp trên liên lạc nhân viên bất cứ lúc nào.
Ở Prison Inside Me, người tham gia phải tránh xa điện thoại của họ suốt quá trình trong buồng giam. Và điều lệ này được sự ủng hộ từ rất nhiều người.
“Liệu pháp chữa trị này thật sự là thứ tôi cần.” - một người 63 tuổi như Jeong-soon Yoon, làm việc mười giờ một ngày, sáu ngày một tuần, điều hành hai quán cà phê ở một trường đại học ở Seoul, thì đây là phương pháp tốt nhất. “Tôi đã luôn tìm kiếm một nơi để nhìn lại bản thân mình.”
Trong suốt thời gian ở đó, Yoon đã niệm Phật 108 lần mỗi sáng. Giọng nói của một nhà sư ở trên trang mạng được truyền vào phòng cô trong suốt một tiếng đồng hồ thông qua những cái loa trên trần nhà. Ngưng kết nối với một thế giới mà sự liên lạc của nó luôn chuyển động đã giúp cho Yoon thiền tập trung liên tục bốn tiếng mỗi ngày.
Điều hành Prison Inside Me cũng giúp Kwon đạt được thước đo của sự hoàn thiện. Và anh mong muốn khái niệm này được lan rộng toàn cầu. Mặc dù vậy, anh thú nhận anh vẫn làm công việc luật sư. Liệu làm thêm một công việc thứ hai có là một nghịch lý không?
“Không hẳn” - anh cho hay.
“Tôi không làm việc 100 giờ một tuần nữa. Tôi đang cắt giảm bớt.” - Kwon nói. “Và bây giờ, điều khiến tôi hạnh phúc chính là được tận mắt trông thấy những người đến đây cảm thấy thoải mái và tốt hơn.”
Theo CBC