Nguy kịch vì béo phì?
TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, cho biết nam bệnh nhân Đ.H.Đ.P. ( 22 tuổi, ngụ tại xã Phước Vân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) có tình trạng nặng như phi công người Anh.
Bệnh nhân này đang được điều trị cách ly tại khoa Hồi sức tích cực. Hiện nam sinh đang tiếp tục thở máy, lọc máu, ECMO và sử dụng kháng sinh, sinh hiệu tạm ổn, Sp02 là 86 – 92 %.
Theo bác sĩ Châu, nam sinh không thuộc nhóm nguy cơ cao nhưng có thể do độc tính của virus khiến tình trạng sức khỏe diễn biến xấu rất nhanh, nhưng bệnh nhân này béo phì (nặng 110 kg).
Đặc biệt, bệnh nhân xuất hiện cơn bão cytokine, gây phản ứng viêm quá mức dẫn tới tình trạng như vậy. Đánh giá bệnh nhân này, TS Châu cho biết bệnh nhân nặng như BN số 91 (là phi công người Anh năm ngoái).
TS Phạm Hùng Vân – Chủ tịch hội vi sinh lâm sàng TP HCM cho biết, khi nhiễm virus SARS-CoV-2, đến nay hơn 50 % bệnh nhân không có triệu chứng và cũng có rất nhiều trường hợp chỉ có triệu chứng nhẹ như sốt, đau họng, ho khan rồi cũng tự bình phục.
Tuy nhiên cũng có một số trường hợp có triệu chứng nặng phải điều trị như đau ngực, khó thở vì các tế bào phế nang của phổi bị tổn thương gây viêm phổi mô kẽ hay có thể nặng hơn do các phế nang bị đầy dịch tiết và xơ cứng làm bệnh nhân không thể thở được mà cần phải được thở máy, hay có khi diễn tiến nặng hơn làm phổi bị tổn thương cấp tính nặng (ARDS: Acute Respiratory Dstress Syndrome) đi kèm với suy đa tạng cần phải được điều trị bằng liệu pháp oxy hóa qua màng ngoài cơ thể (ECMO: ExtraCorporeal Membrane Oxygenation) để giúp cho phổi được nghỉ và hồi phục dần.
Ảnh minh họa.
Với bệnh nhân này cơ chế diễn tiến nặng có thể do bệnh nhân bị chính miễn dịch của cơ thể phản ứng thái quá làm cho sản sinh ra quá nhiều các yếu tố tiền viêm, yếu tố gây viêm, hay yếu tố gây hoại tử tế bào, được gọi chung là các cytokine, và các yếu tố này không chỉ tấn công mô hô hấp đang bị nhiễm virus mà cả các mô phổi không bị nhiễm virus làm cho phổi bị tổn thương cấp tính nặng (ARDS).
Không chỉ có vậy, các cytokine còn lọt vào hệ thồng tuần hoàn đến tấn công các cơ quan khác làm cho bệnh nhân bị suy đa tạng với nguy cơ tử vong rất cao. Hiện tượng này được gọi chung là bão cytokine (Cytokine storm).
Bão cytokine là gì?
TS Vân nhấn mạnh, trong tiến trình nhiễm trùng thì Cytokine storm là hiện tượng các cytokine được sinh ra quá nhiều trong một đáp ứng viêm của cơ thể chống lại tác nhân nhiễm trùng. Đáp ứng viêm này có thể ở giai đoạn mà cơ thể chưa có đáp ứng miễn dịch đặc hiệu và cũng có thể sau này ở giai đoạn cơ thể đã có đáp ứng miễn dịch đặc hiệu.
Ở giai đoạn chưa có đáp ứng miễn dịch đặc hiệu: cytokine storm có thể xãy ra một khi cơ thể bị nhiễm một lượng khá nhiều tác nhân nhiễm trùng làm cho cơ thể phải huy động một lượng lớn tế bào bạch cầu, bạch cầu đa nhân cũng như các thực bào để chống đỡ và những tế bào này sẽ tiết ra rất nhiều các cytokine tiên viêm hay gây viêm, thậm chí gây hoại tử mô với số lượng quá nhiều không kiểm soát được và chính vì vậy mà gây ra cơn bão cytokine hủy hoại không chỉ mô nhiễm trùng mà cả mô lành hay cả các mô ở các cơ quan khác.
Cơn bão cytokine
Bão cytokine ở giai này có thể xảy ra trên những cơ thể bị nhiễm trùng bởi tác nhân vi sinh mà cơ thể chưa có miễn dịch đặc hiệu với tác nhân này và đồng thời tác nhân gây bệnh cũng có đặc điểm nhân bản rất nhanh một khi xâm nhập vào cơ thể người bệnh.
Ngoài ra, bão cytokine còn xảy ra trên những người bị nhiễm trùng tại chỗ nhưng vết thương quá nặng và quá rộng như các nhiễm trùng niêm mạc, nhiễm trùng cân cơ; hay các nhiễm trùng hệ thống như nhiễm trùng huyết nặng.
Trong các trường hợp này bão cytokine còn kết hợp với các độc tốc của vi khuẩn thải ra trong dịch cơ thể nữa gây ra tình trạng nhiễm độc huyết kèm nhiễm độc cytokine.
Bão cytokine còn có thể xảy ra trong các trường hợp viêm nặng mà không có nhiễm trùng như viêm tụy cấp, bỏng, đa chấn thương vì ở những bệnh lý này các tế bào viêm trong cơ thể được huy động gần như tổng lực để giúp cơ thể loại bỏ các tế bào bị tổn thương hay bị hoại tử.
Ở giai đoạn có đáp ứng miễn dịch: bão cytokine có thể xãy ra bởi hai lý do.
Lý do thứ nhất là do kháng nguyên gây đáp ứng miễm dịch vì một lý do nào đó trong cơ thể bệnh nhân lại biến thành một siêu kháng nguyên (super antigen).
Bình thường, kháng nguyên một khi được trình diện lên thụ thể kháng nguyên trên tế bào lympho thì tế bào lympho sẽ tạo ra một tín hiêu thông tin để kích hoạt các tế bào lympho sản xuất kháng thể cũng như các tế bào miễn dịch khác tạo ra một đáp ứng miễn dịch đồng bộ và nhịp nhàng chống tại tác nhân gây bệnh.
Trong trường hợp kháng nguyên trở thành siêu kháng nguyên thì một khi tế bào lympho nhận diện được kháng nguyên thì các thông tin từ lympho để kích hoạt các tế bào miễn dịch sẽ được tạo liên tục mà không dừng.
Chính vì vậy sẽ có quá nhiều tế bào miễn dịch bị kích hoạt và tăng sinh quá mức cần thiết với hậu quả là các cytokine cũng được sản sinh ra liên tục vượt quá mức cần thiết và như vậy là tạo ra cơn bão cytokine.
Lý do thứ 2 là chính bản thân cơ thể lại có đáp ứng miễn dịch quá mạnh đối với kháng nguyên này và cũng như vậy các thông tin từ tế bào lympho được sản sinh ra quá mức cần thiết, hậu quả là đã tạo ra cơn bão cytokine.
Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/con-bao-cytokine-ma-nam-sinh-22-tuoi-nhiem-covid-19-o-long-an-mac-phai-la-gi-161210206150101260.htm
Theo ttvn.vn