“Con gái học ít thôi, sau này lấy chồng. Chồng nuôi" - vì sao đây là câu thủ thỉ tai hại nhất?

(lamchame.vn) - Cuộc sống trong mơ của mỗi người phụ nữ không phải do đàn ông mang lại mà chỉ có thể đến bằng cách nỗ lực học hỏi, chăm chỉ kiếm tiền, có sự nghiệp riêng!

"Con gái thì đừng học nhiều quá, con ạ! Sau này lấy chồng, kiểu gì chồng chả nuôi" là câu nói mà một người thân bảo với tôi, khi tôi thổ lộ với họ rằng mình có dự định học lên Thạc sĩ sau khi tốt nghiệp Đại học.

Tôi hiểu người thân ấy đang nói về một ngã rẽ mà cuộc đời bất kỳ người phụ nữ nào cũng cần cân nhắc, đấy chính là hôn nhân. Phụ nữ ở độ tuổi 25 - 30 được xem là thích hợp nhất để kết hôn, và qua 30 tuổi đã dễ mang mác "ế", cần phải nỗ lực tìm tấm chồng càng sớm càng tốt.

Tính ra thì, giai đoạn đó chỉ cách lúc chúng ta tốt nghiệp khỏi ghế nhà trường và xây dựng sự nghiệp riêng đâu đó chỉ 10 năm.

Rồi ai cũng phải làm vợ, làm mẹ. Vì thời gian "tự thân" của người phụ nữ khá ngắn, nên nhiều người cho rằng đừng đầu tư vào đó quá làm gì, quan trọng là chọn được tấm chồng tốt, mọi thứ sẽ tốt. Chồng thành đạt nghĩa là vợ thành công.

Với "kế hoạch" xuôi dòng vạch sẵn ra trong đầu các vị phụ huynh như vậy, nhiều cô gái cũng dần tin rằng: Em trao anh sự xinh đẹp, kỹ năng vun vén, anh trao em một chỗ dựa vững chắc bằng gia thế, sự nghiệp thành đạt, thế là đủ. Song, đấy lại là điều độc hại nhất.

Là phụ nữ, càng cần phải học tới nơi chốn, có sự nghiệp riêng

Trong Đi đến nơi có gió - bộ phim Trung Quốc từng gây sốt năm 2023, bà nội của Tạ Chi Dao (Lý Hiện) có một câu nói khiến tất cả phải soi chiếu lại chính mình: "Con người đều phải có sự nghiệp của riêng mình, đặc biệt là phụ nữ. Cho dù chồng con đối xử tốt với con, con cũng phải độc lập, như vậy con mới có niềm tin của riêng mình, tinh thần của riêng mình”.

Sự nghiệp mà bà Tạ nói là một cuộc đời khác bên ngoài chồng con, bên ngoài việc chăm sóc gia đình và phụng dưỡng bố mẹ 2 bên. Sự nghiệp đó cũng không nhất thiết phải là trở thành người đàn bà thép, có trong tay quyền lực hô mưa gọi gió hay phải kiếm thật nhiều tiền. Đó có thể chỉ đơn thuần là sự say mê với công việc hàng ngày, là niềm vui được tỏa sáng khi ở trong “lãnh thổ" riêng nhờ sự am hiểu cặn kẽ về một lĩnh vực nào đó.

Ở nơi đó mỗi người phụ nữ được tự do thể hiện kiến thức và sự hiểu biết của mình. Cô ấy cũng thoải mái được học hỏi, không ngừng hoàn thiện bản thân và trau dồi kiến thức bất cứ lúc nào. Giữa thời đại mọi thứ đều thay đổi chóng mặt thế này, chưa nói đến chuyện bước thụt lùi, chỉ cần bạn đứng im cũng sẽ bị bỏ lại phía sau. Cuối cùng, nếu bạn không chủ động học hỏi và tiến lên phía trước thì sớm muộn gì cũng sẽ bị đào thải.

Vậy phụ nữ phải sống thế nào để xứng đáng với cuộc sống này?

Trạng thái cuộc sống tốt nhất của phụ nữ chính là không ngừng học hỏi, nỗ lực kiếm tiền và làm việc chăm chỉ. Đừng phụ thuộc vào ai, đừng ghen tị với ai, hãy làm việc chăm chỉ và sống theo cách bạn thích.

Nhưng sẽ có người nói, con gái dù có đọc bao nhiêu sách, học cao đến thế nào thì mục đích sau cùng vẫn chỉ là có một công việc ổn định, lấy một người chồng bình thường, vẫn phải giặt giũ - nấu nướng - chăm chồng nuôi con,... Thế thì học nhiều để làm gì? Có sự nghiệp để cho ai xem?

Để sống một cuộc đời đáng sống!

Trên đời này không tồn tại những thứ giống nhau tuyệt đối. Cùng một công việc nhưng tâm trạng của người làm là khác nhau, cùng một gia đình nhưng tình cảm mỗi người là khác nhau, cùng cha mẹ sinh ra nhưng anh chị em trong nhà sẽ có phẩm chất và tính cách khác nhau,... Vì vậy phụ nữ nhất định phải học hành đến nơi đến chốn để dù có gặp chuyện tẻ nhạt đến mấy, gặp bất công đến cỡ nào thì cũng có thể đón nhận bằng tâm thế tốt nhất.

Hãy dành mỗi ngày một chút thời gian để đọc sách, học hỏi kiến thức và trau dồi bản thân. Dần dần, những câu chuyện bạn đã đọc, những triết lý bạn đã hiểu sẽ thấm vào xương máu và được phản ánh trong cuộc trò chuyện của bạn, trong cách bạn nhìn nhận thế giới. Khi đó, dù đứng lặng lẽ giữa đám đông, khí chất của bạn vẫn nổi bật. Đó là điều mà bất cứ ai cũng mong muốn.

Xa hơn, khi học hành đến nơi đến chốn, phụ nữ sẽ có sự nghiệp của riêng mình, tiêu tiền do chính mình làm ra và có quyền tự quyết định cuộc đời mình.

Nói về chuyện này, diễn viên Mã Y Lợi có một quan điểm rất thực tế và hữu ích: “Nếu bạn chưa kết hôn thì hãy nghe tôi, kiếm tiền trước. Nếu bạn lập gia đình và chưa có con thì hãy nghe tôi, kiếm tiền trước đã. Nếu bạn lập gia đình và có con nhưng vẫn còn trẻ thì hãy nghe tôi, bạn vẫn phải kiếm tiền. Đặc biệt với phụ nữ, kiếm tiền vừa là sự độc lập, vừa là vốn liếng".

Cho dù phụ nữ ở độ tuổi nào hay đang ở giai đoạn nào của cuộc đời cũng đừng bao giờ từ bỏ việc kiếm tiền. Chỉ khi có tiền bạn mới có thể mua thứ bạn muốn mua, đến những nơi bạn muốn đến. Và khi vừa có học thức vừa có tiền, bạn có thể thoát khỏi những việc nhàm chán, những điều khó chịu.

Cuộc sống trong mơ của mỗi người phụ nữ không phải do đàn ông mang lại mà chỉ có thể đến bằng cách nỗ lực học hỏi, chăm chỉ kiếm tiền, có sự nghiệp riêng!

"Cậu dự định sẽ mang lại hạnh phúc cho con gái tôi bằng cách nào?"

Từ những thay đổi về vai trò "hậu phương" của người phụ nữ, tôi tin rằng bạn đã nhận ra điều kiện tiên quyết để có thể tự tin tiến đến hôn nhân. Đấy là tạo nền tảng thật vững chắc cho bản thân bằng việc bồi đắp kiến thức.

Yếu tố tưởng chừng như không liên quan, lại chính là hạt nhân của một cuộc hôn nhân êm đẹp, lâu dài. Một người vợ có học vấn và sự phát triển cá nhân vững chắc sẽ nhận được sự tin tưởng và tôn trọng từ những người xung quanh.

Cho mình sự tự tin, hiểu biết là đặt mình vào một vị trí cân bằng để không cảm thấy bị thua kém, áp đảo trong bất cứ mối quan hệ nào. Khi không phải đối mặt với những nghi ngờ về giá trị của bản thân bạn, bạn cũng sẽ biết cách yêu thương và trân trọng chính mình.

Nghĩ rộng hơn, hiện tại, học vấn là một trong những chiếc vé xếp hàng ưu tiên cho một cuộc hôn nhân "môn đăng hộ đối" về cảm xúc.

Nhưng phái nữ ngày một giỏi giang, đa nhiệm thì nam nhân chẳng lẽ không cần nâng cấp gì cũng được hưởng hạnh phúc?

Dĩ nhiên không.

Sớm muộn gì các thanh niên cũng phải đối mặt với câu hỏi: "Cậu dự định sẽ mang lại hạnh phúc cho con gái tôi bằng cách nào?.

Đừng ngây thơ trả lời rằng: Con sẽ đi làm kiếm tiền nuôi vợ, để cô ấy hạnh phúc. Thước đo đó cũ lắm rồi và giờ phụ nữ cũng có thể kiếm tiền trong lúc sinh con, nuôi con. Thậm chí có người còn kiếm tiền nhiều hơn cả chồng.

Những giá trị khác về tinh thần trong hôn nhân, chính là đáp án của câu hỏi này. Nhưng giá trị đó cụ thể là gì? Với mỗi người lại có một lối diễn giải khác nhau. Nhiều cặp "gãy" ngay 5 năm đầu tiên mà vẫn chưa biết rốt cuộc làm thế nào để đối phương hạnh phúc dù anh giỏi, tôi giỏi, anh bảnh giai thì tôi cũng xinh gái - nói chung "xứng lứa vừa đôi".

Hiểu - thương - bảo vệ. Tôi nghĩ rằng, dù có thay đổi thế nào, phụ nữ vẫn là phụ nữ - sống đầy cảm xúc và cần được người đàn ông của mình sát cánh bảo vệ trong tất cả những khía cạnh cuộc sống. Đâu ai cần mạnh mẽ nếu cuộc sống đã quá êm ấm và vẹn trọn.

"Con gái học ít thôi, sau này lấy chồng. Chồng nuôi", là quan điểm đã lỗi thời, mang tính phó thác và đặt vui buồn sướng khổ đời mình vào tay chồng và để chồng định đoạt. Tôi nghĩ, mỗi cô gái hiện đại đều đã và đang ý thức được điều gì khiến mình hạnh phúc và cách để đạt được nó.

Thế nên trong hôn nhân, biết cách giữ cho mình "cơ ngơi" không bao giờ biến mất là kiến thức, là bản thể, màu sắc của riêng mình, nhưng đồng thời cũng biết yêu thương, tương trợ với người bạn đời, tôi tin rằng đó là hiện hình của ý niệm viên mãn có được từ những giá trị tinh thần. Mà để thực hiện được cả hai điều đó, luôn xuất hiện một người phụ nữ độc lập, biết nuôi dưỡng gia đình một cách toàn diện, sánh vai bên cạnh một người đàn ông biết san sẻ, coi trọng người vợ xinh đẹp, tài giỏi.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU