Khen con khi trẻ làm tốt và để khích lệ tinh thần bé làm tốt hơn được coi là liệu pháp tích cực trong phương pháp nuôi dạy trẻ. Thế nhưng, khía cạnh tiêu cực vẫn xuất hiện khi cha mẹ dành lời khen tặng bé mà không chú ý đến thời điểm và tần suất lời khen đó có thể gây hại và tạo tâm lý không tốt cho bé.
Vậy những lời khen ngợi tiêu cực đó là gì, nó ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển tâm lý của trẻ?
Nói với con rằng con ngoan hoặc không ngoan chỉ là câu nói chung chung, làm cho trẻ nghĩ rằng trẻ chỉ có thể là bé ngoan hoặc không ngoan. Thay vì khen trẻ ngoan, cha mẹ hãy khen ngợi hành động tốt của trẻ.
Ví dụ, nếu trẻ giúp cụ già sang đường, hãy nói cho trẻ biết rằng những gì con vừa làm là một hành động tốt đẹp, và bố mẹ rất tự hào vì điều này. Khen ngợi hành động của con sẽ giúp trẻ nhận ra rằng những gì trẻ làm mới là điều quyết định trẻ ngoan hay không.
Khen ngợi là để khuyến khích những hành vi tích cực của con. Tuy nhiên, cha mẹ khen con thông minh, đây không phải là hành vi, nỗ lực mà trẻ thực hiện. Khen con thông minh, lanh lợi khi con đạt điểm số tốt chỉ làm cho trẻ cảm thấy rằng thành quả đó là nhờ sự thông minh, và trí thông minh đó là cố định, có sẵn, là yếu tố bẩm sinh và không cần cố gắng vẫn có thể đạt được. Như vậy, lời khen này đã không giúp con chú trọng đúng mức vào sự chăm chỉ – yếu tố có thể duy trì năng lực của trẻ về lâu dài.
Trí thông minh bẩm sinh của đứa trẻ là một lợi thế cho sự phát triển sau này của trẻ. Tuy nhiên, để học tốt, điều kiện không thể thiếu là sự chăm chỉ, cố gắng và nỗ lực hết mình của trẻ. Thành công không đơn giản đến từ trí thông minh, thành công xuất phát từ sự cố gắng phấn đấu của bản thân. Vì vậy, thay vì khen con thông minh, cha mẹ hãy dạy cho trẻ giá trị đích thực làm nên thành công nằm ở sự chăm chỉ và cố gắng hết mình.
Nhìn thấy con đạt được số điểm cao chắc chắn là điều đáng tự hào của nhiều bậc làm cha làm mẹ. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, cha mẹ bạn nên khen ngợi con đã nỗ lực để đạt kết quả tốt như vậy thay vì lời khen tập trung vào điểm số.
Dạy con tập trung vào sự cố gắng, hành vi tích cực để vươn lên chứ không nên khen con chỉ vì con đạt được kết quả cuối cùng. Có như vậy, trẻ mới cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc với cả quá trình phấn đấu của bản thân và sẽ thành công hơn sau này.
Lời khen này xuất hiện khá nhiều trong các gia đình có con nhỏ, đặc biệt là bé gái. Nhiều cha mẹ nghĩ rằng đây là 1 câu khen vô thưởng vô phạt, con đẹp, con xinh thì khen là điều đương nhiên. Nhưng sự thật hoàn toàn ngược lại, xinh hay xấu không do trẻ quyết định, trẻ có thể sẽ rất vui và nghĩ đây là ưu điểm. Việc cha mẹ liên tục khen ngợi con xinh sẽ khiến trẻ nghĩ rằng ngoại hình là 1 phần quan trọng xác định con người của trẻ. Thay vào đó, hãy tập trung vào khen những thói quen tốt, những hành động tốt của con. Có như vậy bé mới hiểu rằng giá trị con người không chỉ dựa vào ngoại hình.
Nhiều cha mẹ sẽ phản đối vì cho rằng lời khen ngợi này sẽ khích lệ bé sau khi bé làm tốt việc gì đó. Nhưng trên thực tế, lời khen này có thể khiến trẻ bị lệ thuộc và chỉ làm theo những gì cha mẹ bảo nhằm có được lời khen ngợi như là 1 phần thưởng.
Lời khuyên ở đây đó là cha mẹ hãy hạn chế khen con làm giỏi, làm tốt trong những việc nhỏ nhặt hàng ngày. Chỉ dành tặng lời khen khi thực sự thích hợp.
Lời khen có phần tâng bốc này sẽ vô tình khiến trẻ nghĩ rằng trẻ là số 1 và không ai giỏi hơn trẻ. Trẻ sẽ bắt đầu có những kỳ vọng không thực tế về khả năng của bản thân và đặt ra nhiều áp lực để thành công, để được cha mẹ khen.
Tuy nhiên, nếu một ngày trẻ nhận ra rằng, những lời khen của cha mẹ chỉ là tâng bốc quá đà và trẻ không thực sự giỏi như trẻ từng nghĩ, điều này sẽ khiến trẻ tự ti, nhìn cuộc sống chủ quan và thiếu cố gắng. Một số trẻ lại có xu hướng trở nên kênh kiệu, tự tin thái quá vì những lời khen “trên trời” của cha mẹ.
Đổi lại, cha mẹ hãy khen ngợi thành tích cá nhân của con thay vì so sánh con với những người khác, hoặc biến cuộc sống của bé thành những cuộc thi nhỏ để bé tự cố gắng giành lấy phần thưởng của chính mình.
Tựu chung lại, theo bà Vicki Hoefle, chuyên gia giáo dục Mỹ, diễn giả và tác giả cuốn Bí kíp làm cha mẹ (Duct tape parenting), nếu cha mẹ liên tục khen con sẽ khiến trẻ phải tự vấn bản thân rằng: Mình đã làm tốt chưa? Mình đã làm một việc tốt ư? Bố mẹ có tự hào về mình không? Mình đã làm đúng chứ? Và trẻ bắt đầu tin rằng những suy nghĩ của người khác quan trọng hơn những gì trẻ suy nghĩ về lựa chọn, hành vi, những thành tựu và cả sai lầm. Khen ngợi quá đà gây nguy hại cho khả năng tự tạo phương hướng phát triển của riêng trẻ trong việc hình thành những quyết định của bản thân sau này.