Nhiều học sinh đuối sức vì căng thẳng ôn thi vào lớp 10 tại Hà Nội. (Ảnh minh họa)
Những tuần cuối trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, không khí gia đình trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Bố mẹ Minh Anh phân công rõ người đưa đón con, người nấu cơm.
Bữa tối của gia đình luôn thịnh soạn, đầy đủ các món dinh dưỡng, đặc biệt giờ ăn cơm được đẩy sớm hơn ngày thường. Sau bữa cơm tối, Minh Anh ngồi vào bàn học, bố mẹ cũng không bật ti vi, loa đài, tạo không gian yên tĩnh tối đa cho con ôn thi.
"Thậm chí bố mẹ còn đặt ra quy định không nghe điện thoại sau 21h, không tụ tập ăn uống, không tiếp khách để em có không gian, tập trung học, không bị phân tâm, đúng tinh thần đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên", nam sinh kể.
Mỗi ngày, Minh Anh dành ít nhất 12 - 14 giờ để học, từ sáng sớm đến tối muộn. Lịch trình của nam sinh được bố trí kín mít với các môn Toán, Văn và tiếng Anh, ba môn thi bắt buộc.
Buổi sáng, cậu thức dậy lúc 6h30 để ăn sáng và đi học chính khóa. Đến trưa, Minh Anh tranh thủ mang đề thi ra luyện và ôn lại kiến thức học trong ngày.
17h nam sinh tan trường về nhà ăn uống, nghỉ ngơi rồi tiếp tục ngồi vào bàn học lúc 19h và kết thúc việc học lúc 1 - 2h sáng hôm sau.
"Có những lúc em cảm thấy rất mệt mỏi và muốn bỏ cuộc vì khối lượng kiến thưc ngồn ngộn, luyện bao nhiêu đề cũng không thấy đủ, nhưng nghĩ tới gia đình lại có thêm động lực để cố gắng", cậu học sinh tâm sự.
Bên cạnh việc tự học, Minh Anh và các bạn còn thường xuyên học nhóm, chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ nhau trong quá trình ôn thi. Nhóm học tập của Minh Anh thường thảo luận và giải bài cùng nhau, điều này không chỉ giúp nam sinh hiểu bài tốt hơn mà còn giảm bớt áp lực khi có người cùng chia sẻ.
Em Nguyễn Ngọc Ánh, học sinh lớp 9 trường THCS Yên Hòa (quận Cầu Giấy) cũng đang miệt mài ôn thi vào lớp 10. Nữ sinh đặt nguyện vọng 1 vào THPT Yên Hòa. Năm ngoái, trường lấy điểm chuẩn gần 8,5 điểm/môn, luôn nằm trong top 10 các trường có điểm đầu vào cao nhất thành phố.
Ngoài ra, Ánh còn đăng ký thi lớp tiếng Trung, trường THPT chuyên Ngoại ngữ và THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Thời điểm hiện tại, Ánh học chính khóa vào buổi sáng, tới buổi trưa lại lên thư viện học bài, chiều ôn tập ba môn Toán, Văn và tiếng Anh theo lịch của trường. Buổi tối và cuối tuần, Ánh tiếp tục học thêm bốn môn (Toán, Ngữ văn, tiếng Anh, tiếng Trung).
"Em chỉ được nghỉ ngơi vào sáng chủ nhật, còn các ngày còn lại hôm nào cũng khoảng 21 - 22h mới rời lớp học thêm, rồi trở về nhà tiếp tục tự học", Ánh kể.
Ánh chia sẻ, thời gian gần đây bản thân bị sụt mất 4kg vì ăn uống không điều độ. Mặc dù vậy, Ánh vẫn tự nhủ sẽ cố gắng hết sức rồi sau vài tuần nữa sẽ nghì bù sau.
"Do đặt nguyện vọng vào những trường top cao, nên em phải cố gắng", Ánh nói.
Cô Trần Thị Châm, một giáo viên tại trung tâm dạy ôn thi lớp 10 cho hay, đây là giai đoạn "nước rút", nếu tận dụng tốt, học sinh sẽ ôn luyện được nhiều kiến thức quan trọng. Tuy nhiên, do không cân bằng được thời gian biểu giữa việc học tập và nghỉ ngơi, nhiều em bị rơi vào trạng thái đuối sức, căng thẳng.
"Năm nay, số lượng học sinh đăng ký thi vào lớp 10 tăng, điều này có thể khiến điểm chuẩn tăng lên, cuộc đua giành suất học ở trường công lập vì thế trở nên căng thẳng hơn.
Do vậy, các bậc phụ huynh cần quan tâm đến con nhiều hơn, bổ sung thêm dinh dưỡng trong các bữa ăn, khuyên con học theo giờ giấc khoa học", cô Châm khuyên.
Bên cạnh đó, việc đảm bảo thời gian cho giấc ngủ là rất quan trọng, phụ huynh nên khuyên con không thức quá khuya và tham gia thêm các hoạt động thể dục thể thao để đảm bảo sức khỏe, tránh tình trạng đuối sức vì học quá nhiều khi kỳ thi chưa bắt đầu.
Ông Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng trường THCS Huỳnh Khương Ninh (Quận 1, TP.HCM) cũng cho biết, thời điểm này học sinh dễ rơi vào tình trạng áp lực vì học quá nhiều. Do đó, những tuần cuối nhà trường chỉ duy trì dạy học 1 buổi/ngày, việc ôn tập cũng sẽ kết thúc trước 1 tuần diễn ra kỳ thi để các em có thêm thời gian nghỉ ngơi.
"Chúng tôi thường khuyên học sinh không nên thức quá khuya để học, vì như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, đồng thời khuyến cáo đến phụ huynh không nên gây áp lực với các con. Hãy để con có tâm lý thoải mái trước khi bước vào kỳ thi", ông Cao Đức Khoa tư vấn.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, trong số hơn 133.000 học sinh tốt nghiệp THCS năm nay gần 106.500 em đăng ký thi, xét tuyển nguyện vọng 1 vào các trường THPT công lập trên địa bàn thành phố. Trường có tỷ lệ "chọi" vào lớp 10 cao nhất năm nay là THPT Yên Hoà với 1 "chọi" 3,11.
Theo kế hoạch thi vào lớp 10 công lập, thí sinh làm 3 bài thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Hai bài thi Toán và Ngữ văn diễn ra theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 120 phút mỗi môn. Với môn Ngoại ngữ, thí sinh thi trắc nghiệm trong 60 phút, chọn một trong các thứ tiếng: Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hàn.
Điểm xét tuyển lớp 10 = (Điểm Toán + điểm Văn) x 2 + Điểm Ngoại ngữ + Điểm ưu tiên.