Công dụng tuyệt vời của tỏi cô đơn: Mỗi ngày ăn một ít, cơ thể nhận về 6 lợi ích

(lamchame.vn) - Tỏi cô đơn, còn gọi là tỏi một nhánh có tác dụng làm giảm nguy cơ mắc bệnh rối loạn chuyển hóa, bảo vệ gan, tăng cường hệ miễn dịch và tốt cho sức khỏe tim mạch.

Tỏi một nhánh là một trong những loại tỏi nổi tiếng chỉ có một tép hoặc một củ, không giống những loại tỏi thông thường có nhiều tép. Tỏi một nhánh có đường kính từ 1,5 - 4cm và có cấu trúc giống cánh sen nhọn màu nâu vàng hay tím và bên trong có màu trắng như tỏi thường.

Theo một nghiên cứu, lượng allicin trong tỏi một nhánh nhiều hơn gấp 5-6 lần so với tỏi thường.

Tỏi một nhánh có nhiều tên gọi khác nhau như tỏi solo, tỏi cô đơn, tỏi một tép, tỏi Kashmiri, tỏi Himalayan. Loại tỏi này thường được sử dụng để làm thuốc thảo dược và cũng được dùng trong ẩm thực, dậy mùi hơn vì tỏi một nhánh chứa hàm lượng sulfua nhiều hơn so với tỏi thường.

Công dụng của tỏi một nhánh

1. Giảm nguy cơ mắc bệnh rối loạn chuyển hóa

Chế độ ăn giàu chất béo có thể gây ra bệnh rối loạn chuyển hóa như bệnh tim, gan nhiễm mỡ, béo phì, cholesterol cao và tiểu đường.

Theo một nghiên cứu, tỏi một nhánh có khả năng chống oxy hóa và chống viêm cao hơn tỏi thường. Khi được điều chế dưới dạng thuốc thảo dược, tỏi một nhánh có thể giúp giảm nguy cơ mắc các chứng rối loạn chuyển hóa trên.

2. Bảo vệ gan

Theo một nghiên cứu, tỏi một nhánh có đặc tính chống oxy hóa cao hơn tỏi nhiều nhánh do chứa hàm lượng hợp chất phenolic cao hơn. Điều này giúp bảo vệ gan chống lại sự tấn công của các gốc tự do.

Tỏi một nhánh cũng có thể được sử dụng như một loại thuốc thảo dược hữu hiệu chống lại quá trình thải độc gan do oxy hóa cấp tính.

3. Giảm cholesterol

Tỏi một nhánh chứa nhiều chất gây dị ứng hơn tỏi thường vì có mùi hăng hơn do chứa một lượng lớn S-allyl-cysteine.

Các nghiên cứu nói rằng, tỏi một nhánh có thể giúp cải thiện lượng lipid bằng cách tăng cường hàm lượng cholesteron tốt (HDL) và giảm cholesteron xấu (LDL).

4. Tăng cường miễn dịch, đặc biệt là người mắc bệnh tiểu đường

Người mắc bệnh tiểu đường thường có các yếu tố gây viêm cao như interleukin-6 (IL-6), interleukin-1β và interferon-gamma (IFN-γ), có thể dẫn các biến chứng như bệnh thận do tiểu đường và viêm kéo dài.

Theo một nghiên cứu, tỏi một nhánh có tác dụng điều hòa miễn dịch do chứa hàm lượng lớn flavonoid, khoáng chất và phenols. Chúng có thể làm giảm viêm, bảo vệ tế bào thận và giúp duy trì ổn định mức đường huyết.

5. Trị ho và cảm lạnh

Như đã nói ở trên, tỏi một nhánh có hàm lượng allicin cao hơn tỏi thường. Theo một nghiên cứu, thực phẩm bổ sung tỏi (chứa allicin) có thể điều trị nhiễm trùng cảm lạnh thông thường và giảm triệu chứng trong thời gian ngắn.

Vì chứa hàm lượng allicin cao nên tỏi một nhánh có thể được sử dụng như phương thuốc thảo dược để điều trị ho và cảm lạnh.

6. Tốt cho tim mạch

Viêm nhiễm, cholesteron cao và stress oxy hóa là nguy cơ gây ra các vấn đề bệnh tim như đột quỵ, huyết áp cao và xơ vữa động mạch.

Tỏi một nhánh có chứa một lượng lớn allicin và organosulfur giúp giảm lipid cơ thể, giảm viêm nhiễm và chống lại sự tấn công của các gốc tự do một cách hiệu quả. Điều này có thể giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tim mạch và cải thiện chức năng tim mạch.

Tỏi một nhánh dùng để làm gì?

- Bạn có thể bỏ vỏ và sử dụng tỏi một nhánh như một loại gia vị để chế biến các món ăn khác nhau như xào, nấu, súp.

- Tỏi một nhánh còn được dùng như một loại thảo dược hoặc bổ sung ayurvedic giúp điều trị các bệnh như tiểu đường và cao huyết áp.

- Ngoài ra, bạn cũng có thể ăn trực tiếp tỏi một nhánh để tăng cường khả năng miễn dịch bằng cách nghiền chúng ra và uống với một cốc nước vào sáng sớm khi bụng đói.

Như vậy, tỏi một nhánh được sử dụng theo nhiều cách và có thể thay thế tỏi thường.

Tuy nhiên, những người bị viêm dạ dày mãn tính hoặc có các vấn đề về đường tiêu hóa nên hạn chế tiêu thụ tỏi một nhánh vì chúng có vị hăng hơn, do đó có thể khiến các triệu chứng trở nên trầm trọng.

Ngoài ra, loại tỏi này chủ yếu được sử dụng như một loại thảo dược, do đó bạn nên tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng hoặc chuyên gia y tế để được tư vấn sử dụng hợp lý, đặc biệt khi bạn đang có bất kỳ bệnh nền nào.

(Nguồn: boldsky.com)

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU