Covid-19 có gây nguy hiểm cho trẻ sơ sinh không?

(lamchame.vn) - Trẻ sơ sinh có sức đề kháng yếu, rất dễ nhiễm bệnh trong khi tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Vậy dịch Covid-19 có gây nguy hiểm cho trẻ sơ sinh không?

Theo Ths. BS Nguyễn Hương Trà, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội cho biết:

Các nghiên cứu hiện nay cho thấy, không tìm thấy vi rút SARS-CoV-2 trong sữa mẹ và những trẻ sơ sinh được sinh ra từ những người mẹ mắc COVID- 19 đều cho kết quả âm tính với vi rút SARS-CoV-2, do vậy hiện tại vẫn chưa rõ sản phụ nhiễm COVID-19 có nên cách ly với trẻ sơ sinh hay không. Tuy nhiên các bà mẹ vẫn phải đảm bảo triệt để thực hiện các biện pháp phòng dịch khi tiếp xúc với trẻ.

Cụ thể, người mẹ cần thực hiện các biện pháp sau để đảm bảo an toàn cho trẻ trong mùa dịch COVID-19: Người mẹ cần trao đổi với bác sĩ hoặc nữ hộ sinh nếu có nguy cơ mắc bệnh để được hướng dẫn.

Rửa tay sạch trước khi chạm vào người trẻ, tránh chạm vào mặt trẻ, tránh ho hoặc hắt hơi vào người trẻ hoặc mang khẩu trang khi chăm sóc con bạn.

Nếu không bế trẻ (ví dụ trong lúc em bé ngủ), cố gắng giữ khoảng cách với trẻ ít nhất 2 mét để làm hạn chế nguy cơ lây nhiễm cho trẻ.

Cần phải cẩn thận khi cho con bú để hạn chế lây truyền cho trẻ. Cách tốt nhất vẫn là rửa tay sạch trước khi chạm vào người trẻ, tránh chạm vào mặt trẻ, tránh ho hoặc hắt hơi vào người trẻ hoặc mang khẩu trang khi bạn cho trẻ bú.

Với người mẹ có nguy cơ, có thể vắt sữa bằng tay và nhờ người khỏe mạnh cho em bé bú bình. Chú ý, nếu vắt sữa bằng tay cũng cần đảm bảo rằng phải rửa tay sạch trước khi vắt sữa.

Ảnh minh họa

Trẻ sơ sinh mắc Covid-19 tuy hiếm gặp nhưng vẫn có nguy cơ cao

Mặc dù bệnh Covid-19 rất hiếm gặp ở trẻ sơ sinh, nhưng từ ngày 8/12/2019 – 6/2/2020, Trung Quốc đã ghi nhận 9 trẻ nhũ nhi nhập viện được chẩn đoán nhiễm SARS-CoV-2. Trong đó, trẻ bé nhất là 1 tháng tuổi và lớn nhất là 11 tháng tuổi.

Trong số 9 trẻ bị bệnh, 4 trẻ bị sốt, 2 trẻ có triệu chứng hô hấp trên nhẹ, 1 trẻ không có triệu chứng, 2 trẻ không có thông tin về các triệu chứng. Tất cả gia đình của 9 bệnh nhi này đều có ít nhất 1 người thân bị nhiễm bệnh. Quá trình điều trị cho 9 trẻ này không cần sự chăm sóc đặc biệt hay thở máy và đều không có biến chứng nghiêm trọng.

Nhìn chung, dữ liệu cho thấy trẻ em ít có khả năng phát triển các triệu chứng COVID-19 hơn người lớn. Trong tất cả các trường hợp nhiễm ở Mỹ, chỉ có 1,7% là trẻ em, trong khi trẻ em chiếm 22% dân số nước Mỹ.

Trong số đó, chỉ 73% trẻ bị sốt, ho hoặc khó thở. Trong khi đó, 93% người lớn có các triệu chứng này trong cùng khung thời gian, trong độ tuổi từ 18-64.

Tuy nhiên, một số trẻ em bị nhiễm nặng và 147 bệnh nhân trong nghiên cứu mới của CDC phải nhập viện, trong đó có 5 trẻ được chăm sóc đặc biệt và đã xuất hiện 3 bệnh nhân là trẻ em tử vong.

Tiến sĩ Yvonne Maldonado, người đứng đầu ủy ban về các bệnh truyền nhiễm tại Học viện Nhi khoa Mỹ cho biết: "Chúng tôi biết rằng các phản ứng miễn dịch của trẻ em phát triển theo thời gian. Năm đầu đời, trẻ không có phản ứng miễn dịch mạnh mẽ như trẻ lớn hơn và người lớn. Vì vậy, đây có thể là nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh có khả năng bị bệnh nặng hơn các đối tượng khác" theo sciencealert.

Ảnh minh họa

Nếu trong gia đình có người mắc COVID-19 sau khi bà mẹ sinh em bé cần phải chú ý các vấn đề như:

Người nhà trực tiếp tham gia vào việc chăm sóc em bé cần phải cẩn thận để hạn chế lây truyền cho trẻ. Cách tốt nhất vẫn là rửa tay sạch trước khi chạm vào em bé, tránh ho hoặc hắt hơi vào người trẻ hoặc mang khẩu trang khi chăm sóc trẻ.

Nếu những người không cần thiết phải chăm sóc trẻ, cách tốt nhất vẫn là luôn luôn giữ khoảng cách với trẻ tối thiểu 2 mét.

Việc rửa tay luôn luôn phải được chú ý cho dù có nhiễm bệnh hay không, vì khi chạm vào các vật dụng trong gia đình đã nhiễm vi rút trong quá trình sinh hoạt với người bệnh là có nguy cơ mang mầm bệnh.

Cần giữ khoảng cách ít nhất 2 mét với người nhiễm và rửa tay thường xuyên để tránh nhiễm bệnh.

Kể cả trường hợp sản phụ hoặc người nhà đã mắc COVID-19 trước đó, cơ thể có khả năng chống lại vi rút và không biểu hiện bệnh lần nữa. Tuy nhiên, trong trường hợp này, những người tiếp xúc với trẻ vẫn phải đeo khẩu trang, rửa tay trước khi sờ hoặc chạm vào người trẻ, đây là cách tốt nhất để phòng lây truyền virus từ người bệnh hoặc làm phát tán mầm bệnh vào các vật dụng trong nhà.

Link bài gốc: https://www.lamchame.com/forum/threads/covid-19-co-gay-nguy-hiem-cho-tre-so-sinh-khong.2480428/

Theo Thành viên diễn đàn lamchame.com tổng hợp

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU