Một bệnh nhân Covid-19 được điều trị tại Trung tâm Y tế Ochsner ở Louisiana tháng 8/2021 (Ảnh: Reuters)
Tỷ lệ tiêm vaccine ở Mỹ đang gia tăng trong khi số ca mắc mới bắt đầu giảm tại một số bang phía Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, với hơn 160.000 ca mắc mới mỗi ngày và 100.000 ca nhập viện trên toàn quốc, thời điểm này của nước Mỹ không khác là bao so với năm 2020. Tại Kansas, nhiều nhân viên của bang đã phải quay lại làm việc từ xa. Tại Arizona, nơi mà yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang bị cấm, hàng nghìn học sinh và giáo viên đã phải cách ly. Tại Hawaii, Thống đốc bang này đã khẩn khoản đề nghị các du khách: Xin đừng ghé thăm.
"Thật trớ trêu là mọi thứ diễn ra thuận lợi vào tháng 5 và hầu hết tháng 6 khiến tất cả chúng ta, trong đó có cả tôi, nói về hồi kết cho dịch bệnh này. Chúng ta bắt đầu tận hưởng cuộc sống. Nhưng chỉ trong một vài tuần, mọi thứ bắt đầu sụp đổ", John Swartzberg, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học California, Berkeley nhận định.
Sự gia tăng trở lại số ca mắc Covid-19 khiến người dân Mỹ mệt mỏi, lo lắng và ngày càng ít chắc chắn về thời điểm cuộc sống bình thường sẽ quay trở lại.
Trong những ngày gần đây, Mỹ thường ghi nhận hơn 1.500 ca tử vong mỗi ngày, tồi tệ hơn cả thời điểm mùa hè năm ngoái, song vẫn thấp hơn nhiều so với đỉnh dịch hồi mùa đông. Mặc dù sự gia tăng số ca mắc Covid-19 trên toàn quốc đã chậm dần trong những ngày gần đây và hàng loạt tiến triển được ghi nhận ở các bang phía nam cũng như các khu vực khác nhưng với việc hàng triệu học sinh quay lại trường học lần đầu tiên kể từ tháng 3/2020, các chuyên gia y tế công cộng cho rằng các chùm ca mắc ở trường học là điều không thể tránh khỏi.
Vaccine có hiệu quả trong việc ngăn ngừa các ca bệnh nặng và tử vong nhưng 47% người dân Mỹ vẫn chưa được tiêm vaccine đầy đủ, tạo điều kiện cho biến thể Delta có cơ hội để tác động và làm gián đoạn cuộc sống thường ngày. Các quan chức y tế cho biết, hầu hết bệnh nhân phải nhập viện và tử vong đều chưa tiêm vaccine và những người chưa tiêm vaccine này đang gây ra sự gia tăng số ca mắc hiện tại cũng như trở thành gánh nặng cho hệ thống y tế.
Cuộc sống bình thường ngày càng xa vời
Trước đó, khi số ca mắc gia tăng, triển vọng của vaccine khiến nhiều người tin rằng việc quay lại cuộc sống bình thường sẽ chỉ còn cách một vài tháng, trong khi đeo khẩu trang hoặc ở nhà là một sự đầu tư ngắn hạn để hướng tới mục tiêu này. Tuy nhiên, những biến chủng của virus và việc nhiều người Mỹ từ chối tiêm vaccine đã khiến hy vọng này ngày càng bị lu mờ.
Tại nhiều bang ở miền Nam nước Mỹ, các phòng chăm sóc tích cực đều đang quá tải trong khi tại các bang Trung Tây và Trung - Đại Tây Dương, nơi chứng kiến số ca mắc Covid-19 vẫn tiếp tục tăng, các thống đốc đang nỗ lực đối phó với những ngày tồi tệ hơn trong những tuần tới.
Câu hỏi hiện nay không phải là làm cách nào xóa sổ Covid-19 mà là làm cách nào để đối phó với nó. Trái với những tháng đầu đại dịch, các doanh nghiệp đang mở cửa, trẻ em đang quay lại trường học và các sân vận động bắt đầu kín chỗ. Trên hầu khắp nước Mỹ, quy định đeo khẩu trang bắt buộc và những lệnh phong tỏa mới đã trở thành những kế hoạch không có triển vọng thành công.
Một số lượng nhỏ các thống đốc đảng Dân chủ tại những bang như Illinois, Louisiana và New Mexico đã yêu cầu đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng trong nhà nhưng hầu hết các thống đốc từ cả 2 đảng đều không có kế hoạch này. Một số bang do đảng Cộng hòa lãnh đạo đã cấm các quan chức địa phương áp đặt lệnh đeo khẩu trang bắt buộc.
Thống đốc Laura Kelly thuộc bang Kansas - bang đã trải qua sự gia tăng số ca mắc từ đầu tháng 7, không mấy hứng thú với việc yêu cầu đeo khẩu trang hay áp đặt các biện pháp hạn chế trên toàn bang.
"Tôi muốn tránh việc đó bằng mọi giá", bà Laura Kelly nhận định.
Thống đốc bang Indiana Eric Holcomb cũng chỉ ra rằng, tiêm vaccine chứ không phải quy định đeo khẩu trang mới là phản ứng tốt nhất trước sự gia tăng số ca mắc hiện nay. Số liệu hàng ngày tại bang này cho thấy Indiana chứng kiến số ca mắc tăng gấp 4 lần kể từ đầu tháng 8.
"Tôi đang cố gắng làm mọi thứ có thể để cho mọi người đáp án của vấn đề này và câu trả lời chính là tiêm vaccine", ông Holcomb khẳng định.
Những tác động của làn sóng lây nhiễm do biến thể Delta gây nên ngày càng gia tăng. Các trường đại học ở Virginia và Texas đã chuyển sang học trực tuyến. Một bệnh viện ở Kansas phải chuyển 1 bệnh nhân sang Wisconsin bởi vì không còn giường bệnh có nhân viên chăm sóc ở gần đó. Các nhân viên y tế vốn đã kiệt sức ở Bắc Dakota đang được yêu cầu làm thêm giờ.
Làn sóng hiện tại có thể không phải làn sóng cuối cùng
Các nhà dịch tễ học đánh giá, tình hình hiện tại của Mỹ trong đại dịch này "rất mong manh" và những bài học từ các quốc gia khác cho thấy hầu như không có câu trả lời cụ thể cho con đường phía trước. Mức độ lây nhiễm ở Ấn Độ và Anh giảm mạnh sau làn sóng dịch bệnh do biến thể Delta gây nên nhưng số ca mắc ở Anh đã bắt đầu tăng trở lại. Tại Israel, biến thể Delta dẫn tới sự tăng vọt số ca mắc trong mùa hè này, mặc dù đây là quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine cao.
Tại nhiều nơi trên khắp nước Mỹ, các trường học đã bắt đầu mở cửa trở lại, dù trẻ em dưới 12 tuổi vẫn chưa đủ điều kiện tiêm vaccine và việc đeo khẩu trang không được thực hiện đồng đều. Tỷ lệ tiêm vaccine đang tăng lên nhưng vẫn còn 36% người trưởng thành Mỹ chưa tiêm vaccine. Các ca đột phá ở những người đã tiêm vaccine ngày càng trở nên phổ biến, cho thấy vaccine đang giảm dần hiệu quả dù vẫn có khả năng cao trong việc ngăn ngừa các triệu chứng nghiêm trọng.
Những cuộc phỏng vấn được tiến hành cho thấy người dân Mỹ đang ngày càng tức giận và bất mãn trước tình hình dịch bệnh hiện tại.
“Chúng tôi vẫn đang sống giống như khi chưa được tiêm vaccine", Stacey Hopkins, 58 tuổi, một người đã tiêm vaccine chia sẻ.
Sự quay trở lại của các biện pháp hạn chế, cũng như các quy định bắt buộc đã dẫn đến tâm lý chán nản, nhất là ở những người Mỹ đã tiêm vaccine. Dù việc tiêm vaccine đầy đủ giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc Covid-19 hay nhập viện nhưng các nhà chức trách liên bang cảnh báo những người này vẫn có thể lây lan virus sang người khác nếu họ mắc bệnh.
Các chuyên gia nhận định, sẽ không có sự ổn định ngay lập tức trong đại dịch này và không có gì đảm bảo rằng làn sóng hiện tại sẽ là làn sóng cuối cùng.
"Tôi nghĩ có một câu hỏi mà mọi người đều muốn đặt ra, đó là liệu chúng ta có thể quay lại thời điểm Covid-19 không còn xâm chiếm thời gian và cuộc sống của chúng ta nhiều như hiện nay hay không?", Cory Mason, thị trưởng thành phố Racine, bang Wisconsin cho hay.
Link gốc: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/covid-19-mot-lan-nua-khien-my-con-xa-moi-quay-lai-cuoc-song-binh-thuong-888540.vov
Theo ttvn.vn