Thứ nhất, biến thể Omircon sẽ vẫn áp đảo các ca mắc mới. Theo WHO, Omicron đã xuất hiện ở ít nhất 100 quốc gia. Cứ sau 1,5 đến 3 ngày, số trường hợp mắc COVID-19 liên quan đến biến thể này sẽ tăng gấp đôi. Omicron lây lan nhanh, lần đầu tiên được các nhà khoa học Nam Phi phát hiện ra và đang nhanh chóng trở thành chủng virus thống trị ở Mỹ, châu Âu. Omicron xuất hiện đúng vào thời điểm nhiều quốc gia đã hoặc đang nới lỏng các biện pháp phòng dịch. Gia tăng số lượng ca mắc Omicron đã khiến một số quốc gia, như Hà Lan, Đan Mạch và Ireland, phải thắt chặt các biện pháp để hạn chế biến thể lây lan.
Các nhà khoa học nhận định, Omicron có lẽ không phải là biến thể cuối cùng, song có thể là biến thể cuối cùng gây quan ngại. Nếu may mắn, virus SARS-CoV-2 có thể sẽ trở thành một loại virus đặc hữu, biến đổi từ từ theo thời gian. Khi đó, bệnh COVID-19 sẽ diễn biến nhẹ hơn vì cơ thể đã hình thành miễn dịch trước đó, từ đó làm giảm nguy cơ nhập viện và tử vong.
Hình ảnh độ phóng to thấp (trái) và cao của biến thể Omicron dưới kính hiển vi điện tử. Ảnh: HKU
Xu hướng thứ hai là, số ca mắc tiếp tục tăng nhưng số ca tử vong giảm. Biến thể Omicron đang gây ra một làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới trên toàn cầu. Ở châu Phi, các ca mắc hàng ngày (tính trung bình 7 ngày) đã tăng từ mức khoảng 3,14/1 triệu dân hồi đầu tháng 11 lên 26,67/1 triệu dân vào ngày 21/12. Trong cùng thời gian, các ca mắc hằng ngày của Anh đã tăng từ 603,38/1 triệu dân lên khoảng 1.280/1 triệu dân - mức cao kỷ lục kể từ khi đại dịch bắt đầu. Số người mắc COVID-19 phải nhập viện cũng đã tăng lên ở một số quốc gia. Mỹ, Pháp và Nam Phi nằm trong số những quốc gia có số người nhập viện hàng tuần tăng trong tháng vừa rồi.
Tuy nhiên, số ca tử vong do COVID-19 trung bình hằng ngày đang có xu hướng giảm trên toàn cầu. Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu để so sánh biến thể Omicron và các chủng virus khác về khả năng gây ca bệnh nặng. Ông Benjamin Cowling, Giáo sư dịch tễ học tại khoa Y tế Công cộng của Đại học Hong Kong cho rằng, Omicron dường như gây ra mức độ nghiêm trọng tương tự như Delta và các biến thể khác. Nhưng nếu đã tiêm phòng, nếu đã mắc bệnh trước đó, bạn sẽ được bảo vệ đặc biệt, tránh chuyển bệnh nặng. Điều đó có nghĩa là Omicron trong thực tế có vẻ gây bệnh nhẹ hơn".
Bất bình đẳng về vaccine là xu hướng thứ ba. Các chuyên gia cho biết mối đe dọa của Omicron - và các biến thể trong tương lai - cho thấy tầm quan trọng của tiêm chủng trong ngăn ngừa ca bệnh nặng. Tuy vậy, quá trình phân phối vaccine COVID-19 vẫn không đồng đều. Tại hơn 30 quốc gia, chưa đầy 10% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ. Nhiều quốc gia trong số đó là các nước thu nhập thấp ở châu Phi. Mặt khác, các quốc gia có thu nhập cao đã đi rất xa trong chiến dịch tiêm chủng cho người dân và đang triển khai các mũi tiêm nhắc lại thứ 3, thứ 4.
Ông Jerome Kim, Tổng giám đốc Viện Vaccine Quốc tế, cho biết khoảng cách đó có thể thu hẹp dần dần khi hàng tỷ liều vaccine ra lò mỗi năm. Ông nói: "Chúng ta cần sử dụng vaccine tốt nhất có thể, chúng ta cần sử dụng liều tăng cường nếu cần thiết. Sau đó, chúng ta cần sử dụng các biện pháp phòng bệnh khác như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, tránh đám đông và vệ sinh để giảm gánh nặng lây nhiễm trong một quốc gia". Còn theo ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, để chấm dứt đại dịch trong năm tới, mỗi quốc gia phải tiêm phòng cho 70% dân số vào giữa năm 2022.
Có một số yếu tố giải thích cho sự bất bình đẳng vaccine. Các nước giàu nhất rất nhanh chóng thâu tóm lượng vaccine, gây bất lợi cho những nước nghèo nhất. Đôi khi họ nắm giữ lượng vaccine đủ để tiêm cho số lượng gấp 4 lần dân số của họ. Một năm sau, liệu đại đa số các quốc gia có bắt đầu làm điều tương tự như vậy không?
Theo một báo cáo định kỳ 6 tháng của Cơ chế COVAX, được sáng lập vào tháng 4/2020 để đảm bảo việc tiêm chủng cho hầu hết các quốc gia kém phát triển hơn, tính đến ngày 7/12, cơ chế do Liên minh vaccine (GAVI) và WHO thành lập này mới chỉ phân phối được 628 triệu liều cho 144 quốc gia, khác xa so với mục tiêu được đặt ra ban đầu là 2 tỷ liều vào cuối năm nay. Bởi vì thay cho việc cùng đoàn kết quốc tế, các nước giàu đã ưu tiên đàm phán trực tiếp với các phòng thí nghiệm, bất chấp những lời kêu gọi liên tục từ các tổ chức quốc tế về việc tiếp cận công bằng với vaccine.
Ngay từ khi khởi động các chiến dịch tiêm vaccine, người đứng đầu WHO đã chỉ trích các nhà sản xuất tìm kiếm sự chấp thuận của cơ quan quản lý ở các quốc gia giàu có, nơi lợi nhuận là cao nhất, thay vì gửi số liệu của họ cho cơ quan Liên hợp quốc. WHO, cùng với nhiều quốc gia và các tổ chức phi chính phủ, đã kêu gọi trong vài tháng về việc tạm thời dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19 để giảm bớt sự bất bình đẳng. Ý tưởng này đã bị các "đại gia" dược phẩm phản đối dữ dội, bắt đầu là Pfizer, BioNTech và Moderna - các công ty theo đánh giá của tổ chức phi chính phủ Oxfam là họ kiếm được 1.000 USD lợi nhuận mỗi giây.
Một vấn đề khác vẫn còn tồn tại, đó là nhiều nước chậm phát triển không có cơ sở hạ tầng y tế cần thiết để quản lý vaccine, đặc biệt là bảo quản và vận chuyển. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành GAVI Seth Berkley cho biết hiện nay "các quốc gia đang bắt đầu lên kế hoạch triển khai với sự tự tin hơn". Theo ông, tiếp nhận vaccine ở các nước là phần dễ nhất, song việc đưa chúng đến các địa phương mới là khó và cần sự hợp tác tích cực của tất cả các bên.
Link gốc: https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/covid-19-se-tiep-dien-trong-nam-2022-nhu-the-nao--i639345/
Theo ttvn.vn