Đúng một tuần kể từ khi phát hiện ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng tại Đà Nẵng, 5 cuộc hội chẩn quốc gia về điều trị các bệnh nhân COVID-19 nặng đã được thực hiện. Tại mọi đầu cầu, các giáo sư, bác sĩ giỏi nhất trong từng chuyên môn sâu về hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm, huyết học, dược, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, chuyên khoa phổi... đều tham dự.
Với khả năng kết nối trực tuyến hình ảnh trực tiếp qua internet, Cục Khám Chữa bệnh có thể kết nối cùng lúc các y bác sĩ tại các bệnh viện trên toàn quốc. Đây như một cuộc hội chuẩn bàn tròn. Ảnh: Tiến Tuấn
"Ngày thường mời được các vị này không dễ, vì dưới tay các thầy cô ấy toàn là các ca bệnh thập tử nhất sinh, không dễ để họ có vài phút rảnh đâu. Vậy mà họ thu xếp ngồi hội chẩn 3 - 4 tiếng đồng hồ, phải nói giá trị của những khối óc lớn như này là vô cùng quý báu. Và khi những bác sĩ giỏi nhất Việt Nam cùng hiệp đồng chiến đấu với Covid-19 thì tất cả các y bác sĩ, bệnh viện trong cả nước đều vững tin hơn rất nhiều".
Đó chính là lý do để PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đề xuất phương án thành lập Trung tâm Quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị COVID-19 vào ngày 4/3/2020. Ngay sau khi đi vào hoạt động, Trung tâm này đã phát huy hiệu quả rất rõ rệt trong quá trình điều hành, hỗ trợ chuyên môn điều trị thành công các ca bệnh COVID-19 nặng, đặc biệt là trong đợt cách ly toàn xã hội từ đầu tháng 4/2020.
Cuộc hội chẩn chiều ngày 29/7 bắt đầu từ 15h kéo dài cho đến 18h20 mới kết thúc. Ngay sau đó, GS.TS Ngô Quý Châu ở đầu cầu Bộ Y tế vội vàng về viện ngay vì bệnh nhân của ông đang chờ.
Ấn tượng mà GS. Châu mang lại cho toàn bộ các thành viên tham gia buổi hội chuẩn trực tuyến này là ông rất nhạy cảm với các dấu hiệu tổn thương phổi của từng bệnh nhân.
Vào những khoảng thời gian cuối cùng của ca hội chẩn, khi đại diện của BV Đa khoa Trung ương Quảng Nam báo cáo về tình hình một ca bệnh "mọi diễn biến đều bình thường, xin báo cáo để các thầy yên tâm" thì bất ngờ GS. Châu lập tức đề nghị được xem lại hình ảnh chụp XQ phổi của bệnh nhân từ 26/7 cho đến ngày 29/7. "Mặc dù các phim có góc chụp khác nhau ở mỗi ngày nhưng tôi đang quan sát thấy diễn biến tổn thương phổi tăng nặng".
GS. Châu phân tích cho nhận định đó của mình: "Cơ chế của nó liên quan đến virus. Virus đang nhân lên và ta phải kiểm tra rất sát. Số liệu cho thấy nhịp thở của bệnh nhân tăng dần là không ổn. Bệnh nhân này không đơn giản, cần theo dõi sát vì có thể mai sẽ tăng nặng".
Từ phát hiện ban đầu đó, GS. Nguyễn Gia Bình với tư cách là Tổ trưởng Tổ hội chẩn bệnh nhân Covid-19 nặng đề nghị cơ sở điều trị cần thêm ngay các xét nghiệm chi tiết hơn nữa: "Nhịp thở như vậy với người cao tuổi là không bình thường, đang có chiều hướng giảm dần nhịp thở. Bệnh nhân bắt đầu đi vào giai đoạn nặng rồi. Tôi đề nghị các anh làm ngay xét nghiệm đầy đủ hơn về thận, về gan, về đông máu… và thay đổi phương pháp kháng sinh. Bắt buộc dùng kháng sinh phổ rộng, không thể kháng sinh phổ hẹp được".
Tất cả những tư vấn chuyên môn, những kiến thức và kinh nghiệm can thiệp trong điều trị bệnh nhân nặng đều đã được các chuyên gia đầu ngành chia sẻ hết sức chi tiết và quyết liệt. Quan trọng hơn rất nhiều là tình trạng của bệnh nhân này đã được duy trì ổn định nhờ những chẩn đoán, tư vấn ngay lập tức đó.
Và ngay trong sáng ngày 30/7, đoàn công tác của BV Bạch Mai do GS.TS Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc BV đã trực tiếp vào BV Đa khoa Trung ương Quảng Nam để hỗ trợ điều trị cũng như sắp xếp lại hệ thống xét nghiệm cho bệnh viện.
Bên cạnh việc tham gia hội chẩn trực tuyến ở phạm vi cả nước, các chuyên gia kỳ cựu này còn liên tục cập nhật thông tin, diễn biến ca bệnh với các bệnh viện thông qua nhiều mạng xã hội như Viber, Zalo…
"Ngày cũng như đêm, ở đâu có diễn biến mới là chỉ vài phút sau tất cả chuyên gia đầu ngành trong cả nước đều nắm được. Có những đêm tin nhắn báo liên tục đến nóng cả máy. Điện thoại đã đành người đang ngủ cũng phải trong tình trạng stand by (sẵn sàng - PV) nhận và xử lý"…
"Đà Nẵng yên tâm, rối đâu ta gỡ đó, khó đâu ta chữa đó. Bạch Mai trước đây căng như thế mà còn làm được nữa là bây giờ. Chúng ta có tất cả mọi sự hỗ trợ từ những thầy cô giỏi nhất, tận tình nhất đất nước mình", PGS. Khuê với cương vị là Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã luôn động viên và kết nối Đà Nẵng với cả nước.
Vấn đề của BV Đà Nẵng thời điểm này là họ đang bị phong tỏa, số lượng nhân viên y tế bị nhiễm Covid và phải cách ly có dấu hiệu tăng trong khi rất nhiều bệnh nhân nặng đang điều trị và chờ được điều trị. Ngoài các bệnh nhân Covid, ở bệnh viện này còn có những bệnh nhân chạy thận nhân tạo suốt từ 21 năm qua vẫn cần được duy trì điều trị.
Sự chia lửa mà các đồng nghiệp dành cho Đà Nẵng lúc này còn nằm ở những lọ thuốc bé nhỏ "có võ" đặc hiệu và vô cùng hiếm hoi, khó kiếm tìm.
Điều trị cho những bệnh nhân nặng lúc này không chỉ còn là trách nhiệm của riêng y bác sĩ tại BV Đà Nẵng, GS. Châu ở đầu cầu Hà Nội, GS. Bình từ A9 Bạch Mai, GS. Hiệp ở TW Huế, PGS. Ngọc Thảo ở Chợ Rẫy, TS. Thủy ở BV Bệnh Nhiệt đới TP. HCM… tất cả đều coi họ là bệnh nhân của mình.
GS. Bình rất tâm tư: "Chúng tôi thường xuyên bàn với nhau trên các group (nhóm - PV) rồi. Có bệnh nhân bản thân họ mang một chùm bệnh quá nặng. Nào thì suy thận mãn, thiếu máu, suy tim, tăng huyết áp, đái tháo đường, gout, nhiễm trùng… rồi bây giờ lại thêm cả Covid-19 nữa".
Bệnh nhân phải chạy ECMO (tim phổi nhân tạo) và thở máy. Các thầy thuốc đề nghị tập trung điều trị đa kháng thuốc, lọc thận, chống nấm, chống đông máu và các biện pháp cận lâm sàng khác, theo dõi sát bệnh nhân từng giờ.
"Thuốc chống tim nhanh vẫn dùng có lẽ phải chuyển sang đường tĩnh mạch để làm chậm nhịp. Nên dùng thuốc chích, bệnh nhân nặng như thế này không nên dùng đường uống", với kinh nghiệm của mình, GS. Bình đề nghị. "Nếu có thể xài dạng chích thì xin các thầy cho ý kiến. Theo tôi biết bữa trước trong BV Nhiệt đới TP.HCM họ đã tìm mua được thuốc dạng chích. Ta hỏi chỗ thầy Hảo, cô Thủy, các thầy cô chỉ cho có thể mua ở đâu được".
Và ngay lập tức sau câu hỏi của PGS. Khuê: "Thuốc dạng chích bên Nhiệt đới các thầy còn không?", cả BV Bệnh Nhiệt đới TP. HCM và BV Chợ Rẫy đều sẵn sàng bố trí bộ phận dược chia sẻ cho Đà Nẵng. "Để điều trị cho bệnh nhân 91 (bệnh nhân phi công người Anh, đã khỏi và về nước – pv), BV Chợ Rẫy đã trình mua, hiện tại còn khoảng 50 lọ. Hôm trước chúng tôi cũng có báo với bác sĩ Nhân (Giám đốc BV Đà Nẵng - PV) rồi. Chỉ cần bác sĩ Nhân chỉ định thì dược của hai bên sẽ làm thủ tục chuyển ngay thôi".
PGS. Khuê một lần nữa điều phối sự kết nối này: "Bây giờ là 18h rồi, ta chuyển ngay trong đêm để sáng sớm mai bệnh nhân có mà dùng. Anh Nhân cần gì thì báo anh em. Các đồng chí cứ làm tất cả vì mục đích chung là cứu bệnh nhân. Các đồng chí đừng ngại. Tôi chịu trách nhiệm".
Sự xúc động là cảm giác rất dễ nhận ra từ bác sĩ Nhân ngay cả trên màn hình video cuộc hội chẩn trực tuyến.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương - ngay trong buổi hội chẩn trực tuyến chiều 29/7 đã chia sẻ bí quyết đảm bảo hành trình bay gần 20 giờ đồng hồ đón đoàn 219 công dân Việt Nam làm việc tại Guinea Xích đạo an toàn về đến bệnh viện.
"Có sự cố xảy ra là đoàn bị trễ bay mất khoảng 3 tiếng. Rất may các đường ống, hệ thống máy lọc không khí… được dự trù khoảng dư nhất định nên đảm bảo lọc không khí cho anh em đến lúc về. Đấy là những điều mà chúng ta phải lưu ý trên mọi chặng đường đi. Bao giờ cũng phải chuẩn bị dư ra 1 lượng để đảm bảo mọi biến cố xảy ra thì đối tượng cần bảo vệ của mình vẫn an toàn".
Được biết để chuẩn bị cho đoàn đi đón người về, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã làm việc với PGS. Phan Trọng Nghĩa ở Trung tâm Cao su - Đại học Bách Khoa để lắp đặt buồng áp lực âm và buồng áp lực dương ngay trên máy bay. Từ đó tạo ra rất nhiều phương tiện bảo vệ an toàn và phòng tránh nhiễm khuẩn cho hành khách, phi hành đoàn và nhân viên y tế đi kèm.
"Thầy Khuê có thể chỉ đạo ngành y tế hợp tác với những địa chỉ như vậy, đặt hàng thiết kế buồng áp lực âm trên các xe vận chuyển bệnh nhân", bác sĩ Cấp gợi ý.
Ảnh: Tuan Nguyen
GS. Bình từ đầu cầu Bạch Mai như tìm thấy hướng đi mới cho quá trình vận chuyển bệnh nhân Covid-19: "Ý kiến của thầy Cấp rất hay. Các thầy nên tham khảo làm sao có được buồng áp suất âm để bảo vệ bệnh nhân và cộng đồng, giúp anh em trong lúc thực hành công việc hàng ngày giảm bớt nguy cơ lây nhiễm. Chứ tôi nói thẳng, tất cả xe cấp cứu 115 của chúng ta hiện nay chẳng có cái nào đạt yêu cầu với bệnh nhân Covid-19".
"Tôi hoàn toàn ủng hộ", PGS. Khuê nhấn mạnh. "Quá trình vận chuyển bệnh nhân an toàn đến với cơ sở y tế là vô cùng quan trọng. Không chỉ cần an toàn cho người bệnh mà còn phải giữ an toàn cho cả nhân viên y tế và cộng đồng nữa. Với nhiệm vụ điều trị bệnh nhân Covid-19, một lần nữa tôi khẳng định, yếu tố tiên quyết là phải bảo vệ an toàn cho nhân viên y tế đã. Thầy thuốc mà không được an toàn, hy sinh trước thì còn ai chiến đấu nữa".
"Bệnh nhân đã đến tay các thầy là yếu ớt thoi thóp lắm rồi. Họ không trông chờ vào ai được nữa. Mình mà đuối lúc này là cả tàu chết chìm. Xốc chính mình lên, bảo toàn lực lượng, đồng tâm hiệp lực ta vững vàng chiến đấu!"
Những ngày này là những ngày suy ngẫm chứ không phải buồn bã. Giống như Bạch Mai vào những ngày bi thương đó vẫn nhận bệnh nhân cấp cứu thập tử nhất sinh. Cho nên, vào cái ngày bắt buộc phải cách ly thì chính chúng ta phải kiên cường hơn gấp nhiều lần bình thường. Trong hoàn cảnh khó khăn này, thật tuyệt vời khi chúng ta có được một bệnh viện đặc biệt như BV Trung ương Huế sẵn sàng nhận chia lửa ngay trong đêm cho các cơ sở khó khăn khác và đang chỉnh chu hoàn thành rất tốt nhiệm vụ.
Cuộc chiến phòng chống Covid-19 còn dài, phía trước còn rất nhiều thách thức.
Do đó, các BV tuyệt đối không được chủ quan, lơ là dù chỉ một phút trong điều trị. Bởi căn bệnh này rất nguy hiểm, lơ là một chút là bệnh nhân có thể diễn biến xấu rất nhanh. Và chúng ta quyết nỗ lực cao nhất để giữ được mạng sống cho bệnh nhân. Vì ngay lúc chọn học ngành y là chúng ta đã chọn sẽ cứu người!", PGS.TS Lương Ngọc Khuê như đang nói những lời tâm huyết cho tất cả y bác sĩ Việt Nam lúc này./.
Theo Tri Thức Trẻ