GIẤC MƠ "ĐI TỪ NHÀ ANH VỀ NHÀ EM"
Gặp nhau lần đầu tại một quán cà phê ở Sài Gòn, ngay lập tức, Trần Nguyễn Khánh Nguyên (25 tuổi) và Thibault Clemenceau (quốc tịch Pháp, 29 tuổi) cảm nhận được ngay tình cảm của đối phương dành cho mình. Trúng "tiếng sét ái tình", cả hai chẳng ngần ngại kéo gần khoảng cách của nhau qua những ngày trò chuyện thâu đêm suốt sáng, chia sẻ với nhau mọi chuyện trong cuộc sống.
Quen nhau từ 2015, kết hôn năm 2018, cô gái Việt Nam vô cùng mãn nguyện khi gặp được chàng trai người Pháp có cùng sở thích ăn uống và đi du lịch. Thời gian quen Khánh Nguyên, Thibault đang làm việc cho một công ty Pháp có chi nhánh tại Việt Nam. Số trời sắp xếp, kết duyên với Khánh Nguyên, trong thâm tâm Thibault, Việt Nam chính là quê hương thứ hai của anh.
Khoảng thời gian hai người hẹn hò, có mấy lần Thibault đưa cô xem những bức ảnh về hành trình đạp xe 4000km vòng quanh châu Âu của anh cùng em trai trong 45 ngày, kể cho Khánh Nguyên nghe về giấc mơ ấp ủ một chuyến đi xa hơn của anh. "Khi ấy, mình thực sự ngưỡng mộ và luôn tin là sẽ có một ngày anh thực hiện được giấc mơ ấy", Khánh Nguyên chia sẻ.
Đầu năm 2018, cả hai quyết định làm đám cưới "về chung một nhà" ngay tại Sài Gòn. Một ngày đi làm về, Thibault ngỏ lời nhẹ nhàng với Khánh Nguyên: "Hay là năm sau tụi mình đạp xe từ Pháp về Việt Nam, được không em?" và ngay tắp lự, cô gật đầu cái rụp. Khánh Nguyên vẫn nhớ như in cảm giác nghe lời bỏ ngỏ bất ngờ nhưng vô cùng ngọt ngào ấy, cô nàng đã cảm thấy rất háo hức về hành trình sắp tới: "Đạp xe từ Pháp về Việt Nam, đạp xe từ nhà anh về nhà em, vậy mà mình đồng ý liền luôn."
Khởi hành từ 16/4, tính đến nay, Thibault và Khánh Nguyên đã đi qua 12 nước. Mỗi quốc gia đều để lại những ấn tượng khó phai trong lòng đôi vợ chồng trẻ. Đi qua mỗi nẻo đường, họ lại có thêm những người bạn mới, nhận thêm được những nụ cười, những cái ôm, và hơn cả là những trải nghiệm văn hóa độc đáo.
HÀNH TRÌNH CỦA MỒ HÔI VÀ NIỀM HẠNH PHÚC
"Cũng đã đến lúc cùng anh thực hiện chuyến đi của đời người rồi!", Khánh Nguyên chẳng suy nghĩ gì nhiều trước chuyến đi dài, đi đâu cũng được miễn là đi cùng người mình yêu thương. Đến thời điểm này, Khánh Nguyên hoàn toàn tin tưởng rằng quyết định đi cùng Thibault vòng quanh thế giới không có gì hối tiếc cả.
Tính Khánh Nguyên vốn dễ thích nghi nên cô tự nhận: "Hoàn cảnh sao thì mình tìm cách hoà nhập, rồi cũng quen à, giờ mình “bụi đời” lắm. Đạp xe ra mồ hôi, đi đường bụi bẩn là chuyện bình thường, mà mình dễ tính nữa, dễ ăn, dễ ngủ. Nhiều khi đạp xe tới trưa buồn ngủ quá, mình dừng xe lăn xuống cỏ nằm đại xuống ngủ một giấc, không vấn đề gì. Trong ngày “xông pha” sao cũng được, nhưng cuối ngày mình vẫn phải tìm cách để tắm rửa."
Ở Iran, hai vợ chồng Thibault tình cờ gặp một gia đình trong bộ tộc Qashqai - bộ tộc du mục cuối cùng của đất nước này. Với cả hai, được mặc lên người chiếc váy trang phục truyền thống của bộ tộc họ là một trải nghiệm rất đặc biệt. Khánh Nguyên còn hào hứng kể rằng khi đi qua đất nước này, vì "lỡ" cho một con lừa ăn một miếng bánh nên "nó cứ theo tụi mình miết, đuổi hoài không đi, cả một đoạn đường dài khó khăn lắm mới cắt đuôi được nó".
Hành trình của vợ chồng Thibault và Khánh Nguyên ở Iran.
Khánh Nguyên và Thibault gặp gia đình của cậu bé Amico ở đất nước Georgia, chỉ vì vô tình khi đang đạp xe lên đèo Goderdzi thì hai người nghe thấy tiếng gọi to “Hello hello” của hai cậu bé chơi trong nhà bên triền núi. Hai vợ chồng dừng lại xin hỏi gia đình họ cắm trại trong sân một đêm. Ấy thế mà, họ đồng ý liền. Khánh Nguyên tâm sự: "Điều làm mình nhớ mãi là họ sống tình cảm lắm, đối với tụi mình như người thân trong gia đình dù chỉ mới gặp lần đầu, Amico thì dễ thương vô cùng."
Đường đến hồ Paravani ở đất nước Georgia là một trong những cảnh đẹp nhất trong chuyến của cả hai vợ chồng. Phong cảnh hoang sơ mộc mạc, hình ảnh người dân cưỡi ngựa trên đường khiến cô gái Việt Nam tưởng chừng mình đang ở đâu đó trên cao nguyên ở Kazakhstan hay Mông Cổ, đường rộng an toàn đạp xe, người dân hiền lành hiếu khách. Với Khánh Nguyên, đó là "cảm giác thật tự do và mãn nguyện vì được một lần đến đây".
Hành trình của vợ chồng Thibault và Khánh Nguyên ở Georgia.
Còn riêng với Khánh Nguyên, kỉ niệm khiến cô ấn tượng nhất là lần đạp xe dưới tuyết vào tháng 5 ở Thuỵ Sĩ. Bởi đó là lần đầu tiên cô được tận mắt nhìn thấy tuyết rơi trong đời. Trong suốt hành trình đạp xe, đôi vợ chồng trẻ luôn nhận được tình yêu thương của những người dân không-hề-biết-họ.
Ở Georgia, đoạn lên đèo Goderdzi, đường rất khó đi vì không có nhựa đường. Trời còn mưa lâm thâm khiến cho đoạn đường gần đỉnh đèo đất đá trơn trượt. Nhưng các bác tài mỗi lần đi ngang qua đều vẫy tay chào rồi bấm còi cổ vũ tinh thần Thibault và Khánh Nguyên, khiến cho cả hai đều "thiệt vui không thể tả", tiếp thêm khí thế đạp xe. Hay lần đạp xe qua Azerbajian hay Iran, cặp đôi được người dân dừng lại hỏi han và cho trái cây. Khi ấy, ở Azerbajian là mùa dưa hấu, người dân mấy lần đều "chặn" xe chỉ để cho hai vợ chồng dưa hấu “nặng ký”. "Tụi mình đi xe đạp nên mang đồ nhẹ thôi, nên mỗi lần “được” cho dưa hấu nặng trịch là dở khóc dở cười, không biết phải làm sao vì từ chối người ta không được", Khánh Nguyên nhớ lại.
Bên cạnh những niềm vui nho nhỏ gom góp trong suốt chuyến đi, cả hai cũng gặp một vài vấn đề khi đạp xe qua biên giới. Theo lời Khánh Nguyên kể, "Từ Hungary đạp xe qua Serbia, lúc tới biên giới họ không nhận hộ chiếu Việt Nam vì biên giới này chỉ dành cho công dân các nước trong khối Schengen. Tụi mình đã không biết nên phải tìm đường đạp qua một biên giới khác để nhập cảnh (rất may là hai biên giới cách nhau không xa, 10km).
Lần qua biên giới Bulgaria là mình bị giữ lại lâu nhất, bị hỏi quá trời vì hình trên hộ chiếu nhìn không giống mình ở ngoài (hình chụp cách đây 7 năm). Mình phải đưa họ kiểm tra xem thẻ công cước công dân, rồi phải chứng minh tụi mình đã kết hôn…
Lúc nhập cảnh qua nước Georgia bằng đường biển (người Việt Nam có visa Schengen sẽ không cần xin visa qua Georgia), hải quan cũng mất nhiều thời gian để kiểm tra thông tin và gọi điện hỏi cấp trên…"
Nhưng khi nhìn lại mọi chuyện đã qua, cô xem mọi chuyện đều thuận lợi. Thibault là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho Khánh Nguyên để vượt qua mọi khó khăn. Những trở ngại là một phần của chuyến đi, không thể tránh khỏi nên cặp đôi chấp nhận đối mặt và tích cực cùng nhau tìm cách giải quyết. Cũng có những ngày cơ thể mệt mỏi, tinh thần bị lung lay nhưng rồi qua ngày mới, nạp đủ năng lượng tích cực lạc quan, cô gái Việt Nam lại cùng chồng tiếp tục hành trình đạp xe về đất nước hình chữ S.
NÓN LÁ - BIỂU TƯỢNG TÌNH YÊU
Đồng hành cùng vợ chồng Thibault và Khánh Nguyên luôn có sự góp mặt của nón lá - biểu tượng đại diện cho chuyến đi tình yêu và dự án gây quỹ xây trường cho trẻ em nghèo Nón lá Project - Bicycle Adventure của cặp đôi.
Ngày mà Thibault ngỏ lời đạp xe với Khánh Nguyên, anh cũng chia sẻ về dự định gây quỹ cho tổ chức Poussières de Vie (PdV): Với mỗi kilômét đạp xe, họ sẽ kêu gọi 1 USD tương ứng cho tổ chức. Chia sẻ thêm, Khánh Nguyên cho biết, sau hơn 16 năm hoạt động, PdV đã giúp đỡ hơn 5.000 trẻ em tại Việt Nam đi học, được học nghề và phát triển nhân cách. Thông qua chuyến đi này, cặp đôi kêu gọi quyên góp một phần công sức xây dựng trung tâm dạy học, cơ sở vật chất mới cho tổ chức và hi vọng phần nào tạo cảm hứng cho các em học sinh ở đây theo đuổi ước mơ.
Trong một khoảnh khắc khi đang suy nghĩ tên chuyến đi, Thibault chợt "bật lên" trong đầu hình ảnh các cô các bác ở quê hay đội nón lá đi xe đạp cũ. Hình ảnh nón lá cũng là một hình ảnh quen thuộc đối với người Việt, đi đâu cũng dễ thấy người dân mình đội nón lá ra đồng làm ruộng, đi chợ hay ngủ trưa cũng che nón lá cho khỏi nắng.
Qua cái nhìn của anh chàng người Pháp, nón lá còn mang hình dáng giống một ngọn núi như hành trình của cặp đôi. Sẽ có những lúc gặp khó khăn, vượt qua nhiều đèo núi, nhiều sóng gió nhưng rồi vẫn sẽ có một ngày, cả hai về đến nhà an toàn và ấm áp trong vòng tay chào đón của người thân.
Khánh Nguyên chia sẻ: "Hai đứa mình cũng thích nón lá lắm. Lúc làm đám cưới ở Pháp (tháng 9 năm ngoái), mình mang nón lá qua Pháp để cùng nhau đội trong đám cưới." Trong tâm niệm của cô, mang chiếc nón lá theo cũng giống như mang một hình ảnh đẹp của người Việt đi khắp mọi nơi. Qua nhiều chặng đường, người dân địa phương vô cùng thích thú, tò mò đến gần để hỏi về nón lá. Có người biết nón lá từ Việt Nam, cũng có người không biết, lúc đó Khánh Nguyên chẳng ngần ngại giới thiệu cho họ đây là chiếc nón lá truyền thống của người Việt.
Với cô, "Đáng nhớ nhất là khi đi qua nước Azerbajian, mình không ngờ người dân Azerbaijan thích nón lá đến vậy. Không phải chỉ có một hay hai người mà ngày nào cũng vài lần phải dừng xe cho mọi người hỏi han, ngắm nghía chiếc nón lá, đội thử rồi còn chụp ảnh selfie với nón lá. Thậm chí có một ca sĩ nhạc rap nổi tiếng (tên Qurd) dừng tụi mình trên đường để hỏi về nón lá và chụp ảnh chung nữa. Tụi mình chỉ biết anh ấy là ca sĩ nổi tiếng sau khi được tag trên Instagram."
Chuyến đi sẽ kéo dài từ 10 tháng đến 1 năm. Cặp đôi đã đạp xe cùng nhau trên quãng đường dài 80007km trong vòng 6 tháng. Là vợ chồng, Thibault và Khánh Nguyên chẳng giấu diếm nhau điều gì, yêu nói yêu, thương nói thương. Sau chuyến đi này, cả hai dự định sẽ ở lại Việt Nam tiếp tục xây dựng sự nghiệp. Cặp đôi cũng hi vọng hành trình yêu thương này sẽ truyền cảm hứng tới nhiều người, hãy tranh thủ khi còn trẻ để làm những gì bạn mong mỏi!
Hình ảnh cô gái Việt xinh đẹp hạnh phúc bên cạnh nửa kia của mình.