Italia hiện vẫn là ổ dịch lớn nhất tại châu Âu và là nước có số người chết vì virus corona lớn nhất thế giới. Đời sống xã hội Italia đảo lộn, gia đình không thể thăm người thân bị nhiễm bệnh, đồng thời những ai có triệu chứng nhẹ hay từng tiếp xúc bệnh nhân Covid-19 đều phải cách ly. Các y bác sĩ tại bệnh viện ở Italia cũng đã kiệt sức cả về thể chất lẫn tinh thần khi phải đương đầu với “trận sóng thần virus” khiến hàng nghìn người thiệt mạng tại nước này.
Tỷ lệ nhân viên y tế mắc Covid-19 tại Italia cao gấp đôi so với số nhân viên y tế nhiễm virus trong thời kỳ bệnh dịch tại Trung Quốc. Hơn 5.000 nhân viên y tế tại Italia đã bị nhiễm bệnh kể từ khi dịch bắt đầu bùng phát tại nước này hồi tháng 2, trong đó một phần nguyên nhân là do thiếu thiết bị bảo hộ.
Theo Guardian, nhiều nhân viên y tế Italia tiếp xúc với các ca bệnh Covid-19 chỉ có thể đeo khẩu trang y tế không có bộ lọc thích hợp để chặn virus corona. Các chuyên gia y tế cộng đồng cảnh báo, nếu toàn bộ nhân viên y tế tại Italia được xét nghiệm, con số nhiễm bệnh thực tế có thể cao đến mức khiến các bệnh viện phải dừng hoạt động.
Tại Bergamo, ít nhất 6.000 người dân đã bị nhiễm virus corona, biến nơi này thành tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 tại Italia và toàn thế giới.
Hàng trăm người tại Bergamo đã thiệt mạng vì Covid-19. Tiếng còi báo động liên tục vang lên, phá vỡ bầu không khí im lặng tại một thành phố đang bị phong tỏa.
Bệnh viện Papa Giovanni XXIII tại Bergamo là nơi có khoa chăm sóc đặc biệt (ICU) lớn nhất ở châu Âu. Roberto Cosentini, điều phối viên sơ cứu tại bệnh viện, cho biết dịch Covid-19 giống như “trận động đất virus”.
“Cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn. Không có thời gian để nghĩ về sự mệt mỏi, vì khi bạn chứng kiến các bệnh nhân Covid-19 và cách họ phải chống chọi với dịch bệnh trong tình trạng cô độc, bạn sẽ nhận ra rằng cha mẹ hay ông bà mình cũng có thể nằm trên chiếc giường đó”, Giovanna, bác sĩ gây mê tại một bệnh viện ở Milan, cho biết.
Dằn vặt tinh thần còn hơn mệt mỏi về thể xác
Anna, một bác sĩ tại Lombardy, cho biết sự dằn vặt về tinh thần còn khiến cô lo lắng hơn cả sự mệt mỏi về thể xác.
“Chúng tôi đang làm việc trong một hoàn cảnh mà tôi chưa bao giờ tưởng tượng sẽ xảy ra đối với một bác sĩ. Nhưng khi bạn nhìn thấy các bệnh nhân mắc Covid-19, nhất là khi bạn chứng kiến họ qua đời, trong tình trạng hoàn toàn cô độc, bạn sẽ quên mất đi sự mệt mỏi của bản thân mình. Mỗi bác sĩ đều có hoàn cảnh cá nhân của riêng mình. Như tôi, tôi đã không gặp các con suốt 5 tuần rồi”, Anna chia sẻ.
Trong số các nhân viên y tế tử vong vì Covid-19 gần đây có 2 nha sĩ ở Brescia và Daniela Trezzi, nữ y tá 34 tuổi, tự vẫn tại Monza. Trezzi đã bị cách ly từ ngày 10/3 sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19.
Hiện chưa rõ lý do y tá Trezzi tự tử, song Hiệp hội Y tá Quốc gia Italia cho biết các đồng nghiệp của Trezzi nghĩ rằng cô bị căng thẳng cực độ, do lo sợ mình đã lây nhiễm cho những người khác.
Tuần trước, một nữ y tá 49 tuổi ở Jesolo, gần Venice, cũng tự tìm đến cái chết. Cô từng hỗ trợ cho các bệnh nhân mắc Covid-19 tại bệnh viện Jesolo trước khi bị sốt. Nữ y tá sau đó được xét nghiệm Covid-19, nhưng qua đời khi chưa kịp nhận kết quả.
Nữ y tá Cristina Settembrese đã trải qua 36 năm trong nghề, và khi cô biết mình bị nhiễm covid-19 cô đã tự cách ly và không gặp người thân để đảm bảo sự an toàn cho mọi người. Phần lớn thời gian trong ngày, cô vẫn chăm sóc bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện. Thời gian còn lại khi về đến nhà, cô bắt đầu lựa chọn cuộc sống tự cách ly cho bản thân. 2 tháng trước, bệnh viện San Paolo, Milan nơi cô làm việc bắt đầu chuyển sang chỉ điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19. Lúc đó, cô phải học cách vận hành những cỗ máy mà cô ví như “những chiếc mũ bảo hiểm” để giúp bệnh nhân thở.
Nữ y tá Cristina Settembrese.
2 ngày sau khi Milan xuất hiện ca nhiễm đầu tiên, Settembrese đã gửi cô con gái 24 tuổi đến sống cùng chị gái. Nữ y tá lo lắng mình có thể vô tình lây bệnh cho con. Những ngày tự cách ly, người bạn đồng hành duy nhất của cô bây giờ trong căn hộ của cô là chú chó Pepe. Cô chia sẻ: “Đưa Pepe đi dạo và nói chuyện với những người dắt chó đi dạo khác là đời sống xã hội duy nhất của tôi”. Cô vẫn phải làm những công việc thường nhật tại bệnh viện với các bệnh nhân và liên hệ với con chỉ thông qua điện thoại.
Những gì các bệnh viện Italy đang trải qua được cho là bài học mà nhiều nước phương Tây đang phải nhìn nhận một cách nghiêm túc trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Với những ai đang làm việc ở tuyến đầu chống virus, hiện thực quá khủng khiếp.
Hiện nước này đã có hơn 181.000 người mắc bệnh và hơn 24.000 người tử vong./.
Theo Tổng hợp