Cuộc điện thoại đẫm nước mắt 3 sinh viên miền Trung đi học xa nhà, chạy xe ôm công nghệ: Bật khóc ngay trong lớp khi nghe tin nhà cửa bị trôi sạch

Nghe cuộc gọi từ nhà báo ruộng đồng, trâu bò đã bị cơn bão cuốn đi tất cả, các bạn bỗng chực trào nước mắt ngay trong lớp học.

Miền Trung những ngày qua đang là tâm điểm chú ý của cả nước khi mà mảnh đất này liên tục hứng chịu sự tàn phá của những cơn bão lớn. Cảnh nhà cửa tan hoang, chìm trong biển nước xuất hiện với tần suất dày đặc trên mặt báo khiến ai cũng thương cảm và đồng lòng hướng về khúc ruột miền Trung thân thương. 

Với những người con xa quê hương, khi nghe tin bão lũ về, ai cũng đau đáu nỗi lo dành cho gia đình nhưng chẳng thể làm gì khác hơn ngoài cầu mong cho bão dữ đi qua, người thân được yên bình giữa sóng gió. Một câu chuyện cảm động gần đây vừa được chia sẻ và nhận về nhiều sự chú ý. Theo đó, một tài khoản mạng xã hội tên Văn Cao Nguyễn đã đăng tải những bức ảnh về những sinh viên quê ở miền Trung chực trào nước mắt khi nghe bố mẹ báo tin nhà cửa đã bị lũ cuốn đi sạch. Điều đặc biệt hơn, để có tiền trang trải và đỡ đần cha mẹ đang phải chống chọi với thiên tai, những người bạn này vừa học vừa chạy xe ôm công nghệ để kiếm thêm.

Nguyên văn đoạn chia sẻ của bạn Văn Cao Nguyễn như sau:

Hôm nay, như mọi ngày mình đến lớp học tiết 12-14. Thì có để ý 3 bạn này ngồi góc cuối của lớp, có bàn tán gì đó nhưng có vẻ không khí khá buồn. Mình cũng chẳng quan tâm lắm cho đến cuối giờ khoảng 8h40, cả 3 đều khoác lên mình chiếc áo xe ôm công nghệ, nhưng điều làm mình tò mò nhất là có 1 trong 3 bạn đã khóc như một đứa trẻ sau khi nghe điện thoại.

Mình có đi theo và hỏi thăm mới biết rằng quê bạn ấy ở miền trung nơi đang chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 8. Mẹ bạn báo rằng ruộng đồng, trâu bò đã bị cơn bão cuốn đi tất cả, tháng này cả nhà phải đi vay gạo để ăn nên không thể gửi tiền sinh hoạt cho bạn được. Nên bạn phải cố gắng làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống và gửi về quê phụ giúp phần nào cho gia đình...

Mình thật sự khâm phục bạn ấy, những giọt nước mắt của một người con trai đã rơi xuống, chứa trong những giọt lệ ấy là tình thương gia đình là trách nhiệm của một đứa con trai là sự bất lực trước cơn giận của mẹ thiên nhiên.

Đâu đó quanh ta vẫn còn có những người như vậy, tuy còn trên ghế nhà trường nhưng họ đã phải nỗ lực gấp nhiều lần bạn bè cùng trang lứa. Và mình luôn tôn trọng và nể phục các bạn.

Câu chuyện đã gây xúc động với nhiều người và thêm thương cảm những người con miền Trung. Mỗi tin cơn bão đến, các bạn đều ở trạng thái lo lắng, hồi hộp và ngóng chờ tin tức mỗi giây. Mất đi hết tài sản, của cải, giờ đây, cuộc sống sinh viên xa nhà của các bạn đã khó khăn nay lại thêm chồng chất khó khăn vì thiếu tiền sinh hoạt phí nhưng dẫu vậy tình cảnh đau lòng nơi quê nhà mới là điều xót xa ngay lúc này.

Giờ đây, các bạn chẳng có gì ngoài sự cố gắng học tập, chăm chỉ kiếm thêm chút ít tiền sinh hoạt bằng việc làm thêm và những lời động viên gửi gắm đến quê nhà thân yêu, mong cho gia đình vượt qua những khó khăn trước mắt.

Nhiều tài khoản mạng xã hội cũng gửi lời cổ vũ tinh thần với những sinh viên này và mong các bạn cùng gia đình mau vượt qua khó khăn:

"Thiệt sự mình may mắn được sinh ra ở miền Tây không phải chịu bão lụt. Chứ nếu mình mà đi học hay đi làm ở Sài Gòn mà người nhà đang miền Trung chịu lũ như vậy chắc mình sống không nổi luôn."

"Cố gắng lên các em ạ. Ở trường các em khóc bao nhiêu thì ở nhà bố mẹ các em đứt ruột đứt gan bấy nhiêu. Chẳng có bố mẹ nào là không thương con mình cả. Khi họ gọi điện báo em như vậy chắc chắn họ cũng đã quá sức chịu đựng. Vì vậy khóc xong rồi lại đứng lên và tiếp tục nhé. Cố gắng học còn ở nhà sẽ có những người như cô Tiên đến giúp đỡ phần nào bố mẹ thôi!"

"Cuộc sống khắc nghiệt thật sự. Bao nhiêu đau thương mất mát cứ đổ dồn hết lên vùng đất nghèo khó, vất vả nhất cả nước. Không biết nói gì ngoài câu động viên tinh thần. Cố lên các em, dù biết còn rất rất nhiều khó khăn đang chờ ở phía trước nhưng nếu nỗ lực vượt qua thì ngày mai sẽ tốt hơn thôi."

Ảnh: Văn Cao Nguyễn

 

Theo kenh14.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU