Cuộc sống của một đao phủ thời Trung Cổ sẽ diễn ra như thế nào?

Quên hình ảnh về gã đàn ông to béo, bặm trợn vung rìu đi. Bởi hầu hết những gì chúng ta biết về đao phủ Trung Cổ đều không đúng.

Một buổi chiều tháng 5 – 1573, cậu thanh niên 19 tuổi Frantz Schmidt đứng trong sân sau nhà cha cậu ở Bavaria (Đức), chuẩn bị vung gươm lấy thủ cấp một con chó hoang. Anh chàng mới hoàn thành bài tập với những quả bí ngô vô tri và chuyển sang thực hành với động vật sống.

Nếu Frantz vượt qua thử thách cuối cùng này, anh được coi là sẵn sàng bắt đầu công việc hành quyết con người. Chúng ta biết được những cảnh tượng đáng sợ này nhờ Frantz Schmidt đã cẩn thận ghi chép cuộc sống đao phủ ở thế kỷ 16 của mình, kèm theo các bức họa vô cùng sống động.

Cuốn nhật ký này cung cấp góc nhìn hiếm hoi từ phía đao phủ, cho thấy một chàng trai nghiêm túc với công việc và thường cảm thấy đồng cảm với nạn nhân. Nhưng Frantz Schmidt không phải quá khác biệt, những câu chuyện lịch sử giai đoạn này cho thấy các định kiến phổ biến về đao phủ trùm đầu, tàn bạo khác xa sự thật.

Joel Harrington, một sử gia tại Đại học Vanderbilt ở Tennessee (Mỹ) đồng thời là tác giả một cuốn sách về cuộc đời Frantz Schmidt, cho biết: "Điểm tương đồng của tất cả (các nước châu Âu thời điểm đó) là cố gắng để thực thi luật hình sự tốt hơn".

Vì thế, khi bắt được kẻ phạm tội, các nhà hành pháp rất thích xử tử công khai để làm gương. Nhưng gần như không ai xếp hàng xin việc treo cổ, chặt đầu hay thiêu phạm nhân. Trên thực tế, đao phủ không được chọn mà được ban cho công việc đó.

Trong một số trường hợp, những đồ tể bị bắt buộc làm người hành quyết, hoặc những người bị kết án được đề nghị đổi công việc này thay cái chết của chính họ. Nhưng thông thường, đao phủ mang tính gia truyền. Hầu hết người trong nghề có cha làm đao phủ trước đó.

Đối với Frantz Schmidt, cha anh thành một đao phủ bất đắc dĩ, khi được hoàng tử "ban tước" ngẫu nhiên người hành quyết cho hoàng gia. Theo thời gian, kiểu cha truyền con nối này tạo nên các "gia tộc hành quyết" lan rộng khắp châu Âu thời Trung Cổ.

Nhưng sự tồn tại của các gia tộc này cũng cho thấy tình cảnh nghèo khó của đao phủ. Họ mắc kẹt trong gia nghiệp, vì thực tế, có rất ít cơ hội làm việc khác. Họ mang đến cái chết nên không ai muốn liên quan đến. Họ bị đẩy ra rìa xã hội, thậm chí buộc phải sống ở rìa thị trấn.

Đao phủ là nghề mang tính gia truyền (Ảnh: Shutterstock)

Nhà sử học Harrington cho biết: "Mọi người không mời đao phủ đến nhà. Rất nhiều đao phủ không được phép đến nhà thờ. Đám cưới phải tổ chức ở nhà họ. Thậm chí một số trường học còn không nhận con của đao phủ".

Bị xã hội cô lập, các đao phủ buộc phải liên hợp với kẻ khác để chiếm lĩnh thế giới ngầm. Đó cũng là những người ở tầng đáy xã hội như gái mại dâm, người bệnh phong và tội phạm. Nhưng điều đó cũng làm tăng sự kỳ thị của công chúng với đao phủ và gia đình họ.

Thái độ với đao phủ khá mơ hồ, họ đồng thời được coi là cần thiết và không trong sạch. Một số đặc quyền dành cho người thực hiện công việc đáng sợ này, ví dụ lấy thực phẩm miễn phí từ hàng rong ở chợ. Thêm nữa, chính quyền thường cho đao phủ chỗ ở miễn phí, miễn trừ nhiều loại thuế phí.

Những khoản phụ cấp nhỏ này nhằm bù đắp cho sự cô lập của xã hội với đao phủ - và buộc họ phải tiếp tục làm việc.

Xử tử thị chúng thất bại, đao phủ sẽ bị kết tội (Ảnh: Public Domain)

Mặc dù xử tử có vẻ không đòi hỏi nhiều ngoài sức mạnh và sự man rợ, nhưng thực tế, người hành quyết cần trình độ chuyên môn tương đố cao để thực hiện trơn tru. Bởi nếu thất bại, anh ta không chỉ bị buộc tội vì bất tài mà còn vì tàn ác.

Ở một số vùng, đao phủ bị giới hạn ba nhát cho một vụ chém đầu – và nếu quá nhiều lần vung đao gây nên cảnh tượng ghê rợn, có thể có hậu quả nghiêm trọng. Đôi khi, đao phủ hành quyết thất bại bị đám động giận dữ tấn công. Nếu có may sống sót, chính quyền sẽ phạt anh ta bằng cách giữ lại tiền công, cầm tù hoặc sa thải.

Rõ ràng đây là động lực mạnh mẽ để đao phủ vung rìu càng nhanh gọn càng tốt. Đồng nghĩa, làm nghề này phải có hiểu biết về cơ thể người, trái với quan điểm thông thường, đao phủ là đám "tứ chi phát triển". Lịch sử cho thấy tỷ lệ đao phủ biết đọc, biết viết cao so vơi các thành viên thuộc tầng lớp xã hội của họ.

Với kiến thức cơ bản về giải phẫu, trớ trêu thay, một vài đao phủ có thể "thăng cấp" lên làm bác sĩ. Điều này dẫn đến nghịch lý: Những người không muốn mời đao phủ đến nhà, lại đến nhà đao phủ để chữa trị. Trong trường hợp Frantz Schmidt, số người được anh chữa lành nhiều hơn số bị hành quyết. Thêm nữa, chính Schmidt viết sẽ làm bác sĩ nếu không bị buộc làm đao phủ.

Rõ ràng đao phủ Trung Cổ không phải đám vũ phu khát máu. Thay vào đó, họ là những người bình thường bị ép buộc làm công việc mà không ai muốn làm – thiết yếu để giữ gìn trị an, kỷ cương.

 

  •  

Có một nốt chấm khác thường trong câu chuyện của Frantz Schmidt. Xuyên suốt sự nghiệp của mình, anh giành mức độ tôn trọng lạ lùng nhờ nổi tiếng chuyên nghiệp. Cậu thanh niên đó được bổ nhiệm làm đao phủ chính thức của thị trấn Bamberg, Bavaria. Anh có mức lương hậu hĩnh và cuộc sống thoải mái với gia đình trong ngôi nhà lớn.

Tuy nhiên, anh vẫn bị kỳ thị vì công việc và không muốn truyền lại số phận này cho con cái mình. Khi nghỉ hưu ở tuổi 70, Schmidt đã thành công "giải phóng" các con trai của mình khỏi nghiệp đao phủ và theo đuổi lý tưởng của chúng.

 

Link nguồn: http://helino.ttvn.vn/kham-pha/cuoc-song-cua-mot-dao-phu-thoi-trung-co-se-dien-ra-nhu-the-nao-820192011204629345.htm

Theo ttvn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU