Đã có không ít ca đuối nước thương tâm: Đây là những gì cần làm để tránh tai nạn đuối nước khi cho trẻ đi bơi

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, tai nạn đuối nước cũng có thể xảy ra khi trẻ vô tình bị ngạt nước ngay tại nhà do ngã vào xô, chậu nước, bồn cầu… hoặc ngã xuống ao hồ, sông ngòi khi mải chơi, chạy nhảy trên bờ.

Tai nạn đuối nước có thể tấn công con bạn dù trẻ biết bơi hay không biết bơi

Vào những ngày nắng nóng đỉnh điểm hiện nay, trẻ nhỏ rất thích đến những khu vực được bơi lội, vầy nước. Với trẻ được đi học bơi thì điều này càng kích thích trẻ, là thú vui của trẻ mỗi khi hè về.

Tuy nhiên, việc đi bơi mùa hè ẩn chứa rất nhiều nguy cơ đuối nước mà trẻ không có ý thức nhận ra. Có rất nhiều vụ đuối nước khi đi bơi mùa hè dẫn đến những tai nạn thương tâm nhiều năm trước nhắc nhở chúng ta không được bỏ qua tai nạn đuối nước khi con trẻ đi bơi mùa hè.

Đuối nước là câu chuyện thường xuyên xảy ra với trẻ nhỏ khi đi bơi mùa hè.

Mới vài ngày trước, tai nạn thương tâm của 2 anh em họ ở Nghệ An đi câu cá bị chết đuối khiến người đọc không khỏi đau xót. Vụ việc xảy ra vào chiều tối ngày 15/5, 2 em Nguyễn Hữu Nam (7 tuổi, ngụ xã Nam Xuân) và Hoàng Phi Bảo (7 tuổi, ngụ xã Nam Lĩnh) rủ nhau đi câu cá nhưng không thấy về, gia đình tổ chức đi tìm. Đến 20 giờ cùng ngày, thi thể em Bảo được tìm thấy cách bờ vài chục mét. 2 tiếng đồng hồ sau, thi thể em Nam cũng được người thân đưa lên bờ.

Trước đó, vào tháng 3, chúng ta cũng phải đau lòng hay tin 8 trẻ tử vong do đuối nước ở Hòa Bình. Theo đó, 10 học sinh tại khu vực sông Đà này có khả năng bơi tốt, thấy trời nóng, mấy anh em rủ nhau ra sông Đà thuộc địa phận phường Thịnh Lang để tắm. Các cháu vừa tắm vừa đùa nghịch với bóng dưới nước. Sau chừng 15 phút, quả bóng bất ngờ bị dòng nước đẩy ra xa. Cùng lúc này, cả 10 cháu nhỏ có dấu hiệu đuối nước nên hò nhau bơi vào bờ nhưng chỉ 2 bé thoát nạn.

Đó chỉ là một vài trong số nhiều trường hợp trẻ bị đuối nước thương tâm. Ngoài nguy cơ đuối nước, theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai), trẻ có thể bị ngạt nước ngay tại nhà do ngã vào xô, chậu nước, bồn cầu… hoặc ngã xuống ao hồ, sông ngòi khi mải chơi, chạy nhảy trên bờ… Do vậy, cha mẹ cần hết sức cảnh giác và trông chừng con cẩn thận.

Chủ động phòng chống đuối nước, không chủ quan ngay cả khi biết bơi

Đối với trẻ nhỏ

Để chủ động phòng ngừa đuối nước ở trẻ em, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp sau:

- Làm cửa chắn và rào chắn quanh nhà nếu nhà ở gần vùng sông nước, ao hồ...

- Làm rào chắn quanh ao, hố nước, rãnh nước gần nhà nơi trẻ dễ tiếp cận và có nguy cơ bị đuối nước.

Cho trẻ tham dự các lớp học kiến thức an toàn dưới nước, lớp học bơi và kỹ năng sống sót, lớp sinh hoạt hè do địa phương tổ chức để phòng tránh đuối nước.

- Đặt biển cảnh báo ở những nơi có nguy cơ gây đuối nước (hồ, ao, mương, máng, sông, ngòi, vùng nước xoáy…).

- Sử dụng nắp đậy bằng vật liệu cứng, an toàn cho bể nước, giếng khơi, dụng cụ chứa nước (lu nước, thùng nước, chậu nước, bồn tắm,…)

- Giám sát kỹ trẻ khi đến khu vực có nước và không để trẻ dưới 6 tuổi ở một mình trong bồn tắm.

- Đưa trẻ đi học trong mùa mưa lũ, đặc biệt khi phải đi qua suối, sông.

- Cho trẻ tham dự các lớp học kiến thức an toàn dưới nước, lớp học bơi và kỹ năng sống sót, lớp sinh hoạt hè do địa phương tổ chức.

- Mặc áo phao cho trẻ khi tham gia các phương tiện giao thông đường thủy (tàu, xuồng, thuyền, đò,…).

- Khi gặp trẻ đuối nước cần gọi người hỗ trợ, chỉ cứu trẻ bị đuối nước nếu biết bơi và biết cách cứu đuối.

Đối với trẻ lớn và người lớn

- Không nên nhảy xuống vùng nước mà không biết nơi đó nông hay sâu, có lối thoát khi gặp nguy hiểm hay không.

- Khi đi bơi nên đi chung với những người bơi giỏi và nên mang theo phao khi đi bơi và đi tàu thuyền.

- Không ăn no, không uống rượu trước khi xuống nước.

- Chỉ đi bơi ở các hồ bơi bảo đảm an toàn và có nhân viên cứu hộ giám sát.

Chỉ cho trẻ bơi ở những khu vực được nhận định an toàn, có đội ngũ bảo hộ sẵn sàng ứng cứu.

Nếu chẳng may thấy có nạn nhân bị đuối nước, chúng ta cần thực hiện các kỹ năng sơ cứu đuối nước càng nhanh càng tốt trong lúc đợi xe cấp cứu đến đưa nạn nhân vào bệnh viện để cứu sống kịp thời.

 

Chuyên gia đặc biệt khuyến cáo, nếu đuối nước, đặc biệt ở nơi sông ngòi hồ ao, sau khi cấp cứu ban đầu, kể cả thở được dứt khoát phải đưa đến cơ sở y tế vì phù phổi cấp tổn thương nó sẽ xảy ra ngay sau đó khoảng vài giờ.

Nếu đến bệnh viện, chụp phổi sẽ phát hiện ra phù phổi để điều trị kịp thời. Phù phổi tiến triển rất nhanh, như "nước thủy triều dâng", vì vậy hết sức nguy hiểm, không được chủ quan.

Theo ttvn.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU