Bác sĩ "choáng" khi nhận điều trị cho gia đình 15 F0
Chị T. M. quận 6, TP.HCM kể, gia đình chị có bà nội, ba mẹ chị, các cô chú sống sát nhà nhau và từ 25/8 bắt đầu có người dương tính với SARS-CoV-2, sau đó lần lượt 15 người cùng nhiễm. Người cao tuổi nhất là bà nội chị M, nhỏ tuổi nhất là 1 tuổi.
Nỗi lo của cả nhà dâng lên gấp bội vì trong họ mạc cũng có mấy người qua đời vì Covid-19. Bản thân bà nội chị M, 80 tuổi, có bệnh nền khi biết mình mắc Covid-19 bà chỉ khóc. Ai nói gì bà cũng khóc vì sợ mình tiến triển nặng. Bản thân bà cũng nghĩ mình không qua khỏi.
Y tế phường đến phát thuốc và hướng dẫn có thể đưa bà đến bệnh viện dã chiến. Cả đại gia đình lại lo lắng nếu bà đi không ai chăm sóc. Ở nhà còn có con cháu chăm sóc sẽ tốt hơn. Sau khi suy nghĩ, cả nhà đã quyết định xin cách ly tại nhà hết. Người khoẻ chăm người yếu hơn. 15 người dương tính, ai cũng có triệu chứng từ nhẹ tới nặng.
Tin nhắn của M. xin bác sĩ tư vấn.
Chị M. liên hệ với PGS Đỗ Quang Hùng – Nguyên bác sĩ BV Chợ Rẫy xin giúp đỡ tư vấn. Bà nội chị M. cũng bị tụt oxy máu và được theo dõi thở oxy tại nhà. Ai sốt cho sử dụng hạ sốt, tiêu chảy uống thuốc cầm tiêu chảy. Cứ như thế, mọi người cố gắng chia sẻ hỗ trợ nhau dùng thuốc. 5 ngày xét nghiệm 1 lần. Ai âm tính lại chuyển sang nhà bên cạnh và người dương tính ở lại chăm nhau.
Người cuối cùng dương tính đó là bố chị M. Chị M. tâm sự bố chị có bệnh nền từng 6 lần phẫu thuật nên khi biết ông dương tính ai cũng hốt hoảng. Chị M. mất ngủ không tài nào ngủ nổi chỉ sợ điềm xấu đến với gia đình mình.
Bố chị M. bị rối loạn đông máu. Toàn thân ông tê bì. Chị M. được bác sĩ hướng dẫn mua thuốc kháng đông, kháng viên về uống.
Suốt 1 tuần điều trị kháng đông, kháng viêm, cuối cùng hai người bị nặng nhất của cả nhà cũng âm tính. Mọi người khác nhẹ hơn cũng đều tiến triển tốt.
Vượt qua Covid-19, chị M.tâm sự, tình thân, sự chăm sóc của người thân chính là động lực cho các thành viên trong gia đình cùng vượt qua. Ai triệu chứng nhẹ thì động viên người bị nặng, chăm sóc nhau, ăn cùng ăn, ngủ cùng ngủ, thuốc bổ cùng chia nhau. Nếu trường hợp phải đi cách ly không có người thân bên cạnh, chị M không dám nghĩ có xảy ra chuyện gì không.
PGS Hùng cho biết, khi thấy chị M. xin tư vấn và đưa ra con số 15 F0, bản thân bác sĩ Hùng cũng choáng vì Covid-19 đợt này hầu như các gia đình đều nhiễm hết.
Bác sĩ Hùng lần lượt tư vấn cho từng người 1. Các triệu chứng cùng với chỉ số Spo2 được đo hàng ngày 3 lần đều được bác sĩ Hùng quan sát. PGS Hùng cho biết các bệnh nhân này đều phải đo Spo2 đúng, đo 30 giây rồi gửi để bác sĩ tư vấn.
Vừa tư vấn tổng đài, vừa điều trị bệnh nhân qua Facebook, Zalo
PGS Đỗ Quang Hùng chia sẻ suốt hơn 1 tháng qua ông tham gia tư vấn qua tổng đài 1022 phím 3 vào thứ 2, 4, 6. Còn lại hàng ngày, PGS Hùng tranh thủ tư vấn cho F0 qua Facebook, qua điện thoại, zalo. Hàng rất nhiều gia đình 3, 4 thế hệ, 12 người, 15 người cùng nhiễm Covid-19. Khi họ tìm tới BS Hùng tâm trạng của ai cũng lo lắng, sợ hãi. Có gia đình có bệnh lý nền, cũng có gia đình cả nhà chưa ai được tiêm vắc xin.
Theo PGS Hùng, đa số bệnh nhân Covid-19 được theo dõi ngay từ đầu đều lướt qua an toàn, 1 số người già, bệnh lý nền trở nặng có khó thở nhưng đều không nguy kịch. Vì vậy, PGS Hùng cho biết, quan trọng nhất của bệnh nhân Covid-19 là theo dõi ngay từ sớm, theo dõi sát từ uống thuốc, triệu chứng hàng ngày. Nếu ổn định hầu như qua 14 ngày đều âm tính, 1 số có thể kéo dài 21 ngày.
Ngoài ra, bên cạnh phác đồ xương sống của Bộ Y tế, ông cũng tranh thủ xem các phác đồ điều trị của Mỹ, của Ấn Độ. BS Hùng thường cho bệnh nhân uống kháng viêm, kháng đông 1 tuần (dù Bộ Y tế khuyến cáo 3 ngày). Nếu người bệnh uống kháng viêm, kháng đông 1 tuần theo dõi chặt hiện tượng xuất huyết thì hầu như không có biến chứng gì.
Vì vậy, PGS Hùng cho rằng việc sử dụng thuốc kháng đông, kháng viêm cực kỳ quan trọng cho bệnh nhân Covid-19. Tuy nhiên, nhiều gói thuốc được cấp cho bệnh nhân không có thuốc này nên bác sĩ phải hướng dẫn F0 mua dự phòng trước bất cứ khi nào chỉ số oxy máu tụt là có thể sử dụng ngay.
Khi 'ăn ngủ' online cùng F0, bác sĩ Hùng cho biết, ông cũng gặp đủ tình huống vui có, buồn có nhưng đa số những tin vui giữa đại dịch. Với ông, niềm vui lan toả thì những người mắc Covid-19 cũng bình tĩnh hơn.
Theo soha.vn