Phản ánh tới báo Tiền Phong, một số người dân tại xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình cho biết, từ ngày 8/10 quanh khu vực suối đầu nguồn gần nhà máy nước sạch Sông Đà xuất hiện dầu nhớt đã qua sử dụng, có mùi khét rất khó chịu.
Do trời mưa lượng dầu này tràn xuống nước của dòng suối đầu nguồn, sau đó tiếp tục chảy vào hồ Đồng Bài gây ô nhiễm nước.
Tại hiện trường, dù trời vừa mưa xong nhưng dòng suối vẫn có mùi khét lẹt. Anh L (người dân xã Phú Minh) cho biết, mấy ngày nay dòng suối bị chất lạ đổ vào khiến nước ô nhiễm nghiêm trọng.
Đàn cá trắm, cá chép tổng số lên đến gần 1 tấn của anh chết nổi trắng hồ, chưa kể số ba ba nuôi trong bể, ước tính thiệt hại lên đến 70 triệu đồng.
Cách đó một đoạn, hàng chục người dân xóm Vật Lại, xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn tỏ ra vô cùng bức xúc vì nước suối bị ô nhiễm.
Người dân tại đây cho biết, từ ngày 9/10, Cty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) đã thuê khoảng 50 người dân vớt dầu loang trên bề mặt nước. “Dầu này rất lạ, có mùi khét và không thể giặt sạch. Mỗi lần vớt xong là chúng tôi phải bỏ quần áo”, một người dân nói.
Sống trong lo lắng
Đã bốn ngày kể từ khi người dân các quận Hà Đông, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân... phản ánh nước sạch sông Đà có mùi hóa chất nồng nặc, khét như mùi nhựa cháy.
Đến sáng 13/10, mùi tuy đã giảm bớt nhưng nước sinh hoạt của nhiều khu cư dân vẫn còn mùi, do đó người dân vẫn chưa thể yên tâm sử dụng nguồn nước máy.
Các cơ quan chức năng của Hà Nội đã lấy mẫu tại một số khu vực xảy ra sự cố để phân tích, tuy nhiên phải đến tuần sau mới có kết quả, trong khi người dân vẫn phải sống chung với nước sinh hoạt nặng mùi hóa chất.
Anh Cường, cư dân ở chung cư VP 5 bán đảo Linh Đàm (quận Hoàng Mai) cho biết, từ tối 10/10 đến giờ nước chuyển sang mùi khét như vỏ dây điện bị đốt. Mùi này cũng tương tự mùi keo dán ống nhựa.
Nhiều cư dân tòa nhà VP3, VP5 và HH ở khu vực Linh Đàm cũng cho biết do nước máy có mùi khét nồng nặc nên họ phải sử dụng nước sau khi đã lọc qua bằng máy lọc nước để đánh răng, rửa mặt buổi sáng.
Cũng tại khu đô thị Linh Đàm, cư dân chung cư HUD3 phải bỏ tiền mua nước và chuyển bằng xe téc đến để dùng trong ăn uống.
Có gia đình bỏ ra gần triệu đồng để mua nước đóng chai về nấu ăn. Một số người có con học tại Trường tiểu học Chu Văn An đã thống nhất với hội phụ huynh mua nước chở bằng xe téc đến trường để nấu ăn cho học sinh.
GS.TS Trần Hiếu Nhuệ, nguyên Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và Công nghệ Môi trường cho biết, đường ống nước sạch sông Đà đã hơn 20 lần bị vỡ, rò rỉ do chất lượng ống và việc thi công không đảm bảo chất lượng.
GS Nhuệ đặt câu hỏi trong mỗi lần sửa chữa đường ống bị vỡ đó, đơn vị sửa chữa có súc rửa đường ống theo đúng quy trình hay không. Nếu không có thể ảnh hưởng đến chất lượng nước sạch.
Về vấn đề nguồn nước đầu nguồn bị đổ dầu gây ô nhiễm, GS Nhuệ cho rằng, nếu xảy ra thì vô cùng nguy hiểm. Theo ông, phải dùng nhiều giải pháp khoa học hiện đại để xử lý chứ không thể sử dụng mỗi clo.
Ngoài ra, việc bảo vệ nguồn nước mặt là vô cùng quan trọng, phải có biện pháp xử lý mạnh tay, đủ sức răn đe.
Trước đó, ngày 12/10, Viwasupco đã có văn bản cho hay ngày 11/10, công ty này cùng đại diện của Viwaco (đơn vị mua nước sạch từ Viwasupco bán trực tiếp tới các hộ tiêu dùng) đã lấy mẫu tại điểm cấp nước đồng hồ DN1200 BigC. Việc kiểm tra chất lượng nước có thể sẽ cần một khoảng thời gian nhất định.
Công ty này cam kết sau khi nhận được kết quả thử nghiệm chất lượng nước sạch của cơ quan chức năng sẽ thông báo ngay đến người dân và cơ quan chức năng.
Theo Trí Thức Trẻ