Đang nắng nóng chuyển sang mưa rào, cẩn trọng để tránh những bệnh này ở cả người lớn và trẻ em

Những trận mưa rào sau bao ngày nắng nóng có thể khiến người ta thấy dịu mát và dễ chịu hẳn đi. Nhưng hãy coi chừng, sự thay đổi thời tiết như vậy hoàn toàn có thể khiến bạn bị bệnh đấy.

Những ngày vừa qua người dân các tỉnh miền Bắc chịu cảnh nắng nóng đỉnh điểm tới mức chỉ mong có được một trận mưa rào cho mát mẻ. Và rồi đúng là "trời chiều lòng người", những trận mưa đến làm cho bầu không khí dịu hẳn lại. Thế nhưng, ít ai biết rằng, từ nắng nóng gay gắt chuyển sang mưa cũng dễ làm bùng phát bệnh. Những người có sức đề kháng kém như người già, trẻ em, người bị bệnh mạn tính... càng dễ mắc một số bệnh hơn.

Nắng nóng chuyển sang mưa khiến trẻ nhỏ dễ mắc bệnh đường hô hấp, người lớn dễ bị cảm cúm

Khi thời tiết thay đổi đột ngột, cơ thể chúng ta. đặc biệt trẻ nhỏ không thích nghi kịp nên cũng hay mắc bệnh ở đường hô hấp, cảm ho, sổ mũi, viêm họng. Ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi thường bị viêm tiểu phế quản, biểu hiện thường thấy là trẻ bị khò khè.

Theo Thạc sĩ-bác sĩ Lê Thị Phương Huệ (Bệnh viện Thanh Nhàn) mùa hè, nhiệt độ tăng cao, kèm theo những cơn mưa lớn tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, mầm bệnh, virus phát triển, kể cả các côn trùng như ruồi muỗi. Điều này dẫn đến nguy cơ lây lan cao các bệnh về đường hô hấp; bệnh liên quan đến tiêu hóa; bệnh từ muỗi như viêm não Nhật Bản, sốt xuất huyết... Ngoài ra, viêm da, dị ứng cũng là các bệnh dễ mắc trong thời tiết oi bức mùa hè. Trong đó, trẻ nhỏ là đối tượng rất dễ mắc các bệnh trên do sức đề kháng còn yếu. Khi môi trường có sự thay đổi đột ngột, cơ thể trẻ không kịp thích nghi dẫn đến nguy cơ nhiễm bệnh.

"Mặt khác, với những cơn mưa này sẽ làm các bệnh liên quan đến đường hô hấp như cảm cúm, ho, viêm phế quản, viêm xoang… là những bệnh rất hay gặp ở trẻ nhỏ trong mùa hè", bác sĩ Lê Thị Phương Huệ cho biết thêm.

Với người lớn, khi đi ra ngoài nếu bị dính nước mưa cũng rất dễ bị cảm cúm, người bị cảm cúm thường sốt cao từ 38-39 độ C kèm theo mệt mỏi toàn thân và đau nhức cơ thể, sổ mũi. Triệu chứng bệnh thường dồn dập và đột ngột, tăng nhanh chóng trong khi cảm lạnh thường tiến triển chậm và dễ chữa khỏi bằng các chế độ chăm sóc đúng cách.

Cảm cúm rất dễ dàng lây lan cho người khác hơn là cảm lạnh. Bệnh cảm cúm không có thuốc đặc trị do virus gây ra mà thường được chỉ định các loại thuốc nhằm điều trị triệu chứng. Cảm cúm thông thường sẽ thường tự khỏi sau khoảng 5-7 ngày.

Tuy nhiên, nếu bệnh càng tiến triển nặng thêm kèm theo các biểu hiện khác như sốt liên tục, đau khi nuốt, đau đầu và tắc mũi không khỏi, khó thở, buồn nôn… thì nên đi khám ngay.

Cần đề phòng thời tiết "sáng nắng, chiều mưa"

Để phòng tránh các bệnh trong điều kiện thời tiết "sáng nắng, chiều mưa" như hiện nay, các chuyên gia khuyến cáo, phụ huynh cần cho trẻ tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch để nâng cao sức đề kháng chống lại các virus, vi khuẩn có hại. Bên cạnh đó, phụ huynh nên rèn cho trẻ thói quen rửa tay hàng ngày bằng xà phòng, xà bông có khả năng diệt khuẩn để nâng cao khả năng phòng bệnh.

Khi trời mát chúng ta hạn chế cho trẻ nằm điều hòa, bởi nếu trẻ nhỏ nằm điều hòa cả ngày kéo dài có thể gây nên các bệnh đường hô hấp vì khi đó, các niêm mạc mũi của trẻ dễ bị khô, yếu, tạo điều kiện cho các loại virus, vi khuẩn xâm nhập. Do đó, với những gia đình có điều hòa, ban đêm, nếu nhiệt độ ngoài trời dịu mát, bố mẹ không nhất thiết phải sử dụng thiết bị này, chỉ nên bật điều hòa khi thời điểm nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, còn thời điểm mát hơn thì nên mở cửa thoáng. Nên để nhiệt độ phòng từ 27-29 độ C, không để chênh lệch nhiều quá so với môi trường để tránh trường hợp trẻ bị sốc nhiệt.

Mặt khác, cha mẹ cần bổ sung cho trẻ đầy đủ các chất dinh dưỡng để trẻ phát triển khỏe mạnh. Cho trẻ ăn nhiều trái cây tươi và uống đủ lượng nước cần thiết. Hạn chế cho trẻ uống nhiều các loại nước ngọt đóng chai, nhất là các loại nước có gas. Không cho trẻ ăn các loại đồ ăn bảo quản quá lâu trong tủ lạnh hoặc ăn các loại thức ăn bày bán tràn lan ngoài vỉa hè, lề đường, nguy cơ chứa nhiều vi khuẩn gây hại.

Người lớn cũng cần tăng cường nâng cao thể trạng cơ thể là một cách bảo vệ mình trước nguy cơ bệnh tật quan trọng nhất. Hãy ăn uống đủ chất, uống nhiều nước và tăng cường luyện tập thể dục thường xuyên. Cần chú trọng bổ sung dinh dưỡng bằng cách ăn các loại rau xanh, trái cây giàu vitamin A, C, E, canxi, khoáng chất, chất xơ giúp tăng cường hệ miễn dịch, phòng chống bệnh hiệu quả.

Một cách phòng bệnh do thời tiết thất thường mà nhà nào cũng cần thực hiện là dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng nhằm khử sạch vi khuẩn, virus gây bệnh có điều kiện sinh sôi. Đặc biệt, nhà ở cần phải thoáng gió, khô ráo, tránh ẩm thấp để vi khuẩn, virus không trú ngụ và gây thêm bệnh.

 

Theo Trí thức trẻ

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU