Người mẹ bị trầm cảm sau sinh rất cần có sự quan tâm, giúp đỡ và yêu thương của mọi người xung quanh. (Ảnh minh họa)
Tôi cảm thấy có lỗi rất lớn với L. Trước kia, tôi và L thân thiết, nhưng từ khi sinh H, tôi không còn chút thời gian nào cho bản thân chứ đừng nói đến cho L. Nó trở nên lặng lẽ như một cái bóng, lúc nào cũng bị ăn quát, nếu nó cãi lại thì tôi nổi xung lên. Có lúc, tôi đối xử với L như một con quỷ dữ, một con thú bị thương, sẵn sàng tấn công kẻ khác. Tôi chọn những từ ngữ khó nghe nhất để làm con bé tổn thương.
Đã hơn hai lần, tôi lao vào bóp cổ L, vừa bóp, tôi vừa thấy mình giống một con ma cà rồng. Nước mắt L chảy ra, nhưng nó nín nhịn. Đứa trẻ mười tuổi chấp nhận nỗi đau nó có một người mẹ điên, không phản kháng. Khi bình tĩnh lại, tôi khóc lóc xin con tha thứ. L chấp nhận nhưng tôi biết nó buồn. Mãi rồi nó cũng quen với việc mẹ gây ra tội rồi lại xin lỗi. Tôi đã làm những điều khủng khiếp với đứa con gái mà tôi yêu thương suốt mười năm qua. Tôi nhu nhược tới mức nhún nhường với bà giúp việc, mong giữ hòa khí với nhà chồng (bởi bà thường xuyên gọi điện về quê để nói xấu tôi), nhưng lại tự làm tổn thương mình và con.
Cơn trầm cảm của tôi vẫn đeo bám thì dịch Covid bắt đầu. Đầu dịch, chồng tôi vẫn gửi tiền về quê để xây một cái nhà thật to, to nhất xóm, để khoe mẽ. Mấy tháng sau, anh ta phá sản. Một tay trông con bé, một tay lo con lớn đang nghỉ hè cần mẹ chơi cùng, tôi lao vào tìm việc. Việc khan hiếm, tôi đã lại gần 40, việc thấp không đành, việc cao không tới vì vướng con nhỏ. Tôi co rúm người lại, nghĩ mình vô dụng. Thèm được giao tiếp, thèm có kết nối, nhưng tôi thui thủi, không dám tiếp xúc hay nhắn tin với ai. Bạn bè dần xa lánh vì trong tôi đầy tiêu cực, xấu xí, mà họ chỉ muốn nói những chuyện nhẹ nhàng, vui vui.
Tôi bấu víu vào một anh trước kia tôi đã từng có nhiều tình cảm nhưng không có duyên đến với nhau, nhưng anh ấy cũng sợ hãi lánh đi. Có lúc tôi căm ghét bản thân tới mức muốn chết đi cho xong, rồi tôi lại nhìn con để ép mình cố gắng. Cứ lên lên, xuống xuống như vậy suốt. Tôi đọc về chứng trầm cảm, cả tiếng Anh và tiếng Việt, tôi tự xếp loại mình vào loại tương tối nặng. Tôi không muốn uống thuốc, vì đang cho con bú. Tôi cũng chẳng biết chuyên gia tâm lý nào, và không có tiền để đi trị liệu. Tôi biết là tôi cần những quan hệ yêu thương để được chữa lành, nhưng tôi không có chúng. Cả ngày tôi chỉ quanh quẩn với con, bên ngoài là dịch bệnh.
Sáu giờ chiều, sau khi dọn bãi chiến trường do H gây ra, tôi bế con nhìn ra cửa sổ. Trời tháng Tám âu sầu ảm đạm. Tôi vẩn vơ nghĩ về một ngày không xa, ba mẹ con sẽ dắt nhau lên những chuyến bay sạch Covid, đến những nơi thật đẹp, thật vui. Tôi sẽ chuộc hết lỗi lầm tôi đã gây ra cho L, cho H, và cho mình.
Chẳng biết bao giờ nhỉ, khi nào thì cái ngày tươi sáng đó sẽ đến?".
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang là người Áo gốc Việt, hiện là Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng (CECODES) tại Hà Nội. Ông là một nhà hoạt động xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực truyền thông về các xu hướng xã hội, tư pháp và phát triển.
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang tích cực tham gia sáng lập các diễn đàn mở là không gian hoạt động của xã hội dân sự, đối thoại, phổ biến kiến thức và các cuộc thảo luận mang tính phản biện. Ông còn là tác giả các cuốn sách: Điểm đến của cuộc đời (2018), Thiện, Ác và Smartphone (2017) và Bức xúc không làm ta vô can (2015).