Theo số liệu cập nhật của Bộ Y tế, tính tới ngày 12/8, tổng số liều vắc xin Covid-19 đã được tiêm là 12.098.821 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 11.006.121 liều, tiêm mũi 2 là 1.092.700 liều.
Hiện Việt Nam đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho 6 loại vắc xin phòng Covid-19. Trong đó, vắc xin AstraZeneca có số lượng phân bổ nhiều nhất.
Khi tiêm vắc xin AstraZeneca nhiều người thường tỏ ra lo ngại trước những tác dụng không mong muốn.
Theo BS Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng Trẻ em và Người lớn VNVC, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định, vắc xin Covid-19 an toàn và hiệu quả trong việc bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công, biến chứng và tử vong do virus SARS-CoV-2.
Tiêm vắc xin cho công nhân, nhân viên tại Khu công nghệ cao TP HCM - Ảnh Việt Hùng.
Việc gặp phản ứng sau tiêm là dấu hiệu tốt cho thấy cơ thể đang được bảo vệ. Điều này có nghĩa là vắc xin đang hoạt động và hệ thống miễn dịch đang đáp ứng một cách bình thường.
Bác sĩ Chính cho biết, các tác dụng sau khi tiêm vắc xin AstraZeneca đều ở mức độ từ nhẹ đến trung bình và đều sẽ tự hết trong vài ngày.
- Phản ứng phụ rất thường gặp (≥10%): Tác dụng phụ tại vị trí tiêm (phản ứng tại chỗ tiêm); Tăng cảm giác đau; Đau; Nóng; Đỏ; Ngứa; Sưng.
Các tác dụng phụ toàn thân (phản ứng toàn thân): Cảm thấy không khỏe (khó chịu); Mệt mỏi; Ớn lạnh hoặc cảm thấy sốt (nhiệt độ không rõ); Đau đầu; Buồn nôn; Đau khớp hoặc đau cơ.
- Tác dụng phụ thường gặp (1-10%): Sốt (nhiệt độ đo được từ 38° C/100.4° F trở lên).
Bác sĩ Chính lưu ý: "Theo dõi các phản ứng sau tiêm tối thiểu 30 phút tại cơ sở tiêm chủng là nguyên tắc cần phải tuân thủ sau tiêm vắc xin, áp dụng với tất cả các loại vắc xin Covid-19, vì đây là khoảng thời gian có thể xuất hiện các biến chứng sau tiêm vắc xin Covid-19 sớm và nặng, như phản ứng phản vệ.
Tại điểm tiêm chủng, các trường hợp phản ứng phản vệ cần được phát hiện và điều trị sớm cũng như phải được chăm sóc, theo dõi và điều trị tích cực tại các cơ sở y tế.
Trong trường hợp đã về nhà, người được tiêm chủng cần tự theo dõi trong 7-28 ngày nhằm phát hiện các biểu hiện của phản ứng phản vệ, đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời".
Thành phần vắc xin AstraZeneca bao gồm một hoạt chất và các tá dược, cho phép vắc xin được sử dụng dưới dạng tiêm. Vắc xin không sử dụng chất bảo quản và các thành phần tá dược có vai trò giữ ổn định vắc xin (ngăn không cho vắc xin bị biến đổi).
-
Đại diện WHO tại Việt Nam: 7 loại vắc xin Covid-19 có hiệu quả tốt ngăn ngừa biến chủng Delta
-
Vắc xin Sinopharm hiệu quả thế nào? Đối tượng nào hoãn tiêm và không nên tiêm?
-
BS Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM: Những loại thuốc được dùng và tuyệt đối không được dùng sau khi tiêm vắc xin Covid-19
Bác sĩ Chính cho hay, AstraZeneca là vắc xin mới nên chưa có thời gian để xác nhận việc bảo vệ kéo dài trong bao lâu. Theo khuyến cáo, vắc xin phòng Covid-19 của Astrazeneca được tiêm đủ 2 mũi.
"Với các biến chủng virus SARS-CoV-2 nguy hiểm hiện nay, việc tiêm đầy đủ cả hai liều vắc xin Covid-19 của AstraZeneca là rất cần thiết để tránh virus xâm nhập vào cơ thể", bác sĩ Chính nói.
Bộ Y tế khuyến cáo, không phải tất cả mọi người đều cho đáp ứng miễn dịch giống như nhau. Với hầu hết các vắc xin, tỷ lệ bảo vệ không bao giờ là tuyệt đối 100%. Do đó, vẫn có sự lây nhiễm đối với người đã tiêm đủ vắc xin phòng Covid-19.
Bác sĩ Chính lưu ý: "Sau khi tiêm vắc xin, kể cả 1 mũi hay đủ 2 mũi, người được chủng ngừa vẫn phải thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm theo thông điệp 5K của Bộ Y tế bao gồm: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế và vắc xin".
Theo soha.vn