Trẻ cần ghi nhớ số điện thoại cần thiết, bao gồm của cha mẹ. Ảnh minh họa.
Hạn chế rủi ro
Trong xã hội tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, việc hướng dẫn trẻ bảo vệ bản thân khỏi những kẻ lạm dụng tình dục là vô cùng quan trọng. Theo Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM), tổ chức bảo vệ trẻ em tại Anh NSPCC đã kêu gọi các phụ huynh nên dạy cho con mình quy tắc quần lót (PANTS rules).
Cụ thể, P – Private (Riêng tư) nói với trẻ rằng, không một ai có thể được nhìn hay chạm vào vùng kín của bé, trừ một số người như bác sĩ, y tá hay cha mẹ. Tuy nhiên, bác sĩ, y tá cần phải mặc đồng phục và đang trong giờ khám chữa bệnh. Trong trường hợp đó, bác sĩ, y tá cũng phải giải thích là họ chạm vào để làm gì và cần có sự đồng ý của con. A – Always remember your body belongs to you (Luôn nhớ cơ thể con thuộc về con) cho trẻ biết rằng, cơ thể thuộc về chính bé.
Không ai có quyền làm bất cứ điều gì với cơ thể bé mà khiến con khó chịu. Nếu ai cố tình, trẻ cần biết nói “Không”. Chữ N – No means no (Không là không) giúp trẻ nhận thức được rằng, con có quyền nói “không” với những động chạm bé không thích từ bất cứ ai, kể cả các thành viên trong gia đình.
T là Talk (Nói về những điều bí mật khiến con buồn). Cha mẹ giải thích cho con về sự khác biệt giữa những bí mật “tốt” và “xấu”.
Những câu như “Đây là bí mật của riêng hai chú cháu mình” thường của những kẻ lạm dụng khiến trẻ cảm thấy lo lắng và sợ không dám kể cho ai khác nghe. Những bí mật “tốt” có thể là món quà hay bữa tiệc. Những bí mật “xấu” là cái khiến con cảm thấy buồn, lo lắng, sợ hãi. Con cần nói ra.
Chữ cái cuối cùng là S – Speak up (Lên tiếng). Khi nào cảm thấy buồn, lo lắng, sợ hãi, trẻ nên lên tiếng với người mình tin tưởng, có thể nói với cha mẹ, hay chị gái, cô giáo…
Ngoài ra, cha mẹ cũng cần dạy trẻ một số kỹ năng khác để bé có thể tự bảo vệ bản thân. Cụ thể, từ 3 tuổi trở đi, trẻ nên tự tắm rửa, vệ sinh vùng kín. Nếu con đã nói “Không” mà ai đó vẫn có hành động “phạm quy” thì trẻ cần hét thật to, chạy ra chỗ khác, hoặc cắn, phản kháng lại người đó.
Trẻ cũng cần biết gọi đúng tên bộ phận cơ thể. Bởi, nếu lỡ có sự vụ xảy ra, khi trình báo và lấy lời khai, việc nói không chính xác tên bộ phận cơ thể sẽ giúp “hung thủ” dễ thoát tội. Cha mẹ cũng nên dạy con không ham quà, đòi đồ chơi, bánh kẹo. Trẻ không nên nhận bất cứ thứ gì người lạ đưa khi không có cha mẹ hoặc người thân ở đó. Khi con tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời, hoặc tập thể thao, cha mẹ nên dạy trẻ tránh mặc trang phục hở hoặc dễ làm lộ cơ thể.
Bên cạnh đó, những kỹ năng cần thiết khác để bảo vệ trẻ khi ở nhà một mình cũng vô cùng cần thiết. Cô Nguyễn Yến Nhi – Hệ thống giáo dục kỹ năng sống Cara nhận định, cha mẹ hãy dạy con những kiến thức cần thiết để đảm bảo an toàn và hạn chế rủi ro đáng tiếc.
Trẻ cần được nhắc nhở những kỹ năng như: Không tiếp khách; Không mở cửa cho bất cứ ai; Khóa tất cả các cửa; Không ra khỏi nhà; Chỉ trả lời điện thoại của người nhà; Trường hợp khẩn cấp gọi 113 hoặc cha mẹ; Hòa thuận với anh chị em; Không kể với bất kì ai là mình “đang ở nhà một mình”.
Ngoài ra, cha mẹ cũng cần lưu tâm đến việc dạy con các yếu tố an toàn như nắm vững những kỹ năng thoát hiểm. Đồng thời, dán danh sách số điện thoại khẩn cấp, bao gồm của các thành viên trong gia đình, hàng xóm và bạn bè đáng tin cậy, cả số của những nhân viên cấp cứu. Trẻ cũng nên nắm vững kỹ năng sơ cứu cơ bản.
Theo cô Trịnh Mai Chi - Trường Mầm non Bông Mai 2 (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), khi hướng dẫn trẻ những kỹ năng bảo vệ an toàn, cha mẹ hãy chọn cách nói chuyện, tâm sự với con thay vì những bài học khô khan. Như vậy, trẻ sẽ dễ dàng hiểu và ghi nhớ hơn những lời chỉ dạy của cha mẹ. Việc trò chuyện sẽ giúp cha mẹ tạo tiền đề là người bạn với con. Từ đó, giúp trẻ dễ dàng mở lòng chia sẻ những câu chuyện thầm kín hơn. Phụ huynh cũng nên chọn những khoảng thời gian diễn ra sinh hoạt thường ngày để trẻ cảm thấy gần gũi, đỡ áp lực hơn như: Lúc gấp quần áo, nhặt rau, ăn cơm…
Một lưu ý khác là cha mẹ không nên quát mắng khi trẻ sai. Thực tế, đây là lỗi thường mắc của đa số phụ huynh. Khi con làm sai, việc quát mắng sẽ không giúp trẻ giải quyết vấn đề, rút được kinh nghiệm, mà còn khiến bé sợ cha mẹ, tạo khoảng cách giữa 2 bên.
“Phụ huynh hãy giữ bình tĩnh và giải thích cho trẻ hiểu đâu là điểm sai, nguyên nhân dẫn đến việc đó. Đồng thời, chỉ hướng giải quyết, xử lý. Ở giai đoạn từ 3 - 6 tuổi, trẻ bắt đầu nhận biết về thế giới bên ngoài và luôn mong muốn được thể hiện bản thân. Do đó, trẻ sẽ thường mắc nhiều lỗi không đáng có. Các phụ huynh nên chỉ dạy trẻ làm quen với việc phân tích đâu là nguyên nhân dẫn đến kết quả. Lối tư duy này sẽ giúp trẻ biết cách hành động đúng hơn cho các tình huống thực tế”, cô Chi chia sẻ.
Cô Liên chia sẻ: “Ở lứa tuổi mầm non, hành vi và nhận thức giống như tờ giấy trắng. Khi gieo lên đó những mầm nhân cách nào thì nó sẽ hình thành thói quen đó cho trẻ sau này. Muốn trẻ hình thành được thói quen tích cực, cần phải thông qua trải nghiệm và thích nghi. Nếu chúng ta cứ bao bọc, không cho phép chúng có môi trường trải nghiệm thì làm sao trẻ có thể hình thành được thói quen tích cực cho bản thân”.