|
|
Các em học sinh đến từ 9 huyện của tỉnh Quảng Trị tham dự sự kiện |
Hoạt động do Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị, Hội đồng đội tỉnh và tổ chức Plan International Việt Nam hợp tác thực hiện nằm trong khuôn khổ chương trình nhằm thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em trong quá trình xây dựng và hoạch định các chính sách liên quan đến trẻ em, đặc biệt là trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa.
Trẻ em quan tâm vấn đề gì?
Tham dự sự kiện là 150 trẻ em trai và gái từ 9 huyện thị trong toàn tỉnh Quảng Trị, từ các dân tộc Vân Kiều, Paco và Kinh.
Tại buổi tiếp xúc, 25 câu hỏi, nguyện vọng của trẻ em, liên quan đến việc thực trạng thực hiện quyền trẻ em theo Luật Trẻ em đã được các em trình bày với Đoàn ĐBQH. Qua các câu hỏi có thể thấy các em đặc biệt quan tâm đến vấn đề rất nhiều học sinh bỏ học khi đang là học sinh cấp II để đi làm rẫy, kiếm tiền giúp gia đình hoặc lấy chồng; nguy cơ bị xâm hại tình dục và thiếu các chương trình trang bị kiến thức, kỹ năng phòng ngừa cho các em, cũng như kiến thức của cha mẹ trong vấn đề an toàn của trẻ em, thực trạng về tai nạn thương tích và thiếu các sân chơi cho trẻ em.
“Hiện nay ở nơi chúng cháu sinh sống đang xảy ra tình trạng tảo hôn ngày càng nhiều. Người lớn và trẻ em đều biết việc làm đó là trái quy định của pháp luật, tuy nhiên tình trạng đó vẫn tiếp tục xảy ra. Vậy các bác lãnh đạo phải có chính sách và biện pháp nghiêm khắc hơn để giải quyết tình trạng tảo hôn trên không ạ?” – em Hồ Thị Hữu ở huyện Hướng Hóa, Quảng Trị hỏi.
Quan tâm đến vấn nạn bạo lực học đường, em Đỗ Hoàn Gia Trí ở TP Đông Hà đặt câu hỏi: “Hiện tại những vụ bạo lực học đường xảy ra rất nhiều, nghiêm trọng và ngày càng phổ biến tại các trường học. Các bác có kế hoạch, biện pháp như thế nào để hạn chế tình trạng bạo lực ở học đường không ạ?”.
Đến từ huyện Đakrông xa xôi, em gái người dân tộc Pako Hồ Thị Vai cho biết ở nơi em sinh sống xảy ra hiện tượng các bạn nam có hành vi quấy rối tình dục đối với các bạn nữ khiến cho các bạn nữ cảm thấy sợ hãi và xấu hổ, nhưng lại không dám nói với ai.
“Theo Điều 25 của Luật Trẻ em thì trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị xâm hại tình dục. Cho cháu hỏi chúng cháu nên làm gì để bảo vệ mình khi gặp các trường hợp đó?” - Hồ Thị Vai hỏi các ĐBQH.
Quan tâm đến quyền được vui chơi, giải trí của trẻ em, một em gái khác đến từ huyện Đakrông Hồ Thị Thang nhận xét vì điều kiện kinh tế khó khăn nên nơi các em sinh sống không có điều kiện để được vui chơi, giải trí tại các khu vui chơi dành cho thiếu nhi. Em Hồ Thị Thang muốn biết, liệu có thể tạo điều kiện, quan tâm xây dựng nhiều sân chơi cho trẻ em ở vùng cao để các em có thể vui chơi như các bạn bè khác được không…?
Cam kết được thực thi bằng hành động
Ngay sau phần chia sẻ tâm tư, nguyện vọng từ 150 trẻ em, lần lượt các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành như Công an, Giáo dục, LĐTB&XH, VHTT&DL, Đoàn Thanh niên đã có phần trả lời, cung cấp thông tin cho các em.
Ông Tạ Văn Hạ - Ủy viên thường trực Ủy ban Giáo dục, thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội cho biết, Điều 5 của Luật Trẻ em năm 2016 có quy định khi xây dựng chính sách, pháp luật tác động đến trẻ em phải xem xét ý kiến của trẻ em.
Hoạt động diễn đàn ĐBQH với trẻ em tại Quảng Trị này là một hành động cụ thể để thực hiện quy định đó. Các em đã rất mạnh dạn, tự tin chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của mình. Đoàn ĐBQH tỉnh cần tiếp thu và có trả lời, giám sát việc trả lời và thực hiện các cam kết của các sở, ban, ngành với các em có thỏa đáng hay không.
“Đây là một cơ hội đặc biệt, cho chúng tôi - các ĐBQH được lắng nghe trực tiếp các vấn đề mà trẻ em trong tỉnh đang gặp phải, mong muốn của các cháu để quyền trẻ em được thực hiện tốt hơn, đúng với mong muốn của Quốc hội, của Đảng và của Nhà nước. Trong các năm tới, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai định kỳ các hoạt động tiếp xúc, đối thoại với trẻ em” - ông Hoàng Đức Thắng, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh.
Về phần mình ông Tạ Văn Hạ cũng không quên dặn dò các em: “Đây cũng là dịp các em được nghiên cứu kỹ hơn về Luật Trẻ em và quyền trẻ em. Các em cần tích cực tuyên truyền cho các bạn và các em có quyền gửi kiến nghị, đề xuất đến nhà trường, đến các bác ĐBQH”.
Có thể nói sự kiện ĐBQH tiếp xúc, đối thoại với trẻ em là một kênh hiệu quả, giúp Quốc hội thực hiện tốt hơn vai trò giám sát thực hiện luật pháp nói chung và Luật Trẻ em năm 2016 nói riêng. Và đây cũng chính là một cam kết được thực thi bằng hành động của ĐBQH với trẻ em.
Bên cạnh đó, đây cũng là sự kiện nằm trong chuỗi sự kiện 247 ngày hành động vì quyền của em gái do Tổ chức Plan International Việt Nam khởi xướng, bắt đầu từ ngày 8/3 Ngày Quốc tế phụ nữ và kết thúc vào ngày 11/10 Ngày Quốc tế em gái.
Theo PL+