Đi rút chỉ vết thương, nữ bệnh nhân suýt chết vì ngộ độc thuốc tê

(lamchame.vn) - Đi rút chỉ vết thương, bệnh nhân được sử dụng thuốc tê novocain. Sau khi dùng thuốc 15 phút, bệnh nhân xuất hiện nổi mẩn đỏ toàn thân, run người, tím hai bàn tay nên nhanh chóng được đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Ngày 24/3 (BV Đa khoa Hùng Vương, Phú Thọ) cho biết, BV vừa cứu sống bệnh nhân T.T.H. (40 tuổi, xã Phú Mỹ, huyện Phù Ninh, Phú Thọ) bị ngộ độc thuốc tê.

Trước đó, ngày 23/3 bệnh nhân được chuyển đến BV trong tình trạng buồn nôn, khó thở, run người, ban đỏ khắp cơ thể.

Trước đó 12 ngày, bệnh nhân bị tai nạn giao thông gây chấn thương, đã được xử trí khâu vết thương tại cơ sở y tế.

(Ảnh minh hoạ: Internet)

Gia đình cho biết, cách đó 12 ngày, bệnh nhân bị tai nạn giao thông gây chấn thương. Bệnh nhân đã được xử trí khâu vết thương tại cơ sở y tế. Đến sáng ngày 23/3, bệnh nhân đi rút chỉ và được dùng 1 ống novocain thực hiện thủ thuật. Sau khi dùng thuốc 15 phút, bệnh nhân xuất hiện nổi mẩn đỏ toàn thân và được cho dùng thuốc solumedrol 1 ống, dimedrol 2 ống, 1 adrenalin (tĩnh mạch). Sau khi dùng thuốc được 3 phút, bệnh nhân xuất hiện run người, tím 2 bàn tay. Ngay sau đó bệnh nhân được đưa vào BV Đa khoa Hùng Vương cấp cứu.

Tại BV, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị ngộ độc thuốc tê novocain và nhanh chóng truyền thành dòng nhũ dịch Lipofundin 20% giải độc nhanh cho bệnh nhân. Sau khi truyền 1 chai Lipofundin 20% tình trạng nguy kịch đã được kiểm soát, huyết áp bệnh nhân giảm dần về giới hạn cho phép, liều dùng nhũ dịch Lipofundin tiếp tục được duy trì và sau khi truyền hết chai thứ hai bệnh nhân hồi phục hoàn toàn, không còn cảm giác buồn nôn, đau đầu, khó thở. Bệnh nhân được chuyển phòng hồi sức tích cực theo dõi sát trong các giờ tiếp theo.

Sau khi đi rút chỉ vết thương, bệnh nhân được đưa vào BV Đa khoa Hùng Vương cấp cứu vì ngộ độc thuốc tê.

(Ảnh minh hoạ: Internet)

Theo các bác sĩ, thuốc tê novocain được sử dụng rộng rãi trong các BV, phòng khám, trạm y tế, đặc biệt phòng khám răng – hàm mặt, thẩm mỹ viện… thậm chí người dân bình thường có thể mua tại các hiệu thuốc mà không cần đơn của bác sĩ. Từ trước đến nay, các biến cố xảy ra khi sử dụng thuốc gây tê này thường quy cho “sốc phản vệ” mà ít khi nghĩ tới nguyên nhân do ngộ độc thuốc. Chính vì vậy, việc chẩn đoán phân biệt giữa sốc phản vệ và ngộ độc thuốc gây tê là cực kỳ quan trọng vì phương pháp xử trí là hoàn toàn khác nhau.

Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân nếu có biểu hiện buồn nôn, khó thở, run người, ban đỏ khắp cơ thể sâu khi dùng thuôc tê thì cần nhanh chóng đến BV để được cấp cứu kịp thời.

Theo sohuutritue.net.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU