Viêm loét dạ dày là một bệnh lý phổ biến thường gặp. Viêm loét dạ dày hành tá tràng là căn bệnh gây tổn thương viêm và loét trên niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng (phần đầu của ruột non). Những tổn thương này xảy ra khi lớp niêm mạc (màng lót bên trong cùng) của dạ dày hay tá tràng bị bào mòn và các lớp bên dưới thành dạ dày hay thành ruột sẽ bị lộ ra.
Các triệu chứng của viêm loét dạ dày hành tá tràng bao gồm: đau vùng thượng vị, đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn, nôn, ợ hơi, nóng rát thượng vị,...
Nguyên nhân gây viêm loét dạ dày - tá tràng
Theo Ths.BS Lê Dương Tiến, Trung tâm Tiêu hoá BVĐK Hồng Ngọc, nhiều người lầm tưởng viêm loét dạ dày là bệnh di truyền nhưng thực chất thì không phải.
Bác sĩ Tiến cho biết một trong những nguyên nhân gây viêm loét dạ dày hành tá tràng là do sự lây lan của vi khuẩn HP (một loại vi khuẩn sinh sống và phát triển trong dạ dày của con người) giữa các thành viên trong gia đình.
"Nguồn cơn" bệnh tật đến từ thói quen ăn uống
Vi khuẩn HP chủ yếu lây qua đường miệng do tiếp xúc với nước bọt hay dịch tiết đường tiêu hóa của người mắc bệnh.
Thông thường trong gia đình có người nhiễm HP thì khả năng những người khác bị nhiễm khuẩn HP là rất cao vì thường xuyên nói chuyện, ăn uống, sinh hoạt chung.
Đặc biệt là thói quen ăn chung mâm, dùng chung món của người Việt. Việc bày món ăn ra đĩa để tất cả mọi người cùng gắp món bằng đũa hoặc chấm chung một bát nước chấm làm gia tăng nguy cơ nhiễm khuẩn HP nếu có 1 thành viên trong gia đình bị nhiễm khuẩn.
Điều này cũng góp phần lý giải cho tình trạng bố mẹ bị viêm dạ dày hành tá tràng rồi lây vi khuẩn HP cho con cái, khiến con cái cũng mắc viêm loét dạ dày.
Thói quen ăn uống của nhiều người Việt làm tăng nguy cơ mắc viêm loét dạ dày hành tá tràng.