Diễn biến sức khoẻ của bệnh nhân bị rắn hổ mang chúa dài 2,5 mét cắn nguy kịch

Sau khi truyền 10 lọ huyết thanh kháng độc, ông Thanh đã qua cơn nguy kịch, đang tập ngưng máy thở, song bác sĩ BV Chợ Rẫy vẫn phải tiếp tục theo dõi trong 48 giờ tiếp theo để tránh những biến chứng về tim mạch.

Ngày 20/8, trao đổi với phóng viên, bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang (Khoa Bệnh nhiệt đới BV Chợ Rẫy) cho biết, về trường hợp ông P.V.T bị rắn hổ mang chúa cắn, ngoài nhiễm độc thần kinh, bệnh nhân còn có khả năng biến chứng về tim mạch vì nọc độc tấn công vào cơ tim, có thể dẫn đến tử vong. 

Vì thế, mặc dù đã qua cơn nguy kịch, song trong 48 giờ tới, bệnh nhân vẫn sẽ được tiếp tục theo dõi.

Bệnh nhân T. bị rắn cắn trong quá trình vây bắt con vật. Ảnh: Ký sự đường phố

Bác sĩ Sang chia sẻ, sau khi sử dụng huyết thanh chống độc, sức cơ tứ chi bệnh nhân đã hồi phục tốt, mắt mở to, tỉnh táo, tiếp xúc tốt và có thể làm theo y lệnh.

Hiện tại, bệnh nhân đã được cai máy thở. Nhưng do đang đặt nội khí quản nên phải ăn bằng chất xay qua ống thông dạ dày.

"Sau khi xác định con rắn hổ mang chúa đã cắn bệnh nhân, các bác sĩ đã chọn phác đồ điều trị thích hợp và trả lại con vật cho người nhà.

Ngoài vấn đề biến chứng cơ tim, điều lo ngại là tại vị trí rắn cắn có rất nhiều nọc độc dẫn đến bị viêm mô tế bào, vết sưng phù lan nhanh hủy hoại các cơ. Nếu điều này xảy ra kéo theo nguy cơ tắc ống thận sẽ dẫn đến suy thận cấp", bác sĩ Sang nói.

Bệnh nhân vẫn sẽ được tiếp tục theo dõi trong 48 giờ tới. Ảnh: Ký sự đường phố

Trước đó, khoảng 7h30 ngày 19/8, ông P.V.T. đang làm vườn ở xã Suối Đá (H. Dương Minh Châu, T. Tây Ninh) thì phát hiện con rắn hổ mang chúa dài 2,5 mét, nặng 4,5 kg.

Ông T. đuổi theo bắt thì bị rắn cắn. Nạn nhân chụp được đầu con rắn, sơ cứu và chạy ra đường nhờ người dân giúp đỡ đưa về Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh cấp cứu.

Khi đến bệnh viện, con rắn vẫn còn sống và quấn chặt khuỷu tay ông T.

Sau 30 phút điều trị, ông T. có các biểu hiện gồng người tím tái, khó thở..., các bác sĩ BV Đa khoa Tây Ninh đã đặt nội khí quản, cho thở máy và khẩn trương chuyển xuống BV Chợ Rẫy cùng với con rắn hổ mang chúa đã được buộc chặt miệng.

Lúc nhập Bệnh viện Chợ Rẫy, ông T. trong tình trạng liệt tứ chi, đồng tử giãn, mất phản xạ... Sau khi được cho sử dụng 10 lọ huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu, ông T. bắt đầu có dấu hiệu phản ứng, cử động được tay chân và mở được mắt.

Link gốc: http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/tin-moi/dien-bien-suc-khoe-cua-benh-nhan-bi-ran-ho-mang-chua-dai-25-met-can-nguy-kich-220215

Theo ttvn.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU