Căm phẫn, tức giận và thiếu kiểm soát
Vừa qua, sự việc bé V.A (8 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) đã bị "dì ghẻ" là đối tượng Nguyễn võ Quỳnh Trang (26 tuổi, ngụ Gia Lai) bạo hành dẫn đến tử vong đã gây rúng động dư luận. Theo dữ liệu khôi phục từ camera, Trang đã đánh đập, hành hạ bé V.A trong suốt 4 giờ đồng (từ 14 giờ đến 18 giờ).
Trang đã dùng hung khí là gậy gỗ, roi mây đánh cháu, đồng thời người phụ nữ này còn đạp vào vùng bụng, mông, âm hộ, ngực cháu. Hành vi tàn nhẫn của Trang đã nhiều người không khỏi bàng hoàng.
Chúng tôi đã liên hệ với chuyên gia Tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện (Đơn vị Tâm lý - Bệnh viện Nhi đồng Thành phố) về hành vi phạm tội đáng báo động này. Đồng thời, chuyên gia cũng đã đưa ra những lời khuyên dành cho trẻ nhỏ, để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
- Một cô gái 26 tuổi như Trang, đã nhẫn tâm đánh đập, hành hạ một trẻ nhỏ trong suốt nhiều giờ liền. Theo anh, hành vi bạo lực này bắt nguồn từ đâu?
Hành vi bạo lực của một người tác động lên một người khác có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Nó có thể là cách bộc lộ sự tức giận một cách tiêu cực và không được chấp nhận. Nó cũng có thể bắt nguồn từ việc tranh giành quyền lực giữa những người lớn trong gia đình bằng cách tạo ra sức ảnh hưởng lên con cái.
Điều này rất dễ xảy ra trong các gia đình có bất hoà và chia rẽ, chia phe giữa bố mẹ và những nhân vật phía sau như họ nội - họ ngoại, người mới - người cũ. Những đứa trẻ dễ bị đặt ở vị thế chính giữa và chịu các tác động thao túng của các phe để gây sức ép và thể hiện quyền lực, tầm ảnh hưởng dằn mặt đối phương. Các hành vi thao túng đôi khi có thể từ việc chiều chuộng, cho quà bánh, tiền bạc hoặc các hành vi bạo hành đứa trẻ.
Đối tượng Quỳnh Trang tại hiện trường vụ án
- Theo dữ liệu từ camera, Trang đã dùng cây gỗ to dài cả mét đánh mạnh rất nhiều lần khắp nơi trên cơ thể cháu, lấy chân đạp mạnh vào vùng bụng, mông, âm hộ, ngực của cháu gái... Cơn tức giận dẫn đến hành động nhẫn tâm này có phải là một vấn đề tâm lý?
Tức giận là 1 cảm xúc bình thường của con người. Nhưng cách bộc lộ và giải toả sự tức giận lại đòi hỏi 1 năng lực về việc kiểm soát hành vi theo những chuẩn mực xã hội hay pháp luật .
Có một cơ chế trong tâm lý là "chuyển di" đó là khi chúng ta đem những cảm xúc tức giận, khó chịu với đối tượng này trút lên đối tượng khác. Đối tượng được chọn để hứng chịu cơn tức giận của chúng ta thường là những người yếu thế, ít có khả năng phản kháng và gây nguy hiểm. Dân gian có câu "giận cá chém thớt" để minh hoạ cho cơ chế tâm lý này. Con cái rất dễ trở thành nơi ba mẹ trút những cơn giận từ công việc, tình cảm, mối quan hệ…
Hành vi gây tổn hại đến người khác, đặc biệt là đối tượng dễ bị tổn thương (vulnerable groups) mà cụ thể trong câu chuyện này là trẻ em và hoàn toàn không được chấp nhận trong xã hội văn minh.
Các hành vi của đối tượng này khi hành hạ thân thể và gây thiệt mạng cháu bé chính là hành vi ngược lại "luật tự nhiên" (lex naturalis) phổ quát của nhân loại vì không tôn trọng sự sống con người. Vì thế, các hành vi tàn nhẫn này không thể chấp nhận được.
Đứa trẻ rất đáng thương
- Anh có quan điểm như thế nào về việc "đánh để dạy con", đặc biệt là qua câu chuyện đã để lại hậu quả đau lòng như câu chuyện của bé V.A?
Nhiều người lớn, đặc biệt là các bậc cha mẹ thường bạo hành la mắng, miệt thị thậm chí đánh đập con mình và lý giải rằng đó là phương pháp giáo dục vì muốn con nên người. Tuy nhiên, chúng ta cần chú ý một nguyên tắc quan trọng là "mục đích không biện minh cho phương tiện". Chúng ta không thể dùng mục đích tốt để bào chữa cho các hành vi xấu, gây tổn thương về thể chất và tinh thần trẻ nhỏ.
Đối với trẻ em, đặc biệt là các trẻ nhỏ, bố mẹ không chỉ là những người nuôi dưỡng mà là nơi giúp trẻ đáp ứng nhu cầu tinh thần, phát triển nhân cách. Trong hoàn cảnh trẻ không ở cùng mẹ ruột, bị người thay thế bạo hành và bố ruột bỏ rơi thì thật sự rất đáng thương.
Nỗi đau mà đứa trẻ này và nhiều trẻ khác phải chịu đựng trong những vụ việc đáng tiếc từng gây xôn xao trên mạng xã hội trước đây không chỉ dừng lại ở một vài lát cắt truyền thông đăng tải mà là những ngày tháng từ khi gia đình đổ vỡ. Ngay cả các bất hoà, cãi vã và quyết định chia tay của cha mẹ ít nhiều cũng gây tổn thương nơi con cái.
Chúng ta học 5 năm, 10 năm để làm một bác sĩ, kĩ sư nhưng hình như chưa học ngày nào để làm vợ, làm chồng, làm bố làm mẹ. Trong khi sản phẩm một người cha người mẹ tạo ra là một con người. Để hạn chế những câu chuyện đau lòng như thế, không chỉ dừng lại ở việc giải quyết hậu quả mà còn là vấn đề dài về cách chuẩn bị cho những người trẻ kỹ năng làm cha làm mẹ và các kỹ năng nuôi dạy con cái.
Cơ thể bé V.A đã từng xuất hiện nhiều vết bầm tím
- Xin anh chia sẻ một số dấu hiệu nhận biết trẻ bạo hành? Nhà trường, xã hội, cộng đồng… cần làm gì để có thể bảo vệ được trẻ nhỏ?
Chúng ta có thể quan sát qua các bất thường về cảm xúc (trẻ buồn rầu, lo âu, sợ hãi thái quá); suy nghĩ (trẻ có các suy nghĩ, lời nói về việc bị bỏ rơi, không được yêu thương, không muốn sống tiếp ở nhà…); hành vi (một số trẻ trở nên thu mình, thụ động hoặc trở nên hiếu động quá mức, có hành vi bạo lực với bạn bè, thú nuôi…); các dấu hiệu tổn thương trên da vết bầm, lằn roi…
Tuy nhiên, ngoài bạo hành thể chất, tình dục là các thứ có thể dễ quan sát và nhận biết, còn có những hình thức bạo hành, lạm dụng đứa trẻ về tinh thần, bỏ rơi, cô lập… là những hình thức tinh vi hơn. Các hình thức lạm dụng này gây tổn thương tâm hồn đứa trẻ không khác gì bị đánh đập, xâm hại.
Quan trọng nhất là gia đình vẫn là nơi tạo ra, yêu thương và nuôi dưỡng một đứa trẻ. Xin đừng đợi xảy ra sự việc đáng tiếc rồi mới giải quyết hậu quả.
Xin cảm ơn anh về phần chia sẻ này!
Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/dien-bien-tam-ly-nao-khien-di-ghe-ra-tay-tan-nhan-lien-tuc-4-tieng-lam-be-gai-tu-vong-161220301093113518.htm
Theo ttvn.vn