Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh cho biết, theo khoản 4 điều 2 Nghị quyết 09/2021/NQ-HĐND ngày 25/6/2021 của Hội đồng nhân dân TP. Hồ Chí Minh, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) cư trú hợp pháp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 dẫn đến bị mất việc làm, không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn 4 triệu đồng/tháng làm một trong sáu loại công việc sau đây sẽ được TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ:
1. Bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố.
2. Thu gom rác, phế liệu.
3. Bốc vác, vận chuyển hàng hóa.
4. Bán vé số lưu động.
5. Tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (bao gồm cả bảo vệ).
6. Làm công việc thuộc một số lĩnh vực ngành nghề phải tạm ngừng hoạt động theo chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh tại Công văn 1749/UBND-VX ngày 30/5/2021.
Mức hỗ trợ là 50.000 đồng/người/ngày; thời gian hỗ trợ áp dụng trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, và thực hiện đến ngày 31/12/2021.
Cũng theo Luật sư Hữu, người dân cần lưu ý những vấn đề sau:
Thứ nhất, đối với trường hợp tạm trú (không đăng ký thường trú tại TP. Hồ Chí Minh mà chỉ là đăng ký tạm trú) thì vẫn được chính quyền TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ nhưng phải có đăng ký tạm trú được cơ quan công an xác nhận.
Thứ hai, trường hợp có địa chỉ thường trú và tạm trú là khác nhau nhưng cùng ở tại TP. Hồ Chí Minh thì được hưởng chính sách hỗ trợ này tại một nơi duy nhất (nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú).
Thứ ba, trường hợp người dân thuộc diện được chính quyền TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ mà chính quyền địa phương thiếu sót thì người dân cần liên hệ với chính quyền địa phương nơi mình cư trú trình bày rõ để được hỗ trợ kịp thời.
Theo kenh14.vn