Cụ thể, học sinh viết:
"Nhà em có nuôi một bà nội suốt ngày ngồi lướt Facebook. Ngày nào bà cũng điện thoại nói chuyện với cô tận 3 tiếng, có hôm mải buôn quá không tắt bếp nên cháy cả nồi. Da của bà nhăn nheo. Răng bà trắng, vàng hoặc đen. Bà cũng thỉnh thoảng dạy em học bài. Em rất yêu quý bà em".
Không chỉ bóc phốt bà có đam mê Facebook mà bạn nhỏ còn khẳng định bà ngày nào cũng buôn điện thoại với con gái. Thậm chí bà còn mải buôn chuyện đến mức cháy cả nồi khiến dân tình chỉ biết cười ra nước mắt.
Người cháu cũng không quên thêm vào những câu văn miêu tả ngoại hình của bà "da của bà nhăn nheo", răng của bà có tới 3 màu trắng, vàng hoặc đen.
Nhưng ngoài những lúc buôn chuyện ra thì thỉnh thoảng bà vẫn dạy bạn nhỏ học bài. Dù bài văn là 'bóc phốt' bà từ đầu đến cuối nhưng bạn học sinh vẫn khẳng định rất yêu quý bà của mình.
Trên thực tế, văn chính là đời, là những gì diễn ra trong cuộc sống thường ngày. Vì vậy, việc học sinh bày tỏ suy nghĩ, quan điểm của mình là điều rất đáng khuyến khích.
Hiện nay, cách dạy và học dần chuyển sang hướng phát huy năng lực học sinh, hạn chế sự thụ động làm theo văn mẫu. Văn mẫu chỉ như một công cụ, một phương tiện giúp học sinh luyện kĩ năng. Sản phẩm học tập của học sinh thu được sau khi có kĩ năng là sự sáng tạo cá nhân, không phải là sự rập khuôn, bắt chước y như nguyên mẫu.
Một bài văn hay vì thế phải là sự kết hợp kể, tả chân thật và lồng cảm xúc thực của các em vào đó chứ không phải chép các bài văn mẫu để chạy theo điểm số. Tuy nhiên, giáo viên cũng như phụ huynh cần định hướng và sửa chữa kịp thời để các con cải thiện cách dùng câu từ cho chuẩn mực, chính xác.