Đồng hành cùng con trai cai nghiện game, bà mẹ rút ra 2 kinh nghiệm "xương máu" có thể thay đổi cuộc đời trẻ

(lamchame.vn) - Tại sao một số trẻ nghiện game, trong khi những trẻ khác thì không? Làm sao để con không bị cuốn vào game?

Hóa giải

Tôi bắt đầu giải quyết vấn đề từng bước dưới sự hướng dẫn của chuyên gia:

1. Bắt đầu từ mối quan hệ cha mẹ con cái, xoa dịu xung đột và tăng cường sự tin tưởng

Nhiều bậc cha mẹ thấu hiểu sâu sắc rằng con cái không thích học, suốt ngày dán mắt vào điện thoại, chơi game, cha mẹ nói gì, làm gì cũng không có tác dụng. Điều này là do cha mẹ không biết con cái cần gì, họ chỉ đánh giá con cái từ góc độ của mình và chưa bao giờ nghĩ đến việc thiết lập mối quan hệ hài hòa với con thông qua giao tiếp và thấu hiểu.

Chỉ khi mối quan hệ được cải thiện, con cái mới sẵn sàng nói với cha mẹ những suy nghĩ thực sự bên trong, những bối rối và khó khăn của chúng. Chỉ bằng cách này, cha mẹ mới có thể giúp con giải quyết vấn đề một cách có mục tiêu và hiệu quả.

Trong thời gian đó, tôi đã phát hiện ra rất nhiều hiểu lầm trong việc giáo dục con cái của mình, đồng thời cũng tìm hiểu được nhiều điều về đặc điểm tâm lý của trẻ vị thành niên. Tôi quyết định xin lỗi con trước, chân thành bày tỏ thái độ và thay đổi.

Cuộc trò chuyện bình đẳng khiến con trai nhận ra rằng tôi thực sự sẵn sàng buông bỏ "tư thế" làm mẹ và cố gắng thấu hiểu, gần gũi con, lớp phòng thủ bên trong của con cũng được nới lỏng.

Vào một bữa ăn tối, con trai nói với tôi:

"Con biết rằng mẹ đang cố gắng thay đổi. Thật ra con cũng biết mình thụt lùi trong học tập, thái độ của con với mẹ cũng không tốt, nhưng đôi khi sự cằn nhằn của mẹ thực sự rất khó chịu khiến con không có tâm trạng học bài. Con thà chơi game còn hơn nói chuyện với mẹ. Trên thực tế, con cũng biết rằng đam mê game là sai. Mẹ, cảm ơn mẹ đã sẵn lòng làm thân với con. Con cũng sẽ học tập chăm chỉ và bắt kịp điểm số các bạn".

Tôi vô cùng xúc động. Hóa ra mọi sự thay đổi của bố mẹ đều có thể được con cái cảm nhận. Việc nới lỏng mối quan hệ cha mẹ - con cái cũng tạo nền tảng cần thiết cho những thay đổi và giáo dục sau này.

2. Giúp trẻ tìm lại cảm giác hoàn thành và cải thiện thành tích học tập

Cảm giác hoàn thành là sự hài lòng khi thành công trong học tập, công việc và mong muốn của mình được thực hiện. Đây là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến động cơ học tập của trẻ.

Khi trẻ được khuyến khích và khen ngợi về sự tiến bộ, cảm giác này sẽ được củng cố, từ đó tạo ra tâm trạng tiếp tục học tập chăm chỉ, nâng cao sự nhiệt tình và động lực tích cực, thúc đẩy trẻ tiếp tục thành công. Cảm giác nhận ra giá trị bản thân và được công nhận này sẽ không bao giờ bị quên đi một khi đã trải qua.

Hiện nay, nhiều em không có ý thức phấn đấu để đạt thành tích trong học tập. Ngược lại, sẽ có cảm giác xấu hổ và thất vọng bởi những cố gắng của mình thường nhận về sự chỉ trích và phủ định. Tôi cũng từng phạm sai lầm như vậy. Đặt mục tiêu cho con rất khó vì nghĩ điều này có thể kích thích tính cạnh tranh của trẻ. Và khi con làm việc chăm chỉ vẫn khó đạt được, tôi tỏ vẻ thất vọng về con khiến con chán nản.

Tôi bắt đầu điều chỉnh phương pháp giáo dục để bao trùm lên con trai mình một bầu không khí tích cực và khích lệ. Mỗi ngày tôi sẽ cố gắng tìm ra từ con một vài tiến bộ nhỏ, ví dụ như thời gian ngồi làm bài tập trung hơn... Ngoài ra, tôi cũng nhìn ra những điều chưa làm tốt của con để cùng con thảo luận cách cải thiện.

Với sự khẳng định và động viên như vậy ngày qua ngày, con trai tôi dần cảm nhận được hạnh phúc tích cực và cảm giác thành tựu từ việc học, động cơ học tập của cháu ngày càng lớn hơn. Tôi dần buông tay và trả lại quyền quyết định cho con mình. Tôi mua cho con một chiếc điện thoại di động mới và nói: "Bạn học của con đều có, con không có điện thoại di động thật bất tiện, mẹ sẽ mua cho con một chiếc. Mẹ tin con sẽ quản lý thời gian của mình thật tốt!".

Con trai tôi ngượng ngùng cười, nhưng từ vẻ mặt của con, tôi thấy một sự kiên định.

Sau khi mối quan hệ mẹ con trở nên hài hòa và con trải qua cảm giác thành tựu từ việc học, chứng nghiện game tự nhiên tiêu tan. Thỉnh thoảng cuối tuần hay những lúc học hành mệt mỏi con cũng ngồi chơi một lát nhưng lại nhanh chóng trở lại việc chính, và nỗi ám ảnh trong quá khứ cứ thế mà trôi đi.

Điểm số của con trai tôi cũng được cải thiện đều đặn, trong kỳ thi cuối kỳ, thứ hạng của đứa trẻ đã đạt trên mức trung bình. Một kết quả như vậy nếu được đặt cách đây nửa năm, tôi thậm chí không dám mơ tới.

Sau khi trải qua cuộc "đấu tranh" này, tôi nhận ra sâu sắc rằng trong nhiều trường hợp, vấn đề của con cái giống như một tấm gương phản chiếu những vấn đề trong phương pháp giáo dục và những thiếu sót của chính cha mẹ. Vì vậy, chúng ta cũng nên nhân cơ hội này để tìm hiểu, điều chỉnh và sử dụng những phương pháp giáo dục khoa học, hiệu quả hơn để định hướng sự trưởng thành của trẻ.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU