Từng "vật vã" vì con viết chữ chậm chạp, cẩu thả, ngồi học như "đánh trận"... bà mẹ ở Đà Nẵng thay đổi tình hình với bí quyết 2 CHỮ

(lamchame.vn) - Học vì điểm số hay để hơn 'con hàng xóm' sẽ khiến cả con và mẹ bị áp lực, đi ngược với quan điểm giáo dục 'Học để hạnh phúc' mà chị Mai hướng tới ban đầu.

Với những đứa trẻ mới vào lớp 1, vốn chỉ biết vui chơi chưa một lần cầm bút, việc "điều khiển" những con chữ cho đúng ô đúng dòng, ngay hàng thẳng lối là nhiệm vụ vô cùng khó khăn. 

Trên các diễn đàn, mỗi thời điểm đầu năm, thậm chí giữa năm học, không khó để gặp các bài viết than thở con viết chữ xấu như giun như dế khiến bố mẹ sang chấn tâm lý. Nhiều người còn stress nặng khi thỉnh thoảng lại "được" cô giáo nhắc nhở chuyện rèn con bởi chữ viết xiêu vẹo, không theo trật tự nào.

Nỗi lòng này, chị Đàm Thanh Mai (32 tuổi; TP Đà Nẵng) - mẹ của 2 cậu con trai 6 tuổi (Conan) và 4 tuổi (Puma) cũng thấu hiểu hơn ai hết. Khi con trai vào lớp 1, dù chỉ... 29 chữ cái thôi mà sao con viết chậm chạp, lộn xộn, cẩu thả, học hành thì không tập trung, mỗi khi ngồi học là như "đánh trận". Sau 3 tháng vào tiểu học, con thường xuyên "được" cô phê: "Con cần cố gắng "vì viết sai, viết xấu, viết lộn xộn"… 

Từng vật vã vì con vào lớp 1 viết sai, xấu, lộn xộn…, bà mẹ Đà Nẵng thay đổi tình hình chỉ với 2 CHỮ  - Ảnh 1.

Hai con trai của chị Mai năm nay 4 tuổi và 6 tuổi.

Dù có phần lo lắng, nhưng nhìn 5 ngón tay nhỏ bé của con gồng cứng, ghì chặt, nặng nề viết từng nét, chị hiểu con đã rất căng thẳng và áp lực.

"Nghĩ lại có lần, mình làm bánh xèo nhưng không thành công, than với con: "Conan ơi, mẹ đổ bánh xèo xấu quá. Mẹ hơi buồn". Con trả lời: "Không sao đâu mẹ, mẹ làm lần đầu nên xấu là bình thường. Nếu mẹ làm nhiều lần chắc chắn sẽ thành công. Mẹ cố gắng nhé". 

Vậy là chính con đã dạy mình bài học về "Vạn sự khởi đầu nan", về việc kiên nhẫn, bình tĩnh khi ai đó còn vụng về, sai sót lúc khởi đầu. Mình nhận ra, thúc ép con chẳng có tác dụng gì cả, hoặc chỉ có hiệu quả tức thời nhưng không giải quyết được tận gốc vấn đề".

Muốn con thay đổi, cha mẹ cần phải BÌNH TÂM

Chị Mai tự nhủ mình, khi con bắt đầu học tiếng Việt, thực ra cũng giống người lớn bắt đầu học tiếng Anh/tiếng Nhật hay bất cứ ngoại ngữ nào khác. 6 năm đầu đời, chỉ ăn và chơi, giờ tự nhiên phải cầm bút nên con chưa từng hình dung hay có khái niệm gì về chữ viết và ngôn ngữ. Việc con còn viết sai, còn xấu, chưa rõ ràng là điều bình thường, không cần phải quá áp lực hay căng thẳng. Quát, nạt, đe dọa, xử phạt chỉ càng làm con căng thẳng, buồn bã và sợ học. 

Vì thế, bà mẹ này chọn cách không nghĩ nhiều về những nhận xét tiêu cực mà áp dụng phương pháp khuyến khích con. Mỗi khi con viết sai, viết xấu, chị chỉ cười và hôn vào trán con: "Không sao đâu con, sai thì viết lại. Dù con viết sai, viết xấu, mẹ vẫn yêu và tự hào về con, con cố gắng nhé". Đồng thời, chị chỉ cho con biết mình cần điều chỉnh ở đâu. "Trộm vía", con cũng mỉm cười và vui vẻ viết lại. Trong quá trình đó, tất nhiên, việc ổn định cảm xúc của cha mẹ là vô cùng quan trọng.

Ngoài ra, chị Mai chuẩn bị 2 quyển vở tập viết, 1 quyển cho con, 1 quyển cho mẹ. Mẹ "hóa thân" thành học sinh lớp 1 rồi ngồi viết cùng con. Thỉnh thoảng mẹ "viết xấu" một chút rồi hỏi: "Bạn ơi, tớ viết như này đẹp chưa", tự khắc con sẽ trở thành "cô giáo" sửa cho mẹ. Thỉnh thoảng mẹ "chậm hiểu" không biết đọc từ nào đó, rồi nhờ/cùng con đánh vần. 

Theo chị, mẹ không cần ngồi cùng con cả tiếng hay suốt buổi học, khi nào viết xong phần của mình cứ bảo: "Tớ viết xong rồi, tớ ra ngoài chơi đây, khi nào bạn viết xong thì ra chơi. Cố gắng viết đẹp như tớ nhé". Bố có thể làm "giám khảo" chấm điểm cho 2 mẹ con. Ngồi học cùng "bạn bè" con sẽ thoải mái, vui vẻ và bớt căng thẳng hơn người giám sát như phụ huynh hay cô giáo.

Thay vì chỉ đọc "sách giáo khoa", chị cho con luyện đọc tên các mặt hàng khi đi siêu thị, đọc biển quảng cáo khi đi bộ, đọc tên đường khi dừng đèn đỏ, đọc lên loại bánh kẹo trên bao bì... Thay vì chỉ viết "trên vở", dùng phấn viết lên sân, viết lên tường (đã dán giấy), viết lên bãi cát, viết lên lá cây... Thay vì chỉ tính toán ở bàn học, chị cùng con tính toán khi mua đồ ở siêu thị, khi chia kẹo bánh, cộng trừ những viên sỏi/đá trên đường, cùng đếm và đàn gà/chó, đếm xe ô tô trên đường... 

Từng vật vã vì con vào lớp 1 viết sai, xấu, lộn xộn…, bà mẹ Đà Nẵng thay đổi tình hình chỉ với 2 CHỮ  - Ảnh 2.

Chị Mai chọn cách không nghĩ nhiều về những nhận xét tiêu cực mà áp dụng phương pháp khuyến khích con.

"Mình dùng những mẹo để con nhớ lâu như: Mật khẩu điện thoại của mẹ là kết quả của 4 phép tính sau: 20-13; 10-5; 16-7; 17-15. Nếu tính làm đúng, con có thể dùng điện thoại của mẹ để xem Doremon 10 phút; Con có thiệp mời sinh nhật bạn X, con đọc xem địa chỉ ở đâu vậy; Tối nay nhà mình đi khu vui chơi, giờ mẹ đọc tên đường con ghi lại để không bị lạc nhé; Con hãy tự ghi lại tên những bạn mà con muốn mời sinh nhật. Điều này giúp con học nhưng không áp lực, lại có động lực hơn", chị Mai chia sẻ.

Đa số, mỗi trẻ sẽ có một "điểm yếu" nào đó. Bạn thì khó phân biệt chữ "d và b", có bạn thì hay nhầm "ph và gh". Nếu con sai, nhầm những điều "đơn giản" đó, chị Mai cho rằng, mẹ đừng nghĩ "con dốt", "con ngốc" cũng đừng quá lo lắng hay sợ hãi. Vì đó là "đặc trưng" trong tư duy của mỗi trẻ, sẽ hết dần theo thời gian và rèn luyện. Nếu sau 5-6 tháng đi học mà mẹ vẫn chưa nhớ hết bảng chữ cái tiếng Nhật, chưa viết được hết các nét tiếng Trung, chưa thuộc hết cách đọc tiếng Hàn thì hãy thông cảm khi con chưa đọc thông, viết thạo, chữ xấu hay tính toán còn chậm.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang