Anh nói “Câu chuyện Bằng Kiều: Trái tim không ngủ yên” là câu chuyện về quãng sự nghiệp của mình từ khi bắt đầu cho tới giờ. Nó giống như thước phim cá nhân mà anh muốn lồng ghép những dấu ấn của nhạc nhẹ Việt Nam qua từng thời kỳ. Vậy sao chỉ có sự xuất hiện của Tú Dưa mà không có sự xuất hiện của các mảnh ghép khác của “Quả Dưa Hấu”?
Chương trình diễn ra giữa tháng 8 tới tại Hà Nội là câu chuyện, thước phim cá nhân của riêng tôi. Ý tưởng của tôi là muốn lồng ghép những dấu ấn của nhạc nhẹ Việt Nam qua từng thời kỳ và tôi chỉ là nhân tố qua các thời kỳ âm nhạc đó.
Đây không phải là chương trình tái hợp hay gì cả. Đây là câu chuyện cá nhân. Không phải tôi viết tự truyện mà đây là tôi kể câu chuyện trong đó mình là nhân vật. Khách mời trong chương trình là những người thân thiết như Hồng Nhung, Minh Tuyết, Tú Dưa...
Trong chương trình, tôi cũng muốn vẽ lên chân dung mới của mình trong thời gian tới, được sự đồng cảm thì tôi tiếp tục, không thì tôi tìm tòi hướng đi nào đấy.
Anh cũng chia sẻ, rất thân với Tú Dưa, hai người có nhiều điểm giống nhau. Vậy giống nhau như thế nào?
Tôi và Tú Dưa rất thân. Tôi coi nó như một đứa em bởi vì hai anh em học chung trường nhạc, nó cũng học kèn, viết nhạc và hát. Về cuộc đời của Tú Dưa cũng thăng trầm về tình cảm, về nhiều thứ, đồng cảm với tôi. Trong những đứa em, Tú Dưa là đứa thân thiết với tôi.
Tôi với Tú Dưa có nhiều kỷ niệm chung. Nó từng ăn ngủ ở nhà tôi, ở trên căn gác ngôi nhà ở Ngô Sỹ Liên. Gọi là bụi đời đấy! Tú coi nhà tôi là nhà thứ 2 của nó. Chúng tôi đi chơi, đi làm, đá bóng- gắn bó từ đời sống cho tới âm nhạc. Anh em tôi cũng có nhiều điểm giống nhau. Tôi quý Tú Dưa bởi tính nó tương đối điềm đạm, thích học hỏi.
Theo như sự hé lộ, dường như anh muốn qua liveshow này để thăm dò khán giả để có sự chuyển hướng về âm nhạc trong thời gian tới?
Sắp tới, tôi muốn âm nhạc của mình giống như câu chuyện, giản dị và cảm xúc rất thật. Tôi sẽ chọn lựa khán giả. Những người yêu mến mình, mình vẫn trân trọng nhưng tôi muốn đi vào mảng trầm nhiều hơn, chạm tới cảm xúc nhiều hơn. Đối với tôi, quan điểm phải thật là giản dị, giống như mình trò chuyện, tâm sự với nhau với tâm thế người lớn.
Tôi không tham lam nghĩ rằng cái gì mình cũng làm được, dù tôi may mắn trong nghề nghiệp là tôi hát nhiều thể loại nhạc khác nhau đều được yêu mến. Thể loại nào cũng có bài hit, cũng có dấu ấn. Đấy là may mắn, nhưng tôi không ngủ quên trên điều đó…
Nhận cát- sê “khủng” khi diễn kịch ở Sài Gòn
Không chỉ hát, trong liveshow lần này anh còn diễn kịch cùng nghệ sĩ hài Vân Dung, Quang Thắng. Nhiều khán giả tò mò không biết Bằng Kiều bén duyên với sân khấu kịch từ khi nào?
Tôi bắt đầu lên sân khấu chuyên nghiệp từ năm 2000, ở sân khấu Phú Nhuận của chị Hồng Vân. Tôi diễn kịch dài, vai nặng ký như Xuân Tóc Đỏ trong “Số đỏ” và Lý Trưởng trong “Oan Thị Mầu”.
Sau đó sang Mỹ, mỗi năm tôi tham gia vở kịch dài bên đó. Như vở kinh điển “Giông tố”, tôi đóng vai Nghị Hách.
Cô Túy Hồng, vợ cũ chú Lam Phương có ban kịch Túy Hồng. Mỗi năm dựng một vở kịch dài, nên hầu như tôi đều tham gia. Giờ cô lớn tuổi, mệt nên 2-3 năm nay cô không dựng vở nữa.
Anh có thể chia sẻ về nhân duyên với sân khấu kịch của NSND Hồng Vân?
Đúng là nhân duyên. Tôi và chị Hồng Vân ở ngoài thân nhau. Đến khi chị mở sân khấu Phú Nhuận, chị mời tôi tham gia cho vui, cho thêm màu sắc mới lạ. Chị thấy tôi ở ngoài cũng duyên dáng, biết tôi có nghề bởi gia đình tôi là gia đình sân khấu. Chị Hồng Vân chơi thân với anh Bằng Thái.
Khi nhận lời tham gia, tôi còn bận đi hát nên bảo chị Hồng Vân: “Chị cho em vai nhỏ nhỏ để em có thời gian chạy show chứ em không có thời gian tập, diễn từ đầu đến cuối, cũng sợ không có lực làm được”.
Nhưng khi lên sàn tập 1-2 cảnh, đạo diễn vở “Số đỏ”, Doãn Hoàng Giang nói riêng với chị Hồng Vân là để Bằng Kiều đóng Xuân Tóc Đỏ. Bằng Kiều không làm thì vở rất khó “trụ” trong thời điểm đó. Khi sân khấu Sài Gòn không có nhiều diễn viên nam người Bắc, người nói giọng thuần Bắc lại càng hiếm.
Có thể đạo diễn Doãn Hoàng Giang nhìn thấy khả năng cũng như sự phù hợp của tôi cho vai Xuân Tóc Đỏ ấy. Chị Hồng Vân nói với tôi: “Thôi em cố gắng nhận luôn vai chính”. Tôi cũng máu, thế là “chơi” luôn!
Rất may là thời gian đó, vở “Số đỏ” là một trong những vở hay của sân khấu kịch Hồng Vân. Lúc nào cũng hết vé, ngày 2 suất diễn, triền miên như thế.
Sau đó tôi diễn thêm vở nữa là “Oan Thị Mầu”, với vai chính Lý Trưởng.
Đang ca hát, bước ngoặt sang diễn kịch lại nhận luôn… vai chính, anh có gặp khó khăn gì không?
Thực ra tôi không phải diễn nhiều, những tác phẩm đó đã ngấm vào mình từ nhỏ. Mình đã đọc truyện, xem phim và hình dung ra nhân vật như thế nào. Nếu nói về khó khăn thì đó là vấn đề thời gian. Diễn kịch rất… mất thời gian.
Cát- sê của diễn viên kịch cũng đâu có bằng cát- sê ca sĩ. Thế mà nhiều khi, tôi vẫn bỏ show hát để diễn kịch. Diễn kịch dài mê lắm!
Cát- sê diễn kịch của anh thời đó là bao nhiêu?
Thời đó, cát- sê diễn kịch của tôi thuộc hàng cao nhất rồi Diễn viên kịch hạng A trong Sài Gòn nhận 300-400 ngàn đồng/ suất diễn, thì tôi nhận 1 triệu đồng/suất diễn. Nhưng lúc đó, cát- sê hát của tôi là 8 triệu, gần bằng 2 cây vàng. Vậy mà nhiều khi, tôi bỏ hát để đi diễn kịch. Có lịch là diễn kịch, không nhận hát. Mê đến mức độ như thế!
Thế còn cát- sê diễn kịch bên Mỹ?
Ở bên Mỹ, tôi diễn kịch cũng mất nhiều thời gian, công sức. Cát- sê cũng giống đi hát thôi.
Bên đó không có sân khấu kịch thường xuyên cho khán giả.
Nói bản thân mê kịch, nhưng chưa đủ đam mê để anh trở thành diễn viên kịch chuyên nghiệp?
Không phải chưa đủ mê. Tôi chỉ nghĩ đơn giản, mỗi người có nhiệm vụ của mình, sứ mệnh riêng và hãy làm tốt sứ mệnh đó. Còn những thứ khác, ông tổ đãi cho mình như thêm mắm muối, thỏa mãn sự yêu thích của mình thôi. Nếu chuyên về kịch phim thì tôi có khi phải… bỏ hát.
Xin cảm ơn anh về những chia sẻ!
Theo Dân Trí