Ảnh minh họa.
Liên quan đến việc xếp loại đạo đức giáo viên, Bộ GD-ĐT cho biết, khi triển khai thực hiện các Thông tư 01-04, có ý kiến cho rằng việc phân chia đạo đức nhà giáo theo hạng như quy định tại Thông tư 01-04 là không phù hợp và không cần thiết. Bởi lẽ, mọi giáo viên ở bất kỳ hạng nào, có thâm niên nhiều hay ít, ở bất cứ cơ sở giáo dục nào cũng phải bảo đảm có chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp nói chung và đạo đức nhà giáo nói riêng. Giống như đạo đức xã hội là chuẩn mực chung, phải là giá trị phổ quát cho mọi người, do đó không nên tách ra để xếp hạng một cách máy móc theo từng loại.
Thực tế, bản chất các quy định tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông theo từng hạng chức danh nghề nghiệp tại Thông tư 01-04 không phải là “phân hạng đạo đức”. Giáo viên ở tất cả các hạng phải bảo đảm đáp ứng các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp chung (như đã quy định cho giáo viên ở hạng thấp nhất tương ứng với mỗi cấp học) nhưng mức độ yêu cầu khác nhau theo hướng giáo viên ở hạng cao thì yêu cầu mức độ đáp ứng, tính gương mẫu, tác động lan tỏa, ảnh hưởng tới đồng nghiệp cao hơn để bảo đảm có thể thực hiện tốt vai trò của người giáo viên tiên phong trong công tác giảng dạy, giáo dục và người hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp phát triển nghề nghiệp.
Để thống nhất với các quy định về tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp ở các văn bản quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp khác và không làm xáo trộn việc đánh giá tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp của giáo viên mầm non, phổ thông như quy định trước đây tại các Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông (đã được thay thế bởi Thông tư 01-04), Bộ GD-ĐT dự kiến bỏ quy định tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp ở từng hạng chức danh nghề nghiệp và bổ sung quy định đạo đức nghề nghiệp chung cho giáo viên ở tất cả các hạng.