Đua nhau chia sẻ cách trị ho, sổ mũi bằng tắm nước gừng, mẹ hại con mà không biết

Mẹ nào đang áp dụng cách này thì cẩn trọng nhé!

Năm nay mùa đông trở nên khắc nghiệt hơn với những đợt lạnh kéo dài, khi thì mưa dai dẳng, lúc lại hanh khô đến nứt nẻ da thịt. Thời tiết khó chịu khiến trẻ nhỏ rất dễ bị ốm. Với tình hình thời tiết khắc nghiệt, các mẹ đua nhau chia sẻ rất nhiều bài thuốc phòng và trị bệnh ho cảm cho con. Trong đó, phổ biến nhất là bài thuốc từ gừng như ngâm chân bằng nước gừng, tắm nước gừng hay uống nước gừng.

Tắm nước gừng trị ho, sổ mũi cho con

Gần đây, rất nhiều bà mẹ chia sẻ phương pháp tắm cho con bằng nước gừng để chữa ho, sổ mũi và phòng cảm lạnh. Trên các group dành cho mẹ bỉm sữa, phương pháp này được các mẹ hưởng ứng vô cùng nhiệt tình.

Theo người mẹ này, chỉ cần dùng gừng giã nhuyễn, hoặc thái gừng thành lát ngâm trong nước nóng cho ra tinh dầu rồi hòa vào nước tắm cho con, chỉ sau vài ngày sẽ đỡ hẳn ho, sổ mũi.

Không chỉ tắm nước gừng, các mẹ còn bày cách ngâm chân cho con buổi tối bằng nước gừng trong mùa lạnh để chữa ho, khò khè, sổ mũi. Theo các mẹ chia sẻ chỉ cần giã nhuyễn gừng với một chút muối rồi đem đun sôi với một lít nước, để nguội bớt còn ấm ầm thì cho con ngâm chân.

Chưa rõ thực hư tác dụng của cách tắm nước gừng ra sao, nhưng rất nhiều bà mẹ đã vội vã áp dụng ngay cho con mình.

Không ít bà mẹ đã lên facebook khoe về hiệu quả của những phương pháp dân gian truyền miệng này.

Nickname H.T.H bày tỏ: “Tắm bằng nước gừng đã được áp dụng rất nhiều đời nay rồi. Từ thời các bà, các mẹ. Giờ áp dụng đến đời con của mình vẫn thấy hiệu quả.”

Nickname Y.V cho biết: “Cách tắm nước gừng mình được mẹ chồng bày cho, cũng tắm thử cho con thấy hiệu quả lắm các mẹ ạ. Tắm vài lần là đỡ ngay”.

Cũng có một số mẹ bày tỏ sự nghi ngại

“Mình thấy gừng có tính nóng, da trẻ con mỏng manh, tắm nước gừng như thế không biết có bị làm sao không?”- nickname L.A

“Mình thấy tắm nước gừng hay ngâm chân nước gừng không phải áp dụng với bé nào cũng hiệu quả. Nếu con ho không phải do nhiễm lạnh thì dùng gừng cũng không có tác dụng đâu.”

Tự ý tắm nước gừng làm suy giảm hệ miễn dịch của trẻ

Trả lời trên Emdẹp, chuyên gia Đông y Hồ Quang Sáng (Hội viên hội Đông y Việt Nam) cho biết: "Thân nhiệt các bé luôn luôn duy trì bằng hoặc cao hơn 37 độ C một chút. Khi các mẹ tắm cho con thường dùng nước ấm, lúc đó các lỗ chân lông giãn nở ra, nhiệt độ cơ thể giảm. Nếu có thêm nước gừng sẽ làm lượng canxi và dưỡng chất của bé bị đốt cháy nhiều hơn nữa dẫn đến lượng dưỡng chất dư thừa bị tích tụ thêm khiến hệ miễn dịch của bé bị yếu đi".

Cũng theo chuyên gia, trẻ nhỏ làn da còn rất yếu, nếu dùng nước gừng để tắm cho con là không nên. Cũng không nên sử dụng dầu tràm bôi vào da bé sau khi tắm, sẽ khiến các lỗ chân lông không co lại được, tạo điều kiện để vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể.

Bên cạnh việc tắm bằng nước gừng hay ngâm chân bằng nước gừng, nhiều mẹ còn truyền nhau cho con uống nước gừng hay trà gừng để giữ ấm cơ thể, phòng tránh cảm lạnh hay trị ho. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nước gừng không nên cho trẻ uống tùy tiện. Bởi trong một số trường hợp, nếu uống nước gừng có thể gây hậu quả nguy hiểm.

Một số trường hợp tuyệt đối không cho trẻ uống nước gừng:

- Trẻ đang sốt: Theo lương y Vũ Quốc Trung trả lời trên báo Gia đình, một trong những nguyễn tắc quan trọng trong Đông y là: “"Hàn ngộ hàn tắc tử, nhiệt ngộ nhiệt tắc cuồng". Nghĩa là hàn gặp hàn tất sẽ dẫn đến tử vong, nhiệt gặp nhiệt tất sẽ dẫn đến phát cuồng điên.” Gừng có tính nhiệt, nên những người đang có thân nhiệt cao nếu uống nước gừng sẽ khiến thân nhiệt càng tăng cao hơn. Sốt do cảm lạnh, nếu muốn uống nước gừng để chữa cảm, đẩy khí lạnh ra khỏi cơ thể thì cần phải hạ sốt trước. Khi cơ thể hết sốt thì mới được uống nước gừng.

- Trẻ bị cảm nắng tuyệt đối không uống nước gừng: Người bị sốt do cảm nóng thì đặc biệt không được uống nước gừng. Uống nước gừng khi bị cảm nắng, nóng có thể dẫn đến tử vong.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU