Chị Nguyễn Thị Thu và con trai mình, bé Bon
Cho trẻ tự đi vệ sinh nơi công cộng là để rèn tính tự lập và ý thức ‘nghĩ cho người dùng tiếp theo’
Chị Nguyễn Thị Thu – Tiến sĩ về Môi trường, Đại học Tsukuba, Nhật Bản – có một con trai năm nay đã hơn 3 tuổi. Chị cũng là dịch giả của nhiều cuốn sách hữu ích dành cho các bậc cha mẹ như ‘Đợi đến mẫu giáo thì đã muộn’, ‘Cha mẹ Nhật dạy con tự lập’.
Chị kể về những kinh nghiệm hướng dẫn con tự làm những việc nhỏ như tự đeo ba lô đựng đồ cá nhân, tự đi vệ sinh, tự dọn đồ chơi… trong thời gian chị và gia đình sống tại đất nước Mặt Trời Mọc.
Một trong những ấn tượng thú vị của những du khách lần đầu đến tham quan nước Nhật là ở bất kỳ nhà vệ sinh công cộng nào cũng dễ dàng bắt gặp dòng chữ ‘Hãy sử dụng sạch sẽ cho người dùng tiếp theo’.
Bạn có biết vì sao những nhà vệ sinh của Nhật luôn được đánh giá là sạch sẽ nhất trên thế giới không?
Nó sạch sẽ không chỉ vì nhân viên lau dọn hàng ngày, mà còn bởi mỗi người dân Nhật luôn ý thức rằng sử dụng xong cần phải giữ sạch sẽ, để nó trở về nguyên tình trạng ban đầu cho người dùng tiếp theo.
Có thể không giữ sạch sẽ cũng chẳng ai biết mình làm, vì nơi công cộng mà. Nhưng với người Nhật họ nghĩ rằng, dù người tiếp theo có là người quen hay không quen biết đi nữa, thì việc sử dụng bồn vệ sinh sạch sẽ rồi bước chân ra cũng khiến tâm trạng mình ‘khoan khoái’.
Chính suy nghĩ ‘Vì người khác cũng là vì chính mình’ mới là ý thức cốt lõi tạo nên thói quen ấy.
Chị Nguyễn Thị Thu chia sẻ bức ảnh chụp hàng dép xếp ngay ngắn trong nhà vệ sinh công cộng ở Nhật: Tất cả mũi dép đều được xếp quay vào trong để tiện cho người đi vào tiếp theo
Ngay từ khi còn nhỏ trẻ em đã được gia đình, nhà trường dạy dỗ thói quen hành động này trong đời sống hàng ngày. Từ những điều rất nhỏ như thấy giấy vệ sinh hết thì thay cuộn khác cho người dùng sau, khi đi chơi ở nơi công cộng sau khi chơi xong phải biết để đồ lại chỗ cũ, thu dọn rác do mình xả ra…
Cu Bon nhà mình được rèn luyện tự làm vệ sinh cá nhân từ khi còn rất nhỏ.
Thời điểm nào để bắt đầu xây dựng cho con tính tự lập và kỹ năng sống? Vâng, chính là khi trẻ bắt đầu muốn tự mình làm mọi thứ như muốn tự xúc cơm, muốn tự mặc quần áo, muốn tự đi vệ sinh…
Khi ấy cha mẹ hãy tiếp nhận những mong muốn ấy của con trẻ như một niềm vui về sự trưởng thành của con, thay vì cấm con làm hoặc nghĩ rằng con còn quá nhỏ để làm nó.
Nếu những việc nhỏ bé không được rèn luyện từ thuở ban đầu thì lớn lên trẻ sẽ rất khó hợp tác tích cực.
Trong cuốn ‘Tottochan, cô bé bên của sổ’ có một tình huống sư phạm kinh điển, mà cũng vô cùng hài hước đó là Tottochan đánh rơi cái ví khi đi vệ sinh, thầy hiệu trưởng đi qua thấy em đang hì hục lôi rác từ ống cống nhà vệ sinh để tìm ví.
Thay vì quát mắng, cấm em không được làm hay là làm giúp em, thầy hiệu trưởng đã hỏi em đang làm gì rồi chỉ nhắc nhở em làm xong thì đậy nắp cống lại.
Một tình huống như vậy thôi nhưng nó có rất nhiều ý nghĩa đối với cô bé, bởi thầy đã cho Tottochan cảm nhận được rằng, thầy tin tưởng rằng cô bé sẽ làm được, có thể làm đến cùng công việc của mình.
Để nuôi dưỡng tính tự lập và kỹ năng sống cho trẻ điều cha mẹ cần làm chỉ là thay vì làm hộ cho trẻ, thay vì cấm đoán, hãy tin rằng trẻ có khả năng làm được điều trẻ muốn, cho trẻ một cơ hội để trải nghiệm và tự lập.
Việt Nam nên có nhà vệ sinh riêng cho trẻ nhỏ, người tàn tật
Chị Judy Hồng Phước là bà mẹ Việt có 3 con nhỏ: 2 bé gái và 1 bé trai, sống tại thị trấn High Prairie, Alberta, Canada đã chia sẻ kinh nghiệm dạy con về kỹ năng sử dụng nhà vệ sinh công cộng.
Ở Canada, ngoài nhà vệ sinh nam, nhà vệ sinh nữ, còn có 1 nhà vệ sinh gọi là phòng gia đình (family) và có biểu tượng người tàn tật luôn nên cả trẻ con và người tàn tật đều có thể sử dụng được.
Ở những siêu thị lớn, tại khu vực vệ sinh thường có 2 - 3 phòng như vậy nhưng tôi thấy đều sử dụng liên tục.
Chị Judy Hồng Phước và 3 con nhỏ
Tôi có 3 đứa con, nếu 4 mẹ con đi đâu mà bọn trẻ muốn đi vệ sinh thì chúng phải tự đi thôi, mình không thể ‘phân thân’ để đi theo chúng được. Cách của tôi là như thế này:
Nếu con còn nhỏ (dưới 2 tuổi) thì dùng tã.
Nếu con 2 – 3 tuổi: Có đôi lần khi đứa nhỏ nhất của tôi còn sơ sinh, đi nhà hàng lỡ mua đồ và đã trả tiền thì 2 bé lớn lại có nhu cầu đi vệ sinh, tôi cho 2 bé gái lớn tự vô nhà vệ sinh nữ.
Tôi địu đứa nhỏ, đứng bên ngoài nhà vệ sinh và nói chuyện cùng 2 con. Vì có 2 chị em nên chúng ngó chừng nhau (tôi dạy phải luôn đi cùng nhau).
Con 3 tuổi trở lên: Khi 4 mẹ con đi vô 2 - 3 phòng vệ sinh khác nhau thì tôi thường dặn các con vừa đi vệ sinh vừa… hát để định vị và có thể phát hiện điều bất thường.
"Khi 4 mẹ con vô các phòng vệ sinh khác nhau, tôi bảo con vừa đi vệ sinh vừa hát để định vị và có thể phát hiện điều bất thường" -Chị Judy Hồng Phước
Ở bên này trẻ 3 tuổi hoặc chuẩn bị 3 tuổi để đi nhà trẻ đều được cha mẹ hoặc nhà giữ trẻ tập cho bỏ tã và tự đi vệ sinh. Như con tôi, cả 3 đứa đều bỏ tã hoàn toàn kể cả ban đêm khi mới 2 tuổi.
Do đó, đến khi 3 tuổi là trẻ hoàn toàn chủ động đi vệ sinh được rồi.
Ở Canada, nếu trẻ chưa bỏ tã thì nhà trẻ không nhận, vì cô giáo đưa đến nhà vệ sinh xong cô đứng ở ngoài và trẻ phải tự làm, kể cả giật nước, rửa tay và lau hay sấy tay.
Từ 2 tuổi, các con của tôi luôn được dạy bộ phận riêng tư của con và không ai được đụng vào, trừ cha mẹ. Và con luôn biết mắc cỡ khi phải thay đồ cho người khác thấy.
Vì vậy có trường hợp các con của tôi, đứa lớn dắt đứa nhỏ vào nhà vệ sinh, thì đứa nhỏ bắt đứa lớn phải che mắt ‘không nhìn em’ trong lúc trợ giúp.
Nhà vệ sinh công cộng ở Việt Nam quá bẩn và quá ít, người xây dựng chưa nghĩ đến con trẻ
Chị Thu Hà, nhà ở Q. Bắc Từ Liêm, Hà Nội có 2 con trai, 1 bé 5 tuổi, 1 bé 3 tuổi tâm sự về nỗi khổ với nhà vệ sinh công cộng.
Tôi hay cho 2 con trai đi chơi các công viên, trung tâm vui chơi trong nhà,… vào dịp cuối tuần. Tôi thấy các nhà vệ sinh của trung tâm mua sắm, khu vui chơi trong nhà thì khá sạch sẽ, nhưng ở các công viên thì còn hạn chế.
Bỏ qua vấn đề lo lắng trẻ bị xâm hại, bị bắt cóc, ngay cả khi bố đi cùng bé trai, mẹ đi cùng bé gái thì việc ‘giải tỏa nỗi niềm’ cũng rất… gian nan.
Như ở công viên Hòa Bình gần nhà tôi, cả cái công viên rộng như vậy mà có mỗi 2 nhà vệ sinh. Đang chơi ở đầu này mà chạy tuốt sang đầu kia công viên mới có nhà vệ sinh, trẻ con làm sao chịu nổi?
Chưa kể, bậc lên nhà vệ sinh không chắc chắn, mùi hôi, phía bên trong nhà vệ sinh không lấy đủ ánh sáng và thông khí…
Nhà vệ sinh công cộng khó sử dụng như vậy, nên nhiều ông bố bà mẹ vẫn hay cho con ‘tiểu đường’ dù biết là mất mỹ quan và vệ sinh chung.
Tôi nghĩ việc dạy con thói quen tự lập là cần thiết, tuy nhiên tôi cũng chỉ dám cho con 'tự lập' ở những nhà vệ sinh sạch sẽ, còn những chỗ khó sử dụng tôi vẫn phải đi cùng cháu để đảm bảo con không bị trơn, ngã hay quá 'sợ' nhà vệ sinh mà 'nhịn luôn' gây hại cho cơ thể.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.