Đức đau đầu vì nhiều người bỏ lịch tiêm vaccine COVID-19

5% -10% người dân đã không đến các buổi hẹn tiêm vaccine COVID-19 của họ ở Berlin, Đức, và điều này đang có "ảnh hưởng lớn đến độ bao phủ vaccine của Berlin", người đứng đầu Hội Chữ thập đỏ Berlin nói.

Vì sao nhiều người Đức bỏ lịch tiêm vaccine COVID-19?

Ngày càng nhiều người Đức không đến tiêm vaccine COVID-19 như đã hẹn khi Đức đang chạy đua để tiêm phòng nhiều hơn cho người dân nhằm chống lại sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta, Reuters đưa tin.

Mario Czaja, người đứng đầu Hội Chữ thập đỏ Berlin, cho biết 5% -10% người đã không đến các buổi hẹn tiêm chủng của họ tại các trung tâm tiêm vaccine của thành phố - đặc biệt là liều vaccine thứ hai. Tỷ lệ này trong thời gian đầu năm 2021 chỉ là dưới 0,5%.

Với khoảng 15.000 lượt tiêm chủng được lên kế hoạch mỗi ngày tại các trung tâm, số lịch tiêm không được thực hiện đang có "ảnh hưởng lớn đến độ bao phủ vaccine của Berlin", Czaja nói với đài phát thanh Deutschlandfunk hôm 5/7.

Một trung tâm tiêm chủng được thiết lập trong sân vận động băng Erika-Hess ở Berlin, Đức, ngày 14 tháng 1 năm 2021. Ảnh Kay Nietfeld / REUTERS

"Chúng ta cần những mũi tiêm này. Chúng ta vẫn chưa hết nguy hiểm và chúng ta không thể sơ suất", ông nói, đồng thời kêu gọi mọi người chủ động hủy hẹn nếu họ đã tiêm vaccine COVID-19 liều thứ hai sớm hơn ở nơi khác.

Mặc dù có nhiều người không đến tiêm như đã hẹn, các trung tâm không phải vứt bỏ vaccine vì sau khi rã đông, chúng có thể được bảo quản ba đến bốn ngày trong tủ lạnh, ông Czaja nói.

Christian Fuellers, giám đốc y tế của một trung tâm tiêm chủng ở North Rhine-Westphalia, nói với kênh truyền hình ARD rằng mọi người có thể đã bỏ lịch hẹn tiêm mũi thứ hai vì họ được tiêm ở nơi khác hoặc có thể đang đi nghỉ.

Đặc biệt, những người đàn ông trẻ tuổi nghĩ rằng chỉ cần một liều vaccine là đủ, ông nói thêm.

Người dân xếp hàng tại một nhà thi đấu thể thao để được tiêm vaccine COVID-19 ở Berlin, Đức, ngày 14 tháng 5 năm 2021. Ảnh REUTERS / Axel Schmidt

Đề xuất phạt người bỏ tiêm vaccine COVID-19

Dù lý do là gì, sự việc này cũng khiến các quan chức Đức phải đau đầu khi họ đang có kế hoạch tăng tốc độ tiêm chủng nhằm ‘đi trước đón đầu’ biến thể Delta dễ lây lan, hiện đang gây ra một nửa số ca nhiễm COVID-19 ở Đức và dự kiến ​​sẽ trở thành biến thể thống trị vào cuối tháng này.

Đức là quốc gia đông dân nhất và nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Thủ tướng Đức Angela Merkel muốn Đức đạt được tỷ lệ tiêm chủng là 80%, một nguồn tin nói với Reuters.

Khoảng 39% người Đức hiện đã tiêm hai liều vaccine COVID-19, trong khi 56,5% đã tiêm ít nhất một liều.

Theo dữ liệu của Bộ Y tế Đức, Đức dự kiến ​​sẽ nhận được 7,65 triệu liều vaccine COVID-19 trong tuần này, trong đó 4,95 triệu được dành cho các trung tâm tiêm chủng của nước này.

Nhưng số liều vaccine được tiêm trung bình một ngày trong bảy ngày qua đã giảm vào tuần trước, xuống 701.998 liều mỗi ngày, giảm gần 18% so với mức trung bình của tuần thứ hai tháng 6.

Ông Czaja đã đề nghị phạt từ 25-30 euro cho những người đăng ký tiêm nhưng không đến. Nhưng những người khác cảnh báo hành động này có thể phản tác dụng.

"Thay vì nghĩ về các hình phạt, chúng ta nên nghĩ về những gì chúng ta có thể làm để duy trì việc tiêm chủng", Reinhard Sager, chủ tịch Hiệp hội các quận của Đức, nói với báo Die Welt.

Phát ngôn viên chính phủ Đức Steffen Seibert cho biết hôm 5/7 rằng họ không có kế hoạch phạt những trường hợp không đến tiêm chủng như lịch hẹn.

Mỹ và Nga đã đưa ra các biện pháp khuyến khích, chẳng hạn như tặng tiền mặt hoặc cơ hội trúng ô tô hoặc căn hộ, để cố gắng thúc đẩy tiêm vaccine. Mỹ thậm chí còn tổ chức tiêm vaccine COVID-19 tại câu lạc bộ thoát y.

Một số khu vực của Nga cũng đã áp dụng yêu cầu tiêm chủng bắt buộc cho một số người lao động khi tình hình COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Hôm 2/7, Nga ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 trong 1 ngày cao kỷ lục trong bối cảnh một đợt bùng phát dịch đang diễn ra, Reuters đưa tin. Đợt bùng phát lần này được cho là do biến thể Delta dễ lây lan gây ra, các quan chức Nga cho biết.

Biến thể Delta lần đầu được phát hiện tại Ấn Độ và giờ đã lan ra hơn 92 quốc gia. Biến thể Delta hiện có khả năng chiếm hơn 90% tổng số ca nhiễm mới ở Vương quốc Anh, theo dữ liệu từ cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE). Tại Mỹ, biến thể này được cho là nguyên nhân gây ra khoảng 25% tổng số ca mắc mới, nhưng tỷ lệ đó đang nhanh chóng tăng lên.

(Nguồn: Reuters)

 

Theo soha.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU